- Mẹ chồng tôi mất cách đây đã lâu, bố chồng ở vậy nuôi chồng tôi và em trai anh khôn lớn. Cách đây không lâu, ông cũng qua đời không để lại di chúc. Sau khi lo liệu xong mọi chuyện, chồng tôi phát hiện ra em trai đã bí mật đi làm giấy sử dụng đất đứng tên mình, không nói cho ai biết.

Chúng tôi rất bức xúc nhưng hiện tại chưa biết giải quyết sự việc thế nào. Xin luật sư tư vấn giúp, em chồng tôi có quyền đổi tên giấy tờ như vậy không? Nếu hiện giờ cậu ấy đứng tên giấy tờ nhà đất thì có quyền bán đi không, chồng tôi liệu có can thiệp được? Chồng tôi phải làm thế nào để đòi được tài sản thừa kế của mình?

{keywords}
Chúng tôi phải làm gì để lấy lại tài sản của mình? (ảnh minh họa)

Theo thông tin bạn cung cấp  thì không rõ là quyền sử dụng đất là di sản thừa kế đứng tên bố mẹ chồng hay đứng tên em trai chồng. Nếu em chồng tự bí mật đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi bố chồng chị đang còn sống, mảnh đất đó vẫn thuộc quyền sở hữu của bố mẹ chồng chị. Bởi bố mẹ chồng cũng không đồng ý tặng cho em trai chị mảnh đất đó, và trước khi mất, bố chồng chị cũng không để lại di chúc hay giấy tờ gì về quyền thừa kế mảnh đất cho em chồng chị nên việc em chồng chị tự ý làm sổ đỏ mang tên mình là không hợp pháp, không có hiệu lực pháp luật. Đối với tranh chấp về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Luật Đất đai 2013 quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai phải thông qua hoà giải ở cơ sở, cụ thể: Điều 202. Hòa giải tranh chấp đất đai

1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

Như vậy, đối với tranh chấp trên, trước tiên hai bên có thể tự hoà giải, nếu không tự hoà giải được thì bạn gửi yêu cầu đề nghị hoà giải đến UBND cấp xã (phường) nơi có đất tranh chấp. Trong thời hạn 45 ngày, Chủ tịch UBND có trách nhiệm tổ chức hoà giải cho các bên. Trường hợp hoà giải không thành thì lập biên bản hoà giải không thành, có chữ ký của các bên và xác nhận của địa phương về hoà giải không thành. Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau: “1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tà i sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;”… (khoản 1 Điều 203 LĐĐ 2013).Bạn có thể nộp đơn trực tiếp đến Toà án nhân dân nơi có bất động sản để yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai với em chồng.

Điều 197 Bộ luật Dân sự quy định: Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản. Quyền định đoạt của chủ sở hữu chỉ bị hạn chế trong trường hợp do pháp luật quy định.

Một trong các trường hợp chủ sở hữu bị hạn chế quyền định đoạt tài sản là bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Bộ luật tố tụng Dân sự 2015 Điều 121. Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp. Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp cho người khác.

Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay bằng chứng, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền nộp đơn yêu cầu Toà án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật Tố tụng dân sự đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Toà án đó.

Thẩm quyền quyết định áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời: Việc áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi mở phiên toà do một Thẩm phán xem xét, quyết định. Như vậy, cho dù tài sản đang được chủ sở hữu làm thủ tục chuyển dịch cho người khác nhưng nếu tài sản thuộc diện đang có tranh chấp và đang được Tòa án giải quyết tranh chấp thì vẫn có thể bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là cấm chuyển dịch tài sản. Và các bên liên quan có nghĩa vụ phải thực hiện theo quyết định của Tòa án.

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc