Đồng chí Nguyễn Thành Danh sinh năm 1928 tại xã Long Vĩnh, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Ông tham gia hoạt động Cách mạng tháng Tám năm 1945 và bắt đầu từ vị trí giao liên Tỉnh uỷ Gò Công. Trải qua quá trình hoạt động, từ tháng 10/1962 đến tháng 7/1975, ông đảm nhiệm vị trí Trưởng Ban thông tin liên lạc Trung ương Cục (TWC) miền Nam. 

Nguyên Giám đốc đầu tiên của Bưu điện TP.HCM Nguyễn Thành Danh (tự Sáu Đại). Ảnh tư liệu VNPT TP.HCM cung cấp

Sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, các cơ sở bưu chính, viễn thông tại khu vực Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn đều được quản lý theo chế độ quân quản của TP.HCM. Ngày 01/10/1975, Tổng cục Bưu điện miền Nam được thành lập, trực thuộc Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Lúc này ông Nguyễn Thành Danh giữ chức Tổng Cục phó Tổng cục Bưu điện miền Nam.

Đến tháng 8/1976, Bưu điện TP.HCM chính thức được tổ chức theo hệ thống của cả nước, thành lập từ 7 lực lượng nòng cốt: Ban thông tin liên lạc TWC miền Nam; Ban Giao bưu TWC miền Nam; Ban Thông tin vô tuyến điện khu Sài Gòn - Gia Định; Ban giao liên công khai khu Sài Gòn - Gia Định; Ban giao liên du kích khu Sài Gòn - Gia Định; lực lượng tăng cường từ Tổng cục Bưu điện; công nhân viên chức Bưu điện của chế độ cũ.

Thời gian đầu, Bưu điện TP.HCM có 22 đơn vị trực thuộc với 1.273 công nhân viên chức, trong đó có 169 đảng viên sinh hoạt tại 23 chi bộ, 51 đoàn viên thanh niên.

Ngày 7/8/1976, Chủ tịch HĐBT Phạm Văn Đồng ký quyết định 138/CP bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Thành Danh làm Giám đốc đầu tiên của Bưu điện TP.HCM. Trong giai đoạn đầu, Bưu điện TP.HCM gặp khó khăn về mọi mặt: cơ sở vật chất lạc hậu cũ kỹ, có những thiết bị được xây dựng từ năm 1936; mạng cáp phần lớn là cáp chì; hệ thống bưu điện được tập trung tại các quận 1, 3, 4, 5 và một phần Gia Định với 23 bưu cục và 43 điểm bưu điện nằm rải rác trong khu vực nội thành, chủ yếu là khai thác và phục vụ các dịch vụ đơn giản.  

Người anh hùng thông tin liên lạc trong thời chiến

Theo ông Lê Ngọc Trác (tự Ba Lê), nguyên Phó Giám đốc Bưu điện TP.HCM (giai đoạn 1987-1993) và nguyên Giám đốc Bưu điện TP.HCM (giai đoạn 1993-2004), trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông Sáu Đại là một người chiến sĩ liên lạc kiên cường, đầy bản lĩnh và là một người nghiêm khắc, cũng như hoạt động chiến đấu trong thầm lặng.

Từ một người điện báo thời chống Pháp, đến thời chống Mỹ khi phụ trách Đài liên lạc từ Trung ương Cục đến địa phương, ông đã thể hiện bản lĩnh và anh hùng của mình. Giai đoạn năm 1957, ông Sáu Đại từng phụ trách Đài liên lạc trong một cây rơm của nhà dân ở khu vực Chợ Gạo, Tiền Giang. Giai đoạn này, giặc lùng sục gay gắt, thế nhưng Đài vẫn giữ được bí mật và bảo đảm liên lạc xuyên suốt từ TWC miền Nam với Trung ương, cũng như các tỉnh thành miền Nam. 

Ông Nguyễn Thành Danh ( ngoài cùng bên trái) cùng các lãnh đạo Ban thông tin TWC miền Nam thời bấy giờ. Ảnh tư liệu VNPT TP.HCM cung cấp

Đến khi lên làm Trưởng Ban thông tin liên lạc TWC miền Nam, ông tiếp tục cho thấy mình là một người lãnh đạo tài năng trong việc chỉ huy, đảm bảo phục vụ cho cấp uỷ về thông tin liên lạc trong điều kiện kỹ thuật không có gì. 

Thời đó, những người làm thông tin liên lạc vô cùng vất vả, khi đi đâu cũng phải mang vác các thiết bị máy móc của Liên Xô rất to và nặng, cũng như tận dụng các thiết bị của Pháp để lại với kỹ thuật thô sơ. Nhưng ông Sáu Đại đã có những tìm tòi, sáng tạo và đã làm thành một hệ thống mạng lưới điện đài trong rừng xuyên suốt. 

Có những lúc căn cứ TWC miền Nam bị giặc càn quét phải di chuyển liên tục, thế nhưng không màng nguy hiểm, khắc phục khó khăn để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị, hệ thống điện đài thô sơ đó vẫn đảm bảo mạch máu liên lạc một cách xuyên suốt.

Ông Lê Ngọc Trác cho biết, thời ấy trong cuộc chiến đấu với địch về việc kiểm soát tần số phát sóng, Mỹ với các công nghệ hiện đại từ núi Bà Đen chĩa thẳng vào TWC miền Nam, hay từ hạm đội 7 và những điểm trọng yếu tại Sài Gòn, liên tục theo dõi để truy tìm tín hiệu thông tin liên lạc của ta. Thế nhưng, dưới sự chỉ huy của đồng chí Sáu Đại, lúc đó liên lạc với Hà Nội và các địa phương vẫn đảm bảo. Đến khi kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975, thông tin liên lạc vẫn an toàn tuyệt đối về bảo mật, chưa có một sơ sót nào bị địch phát hiện từ làn sóng vô tuyến.

Một trong những khai quốc công thần của ngành Bưu điện

Khi được bổ nhiệm làm Giám đốc đầu tiên của Bưu điện TP.HCM, ông Nguyễn Thành Danh đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Bởi khi đó, Bưu điện Thành phố tiếp quản và khai thác hệ thống tổng đài lạc hậu của chế độ cũ, chỉ phục vụ được khoảng 25.000 thuê bao, các dịch vụ tiện ích gần như không có. Mạng cáp xuống cấp trầm trọng, không có vật tư thay thế. Cùng lúc đó, chính sách cấm vận của Mỹ đã làm cho mạng viễn thông khó tiếp cận được với kỹ thuật hiện đại của thế giới.

Lắp đặt cáp ngầm tại TP.HCM năm 1975. Ảnh tư liệu do VNPT TP.HCM cung cấp.

Tuy nhiên, là một người từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực thông tin liên lạc và biết phát huy sức mạnh tập thể, ông Nguyễn Thành Danh trở thành người đi đầu, cùng lãnh đạo Bưu điện Thành phố đã tận dụng những khả năng hiện có, nhanh chóng khắc phục bằng cách sửa chữa, tìm cách thay thế các thiết bị hư hỏng, đảm bảo mạng lưới Bưu chính – Viễn thông tại TP.HCM vận hành liền mạch trở lại ngay sau chiến tranh. Chỉ một thời gian ngắn Bưu chính – Viễn thông TP.HCM trở thành trung tâm và có phạm vi hoạt động rộng so với các tỉnh thành khác tại phía Nam. 

Theo ông Lê Ngọc Trác, với sự mẫu mực, nghiêm túc, nguyên tắc, bản lĩnh chỉ đạo và vận hành rất cương nghị, ông Sáu Đại đã khiến hệ thống Bưu chính – Viễn thông TP.HCM có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo ngành Bưu điện xuyên suốt trong cả nước. Có thể nói, nguyên Giám đốc Bưu điện đầu tiên của TP.HCM Nguyễn Thành Danh là một trong những người có công lao lớn của ngành Bưu điện thời bấy giờ.