LTS: Lái xe là một nghề dịch vụ đòi hỏi người tài xế không chỉ cần có bằng cấp, trình độ kỹ năng lái an toàn mà còn cần cả văn hóa hành nghề chuyên nghiệp và văn minh. Theo thời gian, nghề lái xe ngày càng phát triển và khách hàng cũng ngày càng đòi hỏi cao hơn ở những người tài xế, từ lái xe taxi, lái xe khách cho đến lái xe riêng cho các vị giám đốc doanh nghiệp...

Là một người từng có nhiều năm gắn bó với mảng phân phối ô tô cao cấp, ông Đoàn Hiếu Minh - guyên Chủ tịch Rolls-Royce Motorcars Hanoi, hiện đang là chủ tịch Tập đoàn Ngũ Phúc Đường, cũng là người đã từng trực tiếp mở những khoá học đào tạo kỹ năng tài xế cho khách hàng là các công ty, tập đoàn.

Dưới đây là bài chia sẻ của ông Đoàn Hiếu Minh thế nào là tài xế chuyên nghiệp.

Ông Đoàn Hiếu Minh. Ảnh: NVCC

Dạo này thấy nhiều công ty kinh doanh cho thuê xe đẹp, vậy nên tôi nói về tiêu chuẩn của mình về tài xế chuyên nghiệp. 

1. Về hình thức
- Đầu tóc, râu ria, răng miệng, móng tay bắt buộc phải gọn gàng, sạch sẽ.
- Trang phục sạch sẽ, lịch sự, không đeo chìa khoá ở đỉa thắt lưng vì dễ gây tiếng động và khó thắt dây an toàn. Đi giày, tuyệt đối không đi dép, tốt nhất là giày monstrap.
- Nếu thắt cà vạt, hãy chọn màu đen với sơ mi cùng màu hoặc sơ mi trắng. Đương nhiên là quần đen.

2. Về thái độ, hành vi
- Luôn tươi tắn nhưng không nhiều lời
- Hành động chuẩn xác, quyết đoán, cẩn thận nhưng phải nhẹ nhàng, tinh tế, kín đáo.
- Luôn quan tâm đến thể trạng của hành khách một cách tế nhị để điều chỉnh hành vi lái xe của mình cho phù hợp.

3. Về sự chuẩn bị
- Xe luôn trong tình trạng hoạt động tốt và sạch.
- Chắc chắn trên xe luôn có nước uống, sạc điện thoại, ô, khăn giấy khô ướt, bút, giấy ghi chú, bộ sơ cứu, gel rửa tay
- Luôn đến sớm 15p, tìm chỗ đậu xe phù hợp.
- Luôn nghiên cứu lộ trình nếu được thông báo trước để có thể di chuyển an toàn và nhanh nhất.
- Luôn tìm hiểu xem chủ xe đi với ai, về thứ bậc là thế nào với chủ xe để chuẩn bị trước vị trí ngồi của khách.

4. Về kỹ năng
a, Kỹ năng lái xe
- Sử dụng thành thạo mọi chức năng điều khiển của xe mà không cần nhìn khi điều chỉnh.
- Cho dù đi nhanh cũng không mang lại cảm giác tròng trành hoặc nguy hiểm.
- Khi cua hãy nhớ rằng bạn có điểm tỳ là vô lăng, nhưng hàng khách thì không. Vậy nên cua góc rộng.
- Giữ khoảng cách ổn định và đủ xa với xe trước để tránh phải phanh gấp.
- Hãy quen với tư thế ngồi cao để vị trí ghế của bạn không chiếm diện tích của hàng ghế sau.
b, Kỹ năng quan sát
- Chỉnh gương hậu để có thể nhìn được phía sau xe nhưng không nhìn được miệng của hành khách. Vì không ai muốn bạn biết họ nói gì.
- Hãy nhìn khách qua gương khoảng 10 phút một lần để biết tình trạng của khách.
- Hãy nhìn biển báo để biết khi nào sắp có trạm nghỉ và hỏi hành khách có muốn dừng lại không?
c, Kỹ năng giao tiếp
- Chào khách một cách thân thiện
- Thông báo cho hành khách về thời gian dự kiến của chuyến đi. Nơi để nước, khăn giấy, gel rửa tay, giấy, bút và sạc điện thoại.
- Hãy hỏi khách hàng về nhiệt độ, nhu cầu nghe radio hay phương tiện giải trí.
- Có những thông báo khi đi qua những đoạn đường đặc biệt như đoạn đường giới hạn tốc độ, đang sửa chữa, có trạm dừng nghỉ.
- Khi khách bắt chuyện, hãy trả lời thân thiện, chân thành. Tuyệt đối không hỏi chuyện khách.
- Để điện thoại rung ở nơi dễ nhìn, không cho vào túi áo hay túi quần. Hạn chế nghe điện thoại, khi bắt buộc phải nghe thì hãy nói xin phép khách.
- Khi khách có điện thoại, điều chỉnh âm lượng xuống để đảm bảo cuộc thoại không bị ảnh hưởng. Tuyệt đối không tắt hẳn âm thanh, vì khi đó khách sẽ có cảm giác bạn đang lắng nghe họ.
- Hãy đóng mở cửa xe cho khách nhẹ nhàng. Nếu có nhiều khách, hãy ưu tiên làm việc đó cho người có vị trí cao nhất

Nếu thực hiện đúng như trong bài viết này thì mức lương tài xế của bạn cũng cao gấp đôi người khác rồi đấy!

Đoàn Hiếu Minh

Bạn có bình luận thế nào về góc nhìn trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!