Mường Chà là huyện miền núi biên giới thuộc tỉnh Điện Biên, có tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm gần 40% tổng số hộ trên toàn huyện. Với địa hình phần lớn là đồi núi dốc, dân cư trên địa bàn chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, nương rẫy. 

Trước đây, bà con nông dân các xã Mường Mươn, Na Sang thường trồng sắn, xen canh cây ngô, đậu tương… cho hiệu quả kinh tế không cao, phần lớn chỉ đủ ăn không có của dư của để. Chính vì thế, để bà con nông dân trên địa bàn xóa đói giảm nghèo, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có giá trị lớn hơn là điều cấp thiết.

Thời gian qua, các chính sách tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã trở thành “đòn bẩy” quan trọng giúp bà con nông dân huyện Mường Chà thực hiện những bước đi đầu tiên trong chiến lược quan trọng này. 

Cây dứa được lựa chọn thay thế cho các loại cây truyền thống trước đây bởi tính chất phù hợp về địa hình, đất đai, khí hậu. Không những thế, dứa có ít rủi ro như không nhiều sâu bệnh, chăm sóc không đòi hỏi quy trình quá cầu kỳ lại cho thu nhập cao. 

Kết hợp trồng dứa với chăn nuôi, làm ao, làm ruộng, không ít hộ dân Na Sang, Mường Mươn đã có được cuộc sống ổn định hơn.

Nguồn vốn tín dụng đối với người nghèo là "điểm tựa" rất có ý nghĩa, bởi từ đó, họ có thể chuyên tâm vào học tập kinh nghiệm, tập trung sản xuất kinh doanh, cất đi gánh nặng xoay tiền chật vật qua ngày. 

W-Giảm nghèo (101).jpg
Cây dứa đem đến nguồn sống mới cho người dân Mường Chà (Điện Biên).

Hiện Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Điện Biên đang thực hiện 20 chương trình tín dụng, tổng dư nợ đạt hơn 4.700 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay hộ nghèo, cận nghèo chiếm tỷ trọng 49% tổng dư nợ.

Ngoài ra, một số chương trình của ngân hàng tập trung giải ngân tại các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn như: Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; chương trình hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn; chương trình hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở; cho vay đối với người dân tộc thiểu số…