Cùng với số vốn Nhà nước hỗ trợ qua đề án hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, nhiều hộ nghèo, cận nghèo tại hai huyện nghèo của Đắk Lắk mạnh dạn vay thêm để có được mái ấm kiên cố.
Đắk Lắk là tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Nguyên, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, có nhiều đồi núi, sông suối, mùa mưa thường xuyên bị lũ cuốn, sạt lở. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhà ở, đặc biệt là nhà ở của các hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa khu vực nông thôn, những nhà tạm, xiêu vẹo, dột nát... rất dễ sập đổ, mất an toàn về tính mạng khi xảy ra bão tố, lốc, mưa lũ.
Tại Đắk Lắk, tổng số hộ cần được xoá nhà tạm, nhà dột nát là 9.569 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong đó, 5.330 hộ nghèo 5.330 cần xây nhà mới, 1.327 hộ cần sửa chữa. Với hộ cận nghèo, có 2.189 nhà cần xây mới và 723 nhà sửa chữa. UBND tỉnh này ước tính tổng kinh phí để xoá nhà tạm, nhà dột nát trên 427 tỷ đồng.
Đắk Lắk hiện còn 2 huyện nghèo là Ea Súp và M’Drắk theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025.
Đây cũng là 2 địa phương của tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo tỉnh Đắk Lắk thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.
Theo Đề án này, trong 3 năm (2023-2025), tổng cộng có 1.485 hộ nghèo, cận nghèo của 2 huyện này được hỗ trợ xây sửa nhà ở. Riêng huyện M'Drắk, 852 hộ được xây mới và 633 được hỗ trợ sửa chữa nhà ở. Tổng vốn được bố trí thực hiện Đề án tại huyện này là hơn 142,3 tỷ đồng. Đến nay, huyện M’Drắk đã hoàn thành khoảng 800 căn nhà kiên cố cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Năm 2024, vợ chồng chị H'Ngân Ksơr (buôn Gõ Năng, xã Cư M’ta, huyện M'Drắk) lần đầu tiên được chuyển sang căn nhà kiên cố sau nhiều năm cùng bố mẹ và các anh chị sống trong căn nhà cấp 4 lụp xụp.
Do không có việc làm ổn định nên dù được bố mẹ chia đất làm nhà ở riêng nhưng có được cho mình căn nhà kiên cố mãi là niềm mơ ước với anh chị. Được Nhà nước hỗ trợ khoảng 27 triệu đồng từ các nguồn của Trung ương, tỉnh, huyện, Quỹ Vì người nghèo, gia đình chị mạnh dạn vay thêm 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để góp thêm vào sửa chữa nhà.
Thuộc diện hộ đặc biệt khó khăn được hỗ trợ xây mới, gia đình ông Nông Văn Còi (dân tộc Tày), xã Krông Á, huyện M'Drắk, được ngân sách Nhà nước hỗ trợ khoảng hơn 50 triệu đồng. Trước đây, 5 người trong nhà ông phải sống tạm bợ với căn nhà tạm đã xuống cấp, trong khi công việc làm thuê bấp bênh, 4ha đất trồng sắn cho thu nhập không đáng kể. Miếng ăn phải chạy từng bữa, vì thế, giấc mơ có nhà kiên cố mãi xa vời. Hiện nay, nhờ hỗ trợ của Nhà nước, gia đình ông Còi đã có thể an tâm những ngày mưa gió.
Tại huyện Ea Súp, theo Đề án của tỉnh, trong 3 năm, huyện sẽ thực hiện xây sửa nhà ở cho 3.057 hộ nghèo, cận nghèo. Ông Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, cho biết năm 2024, địa phương tiếp tục triển khai hỗ trợ xây nhà mới, sửa chữa nhà ở cho 690 hộ (xây mới: 494 hộ; sửa chữa: 196 hộ). Trước đó, sau hơn 1 năm triển khai Đề án, huyện đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho 794 hộ nghèo, hộ cận nghèo; trong đó xây mới 510 căn; sửa chữa 284 căn.
Sau thời gian dài phải ở nhà thuê, đầu năm 2024, gia đình anh Y Kina H Mõk ở buôn B2, thị trấn Ea Súp, thuộc diện hộ nghèo, đã có nhà mới. Hộ gia đình này được hỗ trợ từ Đề án của tỉnh để xây dựng nhà mới. Từ số tiền được hỗ trợ, cùng sự giúp đỡ của anh chị em trong dòng họ, sau 2 tháng xây dựng, gia đình anh Y Kina đã xây được căn nhà cấp 4 rộng rãi, khang trang.
Việc xây mới, sửa chữa nhà ở góp phần cải thiện đời sống, giúp người nghèo từng bước an cư. Ông Tuyên đánh giá, hoạt động nhân văn này còn khơi dậy tinh thần đoàn kết của gia đình, họ hàng làng xóm, đặc biệt là ý chí vươn lên của các hộ dân. Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Tuyết Phôi, Phó Trưởng Phòng LĐ-TB & XH huyện M'Drắk, mỗi căn nhà được hoàn thành không chỉ đồng nghĩa với việc một hộ nghèo có chỗ ở ổn định, kiên cố, mà còn là động lực giúp họ yên tâm lao động sản xuất, thêm động lực thoát nghèo.
Ngoài mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, các hộ nghèo, cận nghèo thường trú trên địa bàn các huyện còn được hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ (xây dựng mới nhà ở), 5 triệu đồng/hộ (sửa chữa nhà ở) từ nguồn ngân sách tỉnh. Nguồn ngân sách các huyện hỗ trợ mỗi hộ 1,5 triệu đồng để xây dựng mới nhà ở và 750.000 đồng sửa chữa nhà ở.
Ngoài ra, huyện còn trích từ nguồn Quỹ Vì người nghèo của huyện hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ cho xây mới nhà ở và 1 triệu đồng/hộ để sửa chữa nhà ở.
Việc xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà ở hiện có bảo đảm diện tích sử dụng tối thiểu là 30m2, bảo đảm tiêu chí “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên.