- Liên hoan Jazz quốc tế lần thứ I diễn ra tại Nha Trang từ ngày 27/4 đến 1/5 - sự kiện được giới chuyên môn, khán giả đánh giá cao. Cảm xúc của anh thế nào khi đảm nhận vị trí Giám đốc âm nhạc của sự kiện này?
Tôi vinh dự và áp lực. Là sinh viên tốt nghiệp những khoá đầu của khoa nhạc Jazz - Học viện Âm nhạc Quốc gia do Giáo sư Lưu Quang Minh trực tiếp giảng dạy, tình cảm của tôi với thể loại âm nhạc này rất lớn. Tôi đã luôn có mong ước làm được những điều tốt đẹp cho Jazz Việt.
- Dù rất thịnh hành trên thế giới, Jazz vẫn khá kén người nghe tại Việt Nam. Theo anh, đâu là lý do?
Đơn giản nhiều người vẫn nghĩ Jazz là cái gì đó điên rồ, khó nghe. Thế nhưng, điều cốt lõi của thể loại này là sự tự do trong biểu đạt, phát triển ý tưởng âm nhạc của mỗi nghệ sĩ. Đây cũng là dòng nhạc độc đáo có khả năng kết nối các nền văn hóa khác nhau và mở rộng biên giới của âm nhạc.
Còn nói đến sự phổ biến, tôi nhớ đến những ngày còn đảm nhận cương vị sản xuất chương trình Bài hát Việt. Khi ban cố vấn là nhạc sĩ Dương Thụ, nhạc sĩ An Thuyên, nhạc sĩ Nguyễn Cường, cố nhạc sĩ Lương Minh đưa ra khái niệm 'dân gian đương đại', rất nhiều ý kiến trái chiều lúc đó cho rằng nó khó nghe, khó được chấp nhận. Thế rồi, thời gian đã đưa ra câu trả lời chính xác nhất. Chúng ta thấy các sản phẩm âm nhạc mang yếu tố dân gian hiện nay như Vũ trụ cò bay của Phương Mỹ Chi - DTAP đã được các bạn trẻ đón nhận nồng nhiệt. Jazz cũng là một hành trình như vậy.
- Thứ trưởng Tạ Quang Đông trong buổi họp báo mới đây khẳng định: "Trên bản đồ âm nhạc khu vực, Việt Nam được xem là có thế mạnh về nhạc Jazz. Chúng ta có những ban nhạc Jazz, nghệ sĩ Jazz đạt trình độ quốc tế". Anh có tán đồng với nhận định này?
Đúng vậy! Trước đây, nhắc đến nhạc Jazz, chúng ta chỉ biết đến hai địa điểm là Saxn'art Club của nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn, Bình Minh Jazz Club của nghệ sĩ Quyền Văn Minh – Quyền Thiện Đắc. Hiện tại thì khác, ở Hà Nội và TP.HCM, không thiếu những câu lạc bộ dành riêng cho khán giả yêu thích thể loại này.
Ngoài những nghệ sĩ gạo cội theo đuổi, các năm gần đây Jazz đã len lỏi vào đời sống âm nhạc với những sản phẩm như: Bóng tối Jazz của Giáng Son, loạt ca khúc phong cách Jazz của Phương Vy, Hà Nội Duo (Ngô Hồng Quang - Nguyên Lê), 1989 (Tùng S.A.X), show âm nhạc Nghe gió kể - Jazz Symphony của Nguyễn Hải Phong. Jazz Việt cũng được mang đi giới thiệu ở các lễ ngoại giao cấp quốc gia và được đánh giá tích cực.
Sự phát triển của Jazz tại Việt Nam cũng là thành quả của cả một quá trình kiên trì từ lúc thành lập khoa Jazz đầu tiên tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đến nay. Tại đó, Giáo sư Lưu Quang Minh đã kiên trì đưa chuyên gia nước ngoài sang giảng dạy, liên tục làm những workshop đưa sinh viên sang nước ngoài học tập, trở về cống hiến và tạo nên quả ngọt. Những đại diện như Jazz Glory đã chứng minh bản lĩnh của mình trên sân chơi âm nhạc cũng như thị trường âm nhạc chuyên nghiệp. Lứa tài năng tiếp theo như: San Trịnh, Lê Minh Hiếu, An Trần hiện đang học tập tại Học viện âm nhạc Berklee.
Tôi tin lứa nghệ sĩ trẻ được đào tạo bài bản ở tầm thế giới sẽ quay trở về trong một vài năm tới, thúc đẩy âm nhạc Việt Nam phát triển. Công việc của tôi hiện tại chỉ là chuẩn bị một môi trường cởi mở và tốt hơn khi các bạn ấy trở về, cống hiến và sáng tạo.
- Quay lại với Liên hoan Jazz quốc tế lần thứ I. Chương trình quy tụ hơn 100 ca sĩ, nhạc sĩ, nhạc công, vũ công trong nước và nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc, Singapore… Quá trình làm việc với họ, anh gặp khó khăn gì?
Những tháng qua, tôi không ít lần bay đi bay lại để kết nối nghệ sĩ quốc tế. Họ bày tỏ sự vui mừng khi cùng tham gia và làm nên sự khác biệt. Điều đó khiến tôi hạnh phúc!
Tổ chức một Festival Jazz ngoài bãi biển khi mọi người nghĩ rằng khó - với tôi đó lại là một ý tưởng tuyệt vời và có thể thu hút đông đảo khán giả nhờ sự kết hợp của âm nhạc và bầu không khí thư giãn tại đây. Để lên kế hoạch cho một sự kiện như vậy, ta cần cân nhắc nhiều yếu tố từ việc lựa chọn thể loại âm nhạc, đến cách thức tổ chức.
Có thể kể tới Jazz Fusion (sự kết hợp giữa Jazz và các thể loại khác như Rock, Funk hoặc R&B, phù hợp với không khí năng động); Smooth Jazz (nhẹ nhàng và dễ nghe, thích hợp với những ai muốn thư giãn và tận hưởng âm nhạc trong không gian mở); Latin Jazz (nhịp điệu Latin Jazz); Afro-Cuban Jazz (sự pha trộn của âm nhạc Jazz với nhịp điệu và phong cách của âm nhạc Cuba và châu Phi.
- Ca sĩ Mỹ Linh và Thu Minh là đại diện của Việt Nam trong sự kiện lần này. Đâu là lý do khiến anh chọn hai gương mặt này?
Jazz cần một nền tảng thanh nhạc, kỹ thuật tốt, cảm giác nhịp chắc chắn để hát và chơi sống, ngẫu hứng cùng ban nhạc, bởi vậy những lựa chọn hàng đầu khi tôi nghĩ đến là phải mời được hai giọng ca có thực lực. Tôi hoàn toàn yên tâm khi những gì họ mang đến là sự chỉn chu, tinh tế và chất lượng nghệ thuật.
Chương trình vẫn còn một bất ngờ. Đó là nếu bạn để ý đến một Tùng Dương gai góc, thì đây sẽ là dịp để khán giả khám phá thêm một Tùng Dương Jazz thú vị và hay như thế nào. Hồi còn học trong trường với nhau, chúng tôi luôn ấn tượng và nể Tùng Dương vì khả năng hát Jazz và kiến thức sâu về thể loại âm nhạc này.
- Sự kết nối giữa các nghệ sĩ Việt Nam và nghệ sĩ quốc tế trong chương trình này được thể hiện ở yếu tố nào? Với vai trò giám đốc âm nhạc, anh sẽ làm gì để sự kết hợp đó không bị chênh lệch hoặc rời rạc?
Sự kiện Liên hoan Jazz quốc tế lần thứ nhất đặc biệt ở việc chúng ta mời những nghệ sĩ quốc tế tới “nhà” và tự tin giới thiệu với họ những “đặc sản”, đó là sự hiếu khách và kho tàng âm nhạc lớn của người Việt. Mọi người hay e dè một cách kín đáo rằng liệu người nước ngoài có “cười chê” những giai điệu truyền thống, họ có biểu diễn với sự thích thú và thoải mái?
Tôi thì chưa bao giờ nghĩ vậy và thực tế đã cho thấy rằng tôi đúng. Tại liên hoan này, chúng ta có màn kết hợp Jazz của hai tượng đài âm nhạc Chico Freeman và Trần Mạnh Tuấn phát triển trên những ca khúc dân ca Việt. Ở buổi tập cuối, tôi đã nhận được những câu nói chân thành của nghệ sĩ quốc tế khi thán phục và yêu những giai điệu dân gian Việt Nam vì nó đẹp đẽ, cuốn hút. Việc chuyển soạn sang lời Anh khiến ca khúc phổ cập và tiếp cận với họ một cách dễ dàng hơn.
- Anh kỳ vọng gì ở sự kiện này?
Tôi muốn mượn một câu hát của Đen Vâu – người bạn của tôi: "Hãy trồng thêm thật nhiều cây cối, đàn chim sẽ về và quanh nhà lại có thêm hoa". Đây cũng là tư tưởng mà tôi nhận được khi tiếp xúc với Thứ trưởng Tạ Quang Đông, được anh ủng hộ và khích lệ tổ chức sự kiện này.
Mạch Đông