Chuỗi Bách hoá Xanh của Thế Giới Di Động chính thức hoà vốn EBITDA tại cửa hàng vào tháng 12/2018, kết quả của những thay đổi trong 3 năm triển khai.
Thế Giới Di Động chính thức mở những cửa hàng bách hoá đầu tiên vào cuối năm 2015 tại các quận vùng ven như Tân Phú, Bình Tân (TP.HCM). Nhìn lại những cửa hàng đó so với các cửa hàng hiện tại sẽ thấy chúng thay đổi nhiều, trong đó có thay đổi lớn về diện tích cửa hàng, trục đường đặt cửa hàng, cách bày biện và phân bổ tỷ lệ hàng hoá.
Khách mua hàng bên trong một siêu thị Bách hoá Xanh - Ảnh: H.Đ |
Từ những người chuyên kinh doanh công nghệ nhảy sang bán hàng tạp hoá, Thế Giới Di Động đã chọn mở cửa hàng ở sâu trong khu vực dân cư, với suy nghĩ sẽ phục vụ được nhiều người dân ở mỗi khu vực, giúp họ thuận tiện khi từ chỉ vài bước từ nhà ra siêu thị mua hàng.
Tuy vậy, ông Trần Kinh Doanh, cựu CEO Thế Giới Di Động nay chuyển sang làm CEO Bách hóa Xanh, cho biết quan sát thấy khách vào cửa hàng chủ yếu trên đường đi làm về. Các cửa hàng trên trục đường lớn, cửa hàng to dễ nhận diện sẽ hút khách nhiều hơn. Do đó, kể từ đầu năm 2018, sau 2 năm triển khai, các cửa hàng Bách hoá Xanh mở mới chú trọng mặt bằng ở trục đường chính với diện tích tăng lên.
Từ diện tích ban đầu mỗi cửa hàng khoảng 150 mét vuông, Bách hoá Xanh tăng lên trung bình 200 mét vuông, các cửa hàng lớn sẽ có diện tích trên 300 mét vuông.
Các cửa hàng ở thời điểm giữa năm 2018 có doanh thu trung bình khoảng 800 triệu đồng/tháng nhưng với những cửa hàng ở mặt tiền đường lớn, diện tích lớn hơn có thể đạt tới 1,5 tỷ đồng/tháng.
Các cửa hàng càng lớn, nằm ở mặt tiền đường lớn và gần các chợ sẽ càng có nhiều khách vào hơn.
Ông Trần Kinh Doanh, hồi tuần trước, cho biết trung bình khách vào Bách hoá Xanh cao hơn mọi đối thủ siêu thị nhỏ (mini mart) hiện nay như Coop Food hay SatraFoods.
Bên cạnh mở rộng cửa hàng, chuỗi bách hoá của Thế Giới Di Động cũng phân bổ lại tỷ trọng ngành hàng. Ở những cửa hàng đầu tiên, đồ khô được bày biện nhiều hơn nhưng vào thời điểm hiện tại, các mặt hàng tươi sống được tăng lên, bày biện ở các vị trí đắc địa của cửa hàng. Việc gia tăng mặt hàng tươi sống cũng hút khách vào cửa hàng nhiều hơn.
Với thay đổi này, doanh thu ngành hàng tươi sống chiếm khoảng 30% đầu năm 2018 đã tăng lên 40% vào cuối năm.
Những thay đổi cộng với mở mới cửa hàng giúp Bách hoá Xanh từ góp 1% doanh thu trong nửa đầu năm 2017 lên 3% nửa đầu 2018, và chốt 5% tổng doanh thu tập đoàn Thế Giới Di Động cả năm 2018.
Ông Nguyễn Đức Tài, chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động, cho biết năm 2019 sẽ tập trung toàn lực để phát triển chuỗi Bách hoá Xanh. Trên quy mô tập đoàn, chuỗi này góp quá ít ỏi so với hai mảng điện thoại và điện máy nhưng ông Tài cho biết trong vài năm tới Bách hoá Xanh sẽ là động lực phát triển của Thế Giới Di Động.
Xác định tầm quan trọng của Bách hoá Xanh, từ cuối 2018 Thế Giới Di Động đã bổ nhiệm CEO mới cho hai chuỗi điện thoại và điện máy, để ông Trần Kinh Doanh dành hết sức cho chuỗi này.
Nói trước các nhà đầu tư hồi tuần trước, ông Doanh cho biết lợi nhuận gộp của chuỗi bách hoá hiện khoảng 18-20%, cao hơn mức 17-18% của mảng điện máy hay điện thoại vốn đang chững lại. Ở mảng kinh doanh mới, ông Doanh cho biết còn có thể gia tăng lãi gộp thêm nữa, chứng tỏ vai trò của Bách hoá Xanh trong tương lai rất lớn.
Kết thúc năm 2018, Bách hoá Xanh có 405 cửa hàng, đạt doanh thu 4.272 tỷ đồng, tăng 208% so với năm 2017. Năm 2019 chuỗi này dự định mở cửa hàng ra các tỉnh lân cận TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bến Tre, Cần Thơ, Tiền Giang,...