Có những chuyện nghe có vẻ ngược đời, nhưng nếu nhìn rộng ra sẽ thấy không có gì đáng ngạc nhiên. Vì người Việt vốn... vui tính!

"Em nghĩ thế nào về công dung ngôn hạnh?", "Theo em tại sao cái nết đánh chết cái đẹp?", "Giữa trí tuệ với nhan sắc em chọn gì?", v.v... là những câu hỏi rất thường thấy trong các cuộc thi nhan sắc. Giữa lúc người ta ra sức làm đẹp, đọ má hồng, so các vòng... thì nhiều người lại đang ra sức chứng minh vẻ đẹp thể xác là tầm thường, tạm bợ; vẻ đẹp trí tuệ, tâm hồn mới đáng trân trọng...

Nghe có vẻ ngược đời, nhưng nếu nhìn rộng ra, sẽ thấy không có gì đáng ngạc nhiên. Vì người Việt vốn... vui tính!

Tự hào thay... cường quốc dân số!

Một trò chơi trên điện thoại, được viết trong ba ngày, bỗng nổi đình đám toàn cầu thì tất nhiên là vui, là tự hào. Nhưng phấn khởi đến mức "chém" đùng đùng trên báo kiểu "Việt Nam sẽ thành thung lũng silicon mới", hay "Việt Nam sẽ có nhiều thung lũng silicon",... thì quả là vui tính!

{keywords}
Công dân 'cường quốc dân số' chờ xin ấn đền Trần mong đổi phận. Ảnh: Dân trí

Rồi những niềm tự hào kiểu VN là cường quốc dân số, là cường quốc thơ... cũng vô cùng dí dỏm! Đấy là chưa kể có người còn phát biểu tự hào nước ta là cường quốc... dân số.

Tưởng đâu là chuyện đùa quán nước, nhưng không phải, đây là quan điểm của một giảng viên đại học. Theo vị này: "Mặc dù chiến tranh ác liệt, bão lũ liên miên, đời sống khó khăn, số con trung bình của người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm do làm tốt công tác KHHGĐ, dân số vẫn tăng lên gấp 3 lần! Điều này chứng tỏ sức sống mãnh liệt và khả năng phát triển giống nòi bền vững của dân tộc ta".

"Với 90 triệu dân, trước hết chúng ta có thể thấy ngay rằng, Việt Nam là một thị trường lớn. Ngày nay, ai có sản phẩm hay dịch vụ gì, chỉ cần cung cấp được cho 1% dân số Việt Nam thì người đó đã có thể trở thành triệu phú đô la!".

"Mỗi người Việt Nam chỉ cần đóng góp một khoản tiền nhỏ, xã hội đã có một khoản tiền lớn để tập trung giải quyết một vấn đề nào đó. Chẳng hạn, mỗi người chỉ góp 1.000 đồng, cả nước đã có hàng chục tỷ đồng, góp 2.000, cả nước có tới trăm tỷ, còn nếu đóng góp 12.000 đồng thì đã có trên nghìn tỷ đồng... Đây đúng là thời kỳ "tích tiểu thành đại" (Báo Gia đình 28/10/2013)

Nếu lý luận sinh đẻ nhiều là "sức sống mãnh liệt" và "khả năng bền vững" thì chắc không ít quốc gia dân số ít hẳn phải chạnh lòng. Và có những nhà đầu tư nào trở thành triệu phú đô la chưa thì không biết, chỉ thấy vị giảng viên nọ quên mất rằng một đứa trẻ ra đời, đòi hỏi sự đầu tư rất lớn của gia đình, nhà trường, xã hội.

Không rõ đã có thống kê chính xác nào về việc một đứa trẻ cần bao nhiêu chi phí cho dinh dưỡng, sức khỏe, chăm sóc, giáo dục... Nhưng có một thực tế, các gia đình ở thành phố sinh ít con hơn nông thôn, dù mức sống ở thành phố cao hơn. Chẳng nhẽ "sức sống mãnh liệt" và "khả năng bền vững" của phụ nữ thành phố kém hơn phụ nữ nông thôn?

Còn vấn đề "tích tiểu thành đại" thì chắc phải có điều tra xã hội học và kinh tế học. Còn từ kiến thức của mình, người viết chỉ biết những nước phát triển trên thế giới không phải những quốc gia đông dân số nhất.

{keywords}
Các cuộc thi hoa hậu rất hay hỏi về công dung ngôn hạnh. Ảnh minh họa, nguồn: TT&VH

Hoa hậu, cô chưa học hết lớp 12 ư?

Thường thấy ở nước ngoài, các chuyên gia khi được hỏi về vấn đề ngoài chuyên môn hoàn toàn có thể từ chối trả lời và nói rõ mình không hiểu biết về vấn đề đó. Sự thẳng thắn đó không làm giảm giá trị, mà ngược lại còn làm tăng sự tin tưởng vào tính trách nhiệm của họ.

Nhưng ở Việt Nam, lắm khi chúng ta lại đòi hỏi người khác phải có kiến thức phải mênh mông, thông kim tường cổ, cái gì cũng phải "biết tuốt". Tỷ như, trong một chương trình truyền hình mới đây, một cô hoa hậu bối rối vì không trả lời được thông tin về một lá cờ. Ngay lập tức, cô nhận được lời nhận xét từ thành viên giám khảo, một nhạc sĩ, rằng chắc Hoa hậu chưa học hết lớp 12. Lý do là chương trình sử lớp 12 đã dạy về lá cờ này.

Phản ứng lại nhận xét này, một số người đưa ra lập luận: giám khảo kia "có thể biết về lá cờ, nhưng có giỏi tiếng Anh, quan hệ quốc tế như cô ấy không?", hay "nhiều người không giải được Toán lớp 4 (vì quên công thức, vì lâu ngày quên kỹ năng...) nhưng họ đều đã học qua lớp 4".

Những năm gần đây, tiếng Anh được đưa vào giảng dạy từ lớp 2. Nếu vì lý do nào đó, những người lớn lên không nói được tiếng Anh, thì theo cách lý luận của nhạc sĩ kia, hẳn người đó cũng "chưa học hết lớp 2" chăng? Vv và vv...

Trong suốt nhiều năm ngồi trên ghế nhà trường, mỗi chúng ta đều phải học rất nhiều thứ, mà có những kiến thức sau này ít dùng đến, thì quên vốn rất bình thường. Đòi hỏi một người nhớ tất cả mọi kiến thức là bất khả và cũng không cần thiết trong "thời đại" Google. Thay vào đó, ngày nay, những tiêu chí quan trọng khi đánh giá về một người là ở khả năng tư duy, sáng tạo, phân tích vấn đề, tìm giải pháp...

Thí sinh hoa hậu có thể tốt nghiệp từ những đại học lớn như kinh tế, ngoại thương, khoa học nhân văn... mà để đỗ vào đó họ phải có kiến thức tốt. Thế nhưng khi bị đẩy vào thế khó xử, ngắc ngứ trả lời mấy câu về "chọn nết hay đẹp" họ nghiễm nhiên bị chế giễu "chân dài óc ngắn".

Đòi hỏi một sinh viên nghệ thuật, một vận động viên... từ nhỏ học tập trung chuyên môn, phải hiểu hết kiến thức phổ thông; một kỹ sư lập trình nhớ hết tục ngữ ca dao... thì chẳng khác nào đòi một bác sĩ phân biệt sự khác nhau giữa chèo và tuồng, hay GS Ngô Bảo Châu phải nắm rõ xu hướng thời trang mới nhất...

Vậy nhưng, những đòi hỏi oái oăm kiểu đó hay những tuyên bố kiểu "chém gió" hùng hồn vẫn xảy ra không hề hiếm hoi. Mới thấy người Việt... rất vui tính!

Hoàng Hường

Bài cùng tác giả:

Những nghịch lý buồn trong nhiệt độ 44oC

Họ trở nên hung bạo từ khi nào?

Huyền Chip, trí thức lập ngôn và người hùng @

Thiên tài sẽ không xuất hiện ở Việt Nam?

Tôi 'sống sót' sau đêm mua đơn vào trường Thực Nghiệm

Khi người dân không còn khả năng 'sốc phản vệ'