Nhiều năm nay các thế hệ kiều bào ở Thái Lan vẫn luôn chú trọng phát huy giá trị truyền thống và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Nhiều lớp dạy tiếng Việt liên tiếp được mở ra, góp phần lan tỏa và bảo tồn ngôn ngữ mẹ đẻ. Sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt tại Thái Lan hôm nay đi cùng với sự lan tỏa của phong trào mang tên “Dạy và học tiếng Việt”. 

tap hua.jpg
Các giáo viên dạy tiếng Việt trong đoàn Thái Lan về dự khóa tập huấn Giảng dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Tối 11/11, Hội người Việt Nam toàn Thái Lan đã tổ chức lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) trong khuôn viên chùa Diệu Giác, tại tỉnh Mukdahan, ở Đông Bắc Thái Lan, nhằm tri ân các thầy, cô giáo kiều bào có nhiều đóng góp trong công tác giảng dạy tiếng Việt trong cộng đồng.

Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Khon Kaen, ông Chu Đức Dũng đã gửi lời chúc tốt đẹp tới các thầy, cô giáo kiều bào đã và đang cống hiến cho sự nghiệp trồng người và duy trì tiếng Việt trên toàn đất nước Thái Lan. Các, thầy cô đã và đang đem hết tâm huyết, kinh nghiệm để duy trì phong trào dạy và học tiếng Việt, gieo mầm tình yêu với Tổ quốc, khơi dậy niềm tự hào dân tộc và giúp thế hệ trẻ hướng về quê hương Việt Nam.

Các thế hệ kiều bào Việt Nam đi trước tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng khi ổn định cuộc sống vẫn không quên nghĩa vụ chăm lo cho thế hệ trẻ. Họ đã đến tận các xóm làng ở Thái Lan, nơi có người Việt ở để vận động dạy tiếng Việt cho con em kiều bào.

Ông Nguyễn Ngọc Thìn, Chủ tịch Hội người Việt Nam toàn Thái Lan (Tổng hội), khẳng định, Tổ quốc vẫn luôn quan tâm và không quên công lao trong quá khứ của các thầy, cô đã đóng góp công sức cho nền giáo dục của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Để tri ân các thầy, cô, Đảng và Nhà nước đã tổ chức nhiều chuyến về thăm quê hương, các đợt tập huấn dạy tiếng Việt cho giáo viên Việt kiều.

Ông Thìn cũng bày tỏ mong muốn các thầy, cô tiếp tục tổ chức những lớp tiếng Việt, động viên kiều bào sử dụng tiếng Việt, đẩy mạnh phong trào “Về nhà nói tiếng Việt, gặp nhau nói tiếng Việt”.

Thầy Dương Văn Tăng, hiện là Trưởng ban Giáo dục của Hội người Việt Nam tỉnh Mukdahan cho biết, trong suốt chặng đường dài, đội ngũ giáo viên Việt kiều của chúng ta đã cống hiển cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giáo dục của con em kiều bào. Khó khăn, gian khổ không thể làm cho thầy cô lùi bước, vẫn quyết chí dìu dắt học trò nỗ lực vươn lên.

Còn cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hường, phụ trách Ban Giáo dục của Hội người Việt Nam tỉnh Udon Thani, cho biết, sau một thời gian dài nghỉ do dịch Covid-19, 8 lớp học tiếng Việt tại tỉnh Udon Thani đã mở cửa trở lại với hơn 30 học sinh và 10 giáo viên. Dù đều đã ở tuổi ngoài 70 nhưng với tâm huyết của nghề giáo, các thầy, cô vẫn nỗ lực mỗi ngày dạy các cháu nói và viết tiếng Việt.

Các lớp dạy tiếng Việt đều do các giáo viên người Việt ở đây tình nguyện tham gia giảng dạy không lương với tinh thần phục vụ cộng đồng. Các cơ sở dạy tiếng Việt dần được trang bị bàn ghế và địa điểm học với sự hỗ trợ của Hiệp hội doanh nghiệp và Hội người Việt Nam ở các địa phương. Không chỉ dạy con em kiều bào, lớp học còn thu hút cả người lớn và con em người bản địa tới học tiếng Việt, học hát, múa và tìm hiểu về lịch sử, văn hóa truyền thống Việt Nam.

Hiện nay, kiều bào ở Udon Thani đang phát động phong trào nói tiếng Việt tại các gia đình, mục đích là để thế hệ trẻ thích tiếng Việt, suy nghĩ bằng tiếng Việt và nói được tiếng Việt.

Thái Lan là một trong những địa bàn có nhiều người Việt Nam sinh sống và học tập đến thế hệ thứ 3, 4. Do đó, công tác giảng dạy tiếng Việt tại Thái Lan luôn được Nhà nước, Chính phủ cùng Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đặc biệt quan tâm và chú trọng.

Vào tháng 8/2023, Đoàn đại biểu Thái Lan gồm 9 giáo viên đã về Việt Nam tham dự khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức.

Tham dự khoá tập huấn, cô giáo Phạm Thị Việt (sinh năm 1950) là học viên cao tuổi nhất của khóa, chia sẻ, bà sinh sống nơi xa xứ, bà cảm thấy rất buồn nếu con em Việt Nam ở Thái Lan không nói được tiếng Việt. Nhiều em, khi dạy tiếng Việt, giáo viên phải dùng tiếng Thái để giải thích. Vì vậy, ở tuổi đã cao nhưng bà vẫn đau đáu với công tác truyền dạy tiếng mẹ đẻ cho các thế hệ sau, đóng góp vào công tác bảo tồn tiếng Việt. 

Trong đoàn còn có nhiều cô giáo tuổi đã cao, gần 60 tuổi. Đó là các cô giáo Phạm Thị Thiệu, Bùi Thị Bạch Yến, Phan Thị Mai Nang, Lê Thị Tẹo, Đàm Thị Cho, Võ Thị Hồng Vân, Trần Thị Phượng. Dù lịch trình khóa học dày đặc, nhưng các cô vẫn nhiệt tình và hăng say tham gia tập huấn, tiếp thu những kinh nghiệm để về truyền dạy lại cho thế hệ con cháu.

Cô Lê Thị Tẹo (sinh năm 1957) tâm sự: “Chúng tôi đều là những giáo viên không chuyên, chưa từng học qua các trường lớp đào tạo chính quy về sư phạm nhưng với nhiệt huyết và tâm niệm “Tiếng Việt còn thì người Việt còn” nên chúng tôi gắn bó với công việc này. 

Ngày ngày, nhìn các em nói, trò chuyện bằng tiếng Việt tôi cảm thấy hạnh phúc vì những hạt mầm mình gieo đã nảy mầm. Sau này, các em sẽ tiếp nối công việc của chúng tôi, truyền dạy tiếng mẹ đẻ cho thế hệ kế tiếp. Qua đó, tình cảm với quê hương bản quán được nuôi dưỡng qua nhiều thế hệ người Việt tại Thái Lan”.

Văn Bắc và nhóm PV, BTV