Liên tiếp phát hiện thực phẩm kém chất lượng
Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, trong tháng 11/2021, các lực lượng liên tiếp phát hiện nhiều sản phẩm có dấu hiệu làm giả, thực phẩm bẩn.
Cụ thể, ngày 11/11/2021, bất ngờ kiểm tra 02 điểm sản xuất và kinh doanh sản phẩm sa tế, lực lượng Quản lý thị trường đã thu giữ trên 28.000 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục xác minh, làm rõ. Sản phẩm bị thu giữ tại xưởng sản xuất và kho chứa hàng hoá tại địa chỉ thôn Yên Khê, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội và căn nhà tạm, không có biển hiệu tại ngõ Cổng Dền, phường Phù Lưu, TP. Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này ngổn ngang dây chuyền sản xuất theo hình thức không khép kín với các trang thiết bị vật tư như: Nồi hơi, nồi nấu, nồi xay, nồi san chiết, máy dán nắp, máy hàn nilon và một lượng lớn vỏ hũ cùng hàng vạn tem, nhãn đựng trong các bao tải và các cuộn tròn chưa sử dụng.
Kiểm đếm thực tế, lực lượng QLTT đã ghi nhận các sản phẩm sa tế tôm đều có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, đầu tháng 11, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Nghệ An đã kiểm tra, phát hiện xe tải chứa 650kg thịt sườn lợn đã bốc mùi hôi thối nồng nặc. Theo quy định mặt hàng thực phẩm cần được bảo quản và vận chuyển trên xe chuyên dụng để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng toàn bộ số hàng hóa lại được vận chuyển trên thùng sau xe tải. Chủ phương tiện không xuất trình được các giấy tờ hợp pháp đến lô hàng cũng như các giấy tờ kiểm dịch của cơ quan chức năng liên quan.
Để đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh những hiểm họa đáng tiếc xảy ra đối với sức khỏe người sử dụng, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành giám sát tiêu hủy toàn bộ lô hàng ước tính, lô hàng có tổng giá trị khoảng 65 triệu đồng.
Nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm
Cuối năm là thời điểm nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao. Nhưng đây cũng là dịp cho những sản phẩm kém chất lượng, sản phẩm làm giả, làm nhái trà trộn, xuất hiện tràn lan trên thị trường. Sử dụng những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn không chỉ gây ảnh hưởng đến kinh tế mà quan trong hơn, là gây ảnh hưởng không tốt sức khỏe của người sử dụng.
Để tự bảo vệ bản thân, tránh mua phải thực phẩm kém chất lượng, người tiêu dùng cần trang bị những kiến thức khi mua sắm. Đó là:
- Mua thực phẩm tại những địa chỉ bán uy tín, đảm bảo chất lượng. Nếu mua hàng online, nên mua tại những gian hàng chính hãng, người bán hàng uy tín.
- Đọc, tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm trên bao bì, nhãn mác. Không mua, sử dụng các sản phẩm có tem nhãn in không rõ ràng, chữ in không sắc nét, tên gọi sản phẩm không đúng với công bố của nhà sản xuất, để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái.
- Lưu ý giá bán của sản phẩm, không chọn mua những loại thực phẩm, sản phẩm có giá bán quá rẻ so với công bố của nhà sản xuất hoặc các sản phẩm cùng loại đang bán trên thị trường.
- Trong trường hợp phát hiện mua phải các sản phẩm làm giả, làm nhái hay sản phẩm kém chất lượng, cần kịp thời phản ánh với các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng tại địa phương, để có phương án xử lý kịp thời.
Theo Phụ nữ Việt Nam