Tổng số tiền Chính phủ cam kết cấp bảo lãnh cho các công trình, dự án tăng mạnh, gây áp lực lên nợ công và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ. Riêng Vinashin, dự kiến nợ dự phòng ngân sách nhà nước phải ứng trả thay cho Vinashin trong 10 năm tới lên tới 63,2 nghìn tỷ đồng.
Tại cuộc họp báo chuyên đề về nợ được Chính phủ bảo lãnh ngày 1/3, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho hay: Theo Quyết định số 908 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược nợ công thì nợ Chính phủ bảo lãnh đến cuối năm 2020 là không quá 12%.
Do cơ chế tiếp tục siết chặt bảo lãnh thì dư nợ hiện nay đang khoảng 10,2% GDP (hơn 21 tỷ USD - PV).
“Kế hoạch dự kiến đến năm 2020, duy trì dư nợ Chính phủ bảo lãnh so với GDP ở mức không quá 10%, nếu thấp hơn được thì càng tốt”, ông Hải nói.
Nợ Chính phủ bảo lãnh sẽ được siết chặt. |
Trả lời câu hỏi của PV. VietNamNet liên quan đến nguy cơ phải trả nợ 63.000 tỷ thay cho Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC) - tên gọi của Vinashin sau tái cơ cấu, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết nghĩa vụ nợ dự phòng của SBIC không chỉ bao gồm nợ được Chính phủ bảo lãnh, mà gồm cả nợ Chính phủ vay về cho vay lại với Vinashin.
“Các khoản này nằm ngoài Nghị định 15/2011/NĐ-CP về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ, nhưng nó nằm trong tổng thể tái cơ cấu SBIC. Tuy nhiên, hiện nay theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT - với vai trò cơ quan đầu mối đang phối hợp với Bộ Tài chính - làm đề án tái cơ cấu tài chính của SBIC. Hiện chúng tôi chưa được tiếp cận đề án chính thức của SBIC, căn cứ vào đó chúng tôi mới xây dựng các phương án để trả nợ của SBIC”, ông Hải nói.
Trả lời về tình hình các nhà máy xi măng như Đồng Bành, Tam Điệp, Hoàng Mai, Hạ Long mà ngân sách từng phải bỏ tiền ra trả nợ thay, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết: "Khi các dự án xi măng gặp khó khăn không trả được nợ, chúng tôi đã phải tái cơ cấu cho một số dự án được bảo lãnh như xi măng Tam Điệp, Hoàng Mai. Có thể khẳng định tới nay các dự án này đã hoạt động bình thường, trả được nợ Chính phủ bảo lãnh, đồng thời trả lại khoản nợ Chính phủ đã trả thay".
2 dự án khác đang được tái cơ cấu tích cực là xi măng Hạ Long và Đồng Bành. Bộ Tài chính đã xin ý kiến Chính phủ chuyển xi măng Đồng Bành về cho cho Vissai Ninh Bình. Hiện Vissai Ninh Bình đã tiếp nhận công ty Đồng Bành và thực hiện trả nợ đầy đủ nghĩa vụ nợ phát sinh giai đoạn tiếp theo.
Còn xi măng Hạ Long chuyển sang Tổng công ty xi măng Việt Nam - Vicem. Tới nay xi măng Hạ Long đã trả đầy đủ các khoản nợ Chính phủ bảo lãnh khi đến hạn.
Đối với dự án bột giấy Phương Nam, đại diện Bộ Tài chính thừa nhận hiện nay dự án không có khả năng thu hồi vốn và Chính phủ đang phải trả nợ thay cho dự án.
“Chúng tôi hiện đang làm việc với ngân hàng của Áo để đàm phán phương án tài chính, chia sẻ rủi ro của khoản nợ này”, ông Hải nói.
Trong một báo cáo về cấp và quản lý khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh hồi tháng 6/2016, Bộ Tài chính cho hay tính đến 31/12/2015, tổng số cam kết bảo lãnh chính phủ là gần 26 tỷ USD, trong đó bảo lãnh nước ngoài là hơn 21,8 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 84%.
Tính đến hết 2015, tổng số nợ thực tế được Chính phủ bảo lãnh là khoảng 21 tỷ USD (bao gồm cả nợ được bảo lãnh để tái cơ cấu Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam - SBIC). Con số bảo lãnh này chiếm khoảng 17,6% tổng dư nợ công và bằng 11,1% GDP.
L.Bằng