Sau những đắn đo, chờ đợi giá xe rẻ hơn vào năm 2018, ngay tháng 1 người Việt đã vung tiền mua ôtô phục vụ nhu cầu đi lại dịp Tết Nguyên đán.

Theo thống kê từ VAMA, doanh số bán hàng toàn thị trường đạt tổng cộng 26.037 xe trong tháng 1/2018, giảm khoảng 7% so với tháng 12/2017, nhưng tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trong số đó, xe du lịch bán tổng cộng 18.371 xe, xe thương mại đạt 7.363 chiếc và xe chuyên dụng đạt 303 chiếc. So với tháng 12 năm ngoái, lượng xe du lịch bán ra tăng đến 32% và tăng 26% so với cùng kỳ năm 2017. Có thể thấy, người Việt đã cởi bỏ tâm lý chờ đợi và mạnh tay chi tiền để mua xe phục vụ đi lại dịp Tết Nguyên đán. 

{keywords}
Toyota Vios đạt doanh số 2.458 trong tháng đầu năm 2018.

Trong tháng 1, Thaco bán được nhiều xe du lịch nhất, chiếm đến 34,6% thị phần (Mazda, Kia và Peugeot chưa kể BMW), với tổng 8.728 xe. Các thương hiệu doanh nghiệp này sở hữu đóng góp 4/10 xe bán chạy nhất thị trường. Mazda3 và Mazda CX-5 đạt doanh số bán rất tốt, lần lượt 2.108 xe và 1.811 xe, chỉ đứng sau Toyota Vios. 

Nhu cầu tăng vọt về xe trong tháng 1, khiến Thaco tăng giá nhẹ dòng xe Mazda CX-5 do linh kiện lắp ráp không về kịp, thậm chí dừng nhận đặt hàng xe giao trước Tết. Trên các diễn đàn, không khó tìm thấy thông tin cần mua dòng xe này hay những dòng trạng thái mừng vui khi được nhận xe sau thời gian dài chờ đợi. 

{keywords}
Mazda CX-5 được nhiều người dùng Việt lựa chọn. 

Nhu cầu tăng mạnh về xe trong dịp cận Tết cũng được một số nhân viên kinh doanh xe Kia thông báo từ khoảng đầu tháng 1. Những mẫu xe như Cerato hay Morning được nhiều người tìm mua. Doanh số tháng 1 của Cerato đạt 1.183 xe, cao nhất từ trước đến nay. 

Vắng bóng dòng xe nhập khẩu ăn khách Fortuner, Toyota đạt doanh số tổng 5.131 chiếc, chiếm 20,2% thị phần. Vios, Innova và Corolla Altis đều nằm trong top xe bán chạy nhất thị trường. Doanh số của Vios đạt mức 2.458 xe, đứng đầu về doanh số.

{keywords}
Thaco chiếm phần lớn thị phần ôtô tại Việt Nam. 

Nhiều dòng xe lắp ráp trong nước khác cũng ghi nhận kết quả khả quan. Honda City đạt kỷ lục doanh số 974 xe, cao nhất kể từ khi bán tại Việt Nam. Mitsubishi Outlander CKD mới bán ra thị trường cũng có doanh số đáng ghi nhận.

Hyundai Thành Công không cho biết doanh số bán hàng, tuy nhiên nhiều dòng xe của doanh nghiệp này cũng trong tình trạng khan hàng suốt từ tháng 1. Công ty phải liên tục tăng ca để có xe trả cho khách. 

So với cùng kỳ năm ngoái, doanh số các dòng xe lắp ráp trong tháng 1 tăng đến 44%, trong khi xe nhập khẩu giảm 9%. Đáng chú ý Fortuner là dòng xe ăn khách tại Việt Nam, nhưng không có xe để bán cũng góp phần giảm doanh số xe nhập khẩu.

Kể từ thời điểm Nghị định 116 có hiệu lực đến nay, các doanh nghiệp có kinh doanh xe nhập khẩu đều chưa thể nhập xe về bán. Nguồn tin từ Toyota Việt Nam cho biết nhiều khả năng phải hết quý II năm nay mới có thể nhập xe về bán. 

{keywords}
Honda City lập kỉ lục doanh số kể từ khi bán tại Việt Nam.

Trong số các dòng xe nhập khẩu, Ford Ranger và Honda CR-V nằm trong top 10 xe bán chạy nhất thị trường. Ford Ranger vẫn duy trì sự hút khách như thường lệ, với 1.397 xe bán ra. Trong khi đó, Honda CR-V đạt doanh số 737 chiếc. Tuy nhiên, hiện tại liên doanh ôtô Nhật Bản chưa thể nhập thêm xe về bán.

Sau năm 2017 không đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng, thị trường ôtô Việt Nam khởi đầu năm 2018 khá ấn tượng với mảng xe du lịch, tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Các dòng xe lắp ráp đang hưởng lợi từ việc các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô chưa thể nhập xe về bán. 

(Theo Zing)