Ả Rập Saudi là nền kinh tế đứng thứ 14 và là quốc gia giàu có bậc nhất Trung Đông với sản lượng dầu lớn thứ 2 thế giới. Quốc gia này đang thúc đẩy phối hợp theo hướng hiện đại hóa và toàn cầu hóa, đặc biệt là theo kế hoạch Tầm nhìn 2030 (Saudi Vision 2030).
Trọng tâm của sự chuyển đổi này là việc nâng cao trình độ tiếng Anh của người dân. Mặc dù đã có những bước tiến nhưng trình độ ngoại ngữ này nhìn chung vẫn cực kỳ thấp. Theo Chỉ số thông thạo tiếng Anh của EF (EF EPI) 2024, Ả Rập Saudi đứng tận thứ 108, duy trì vị trí này qua nhiều năm, chỉ xếp trên một số nước châu Phi và được xếp vào loại có trình độ "rất thấp".
Phản đối cho trẻ tiếp xúc với tiếng Anh
Yếu tố văn hóa và xã hội đóng một vai trò quan trọng trong định hình chính sách tiếng anh của quốc gia Trung Đông này.
Ngôn ngữ quốc gia, Tiếng Ả Rập, có ý nghĩa văn hóa và tôn giáo sâu sắc. Đó là ngôn ngữ của Kinh Qur'an, cuốn sách thánh của đạo Hồi, và gắn liền sâu sắc với cuộc sống hàng ngày cũng như bản sắc của người dân Ả Rập Xê Út.
Trong lịch sử, hệ thống giáo dục và cấu trúc xã hội đã tuyệt đối hóa vai trò của tiếng Ả Rập, đẩy ngoại ngữ khác, bao gồm cả tiếng Anh xuống vị trí thứ yếu, thậm chí không có chỗ đứng. Sự ưu tiên này đã ảnh hưởng đến cả số lượng và chất lượng giáo dục tiếng Anh trong nước.
Bên cạnh đó, có một bộ phận giới hoạch định chính sách và công chúng nhìn nhận sự phổ biến ngày càng tăng của tiếng Anh với thái độ hoài nghi. Một số người coi đây là mối đe dọa đối với việc bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa Ả Rập.
Trên thực tế, từ năm 2002 đã nảy ra cuộc tranh luận xung quanh việc đưa việc dạy tiếng Anh vào các trường tiểu học ở Ả Rập Saudi, theo Arab News.
Phe phản đối lo ngại về những tác động tiềm ẩn về văn hóa và tôn giáo. Họ nghi ngại rằng việc tiếp xúc sớm với tiếng Anh có thể làm xói mòn các giá trị truyền thống và giáo lý tôn giáo, dẫn đến sự mất kết nối với các truyền thống Ả Rập.
Những người này ủng hộ một chương trình giảng dạy tập trung ưu tiên luật tôn giáo và nghiên cứu tiếng Ả Rập thay vì tiếng Anh, đồng thời đề xuất các trường dạy tiếng Anh tự chọn nếu học sinh quan tâm. Sự phản kháng văn hóa này ảnh hưởng mạnh mẽ đến thái độ đối với việc học và sử dụng tiếng Anh, tạo ra rào cản tâm lý cản trở sự tiến bộ.
Ở Ả Rập Saudi, tiếng Anh từng chỉ được dạy như một môn học bắt buộc từ lớp 7 và thường được học sinh xem như một "sự lấp đầy thời gian biểu" hơn là một mục tiêu học tập nghiêm túc, theo nghiên cứu đăng trên Journal of Critical Studies in Language and Literature.
Gần đây, quan điểm này đã thay đổi, ngày càng có nhiều sinh viên học tiếng Anh vì mục đích học tập và làm việc. Chính phủ đã làm việc với các chuyên gia để phát triển một chương trình giảng dạy phù hợp, kết hợp cả tiếng Anh Anh và Anh Mỹ. Việc dạy tiếng Anh bắt buộc hiện nay bắt đầu từ lớp 6 và có nhiều kiến nghị bắt đầu từ lớp 4.
Nhiều thách thức trong việc thúc đẩy "phủ sóng" tiếng Anh
Bất chấp những cải tiến nhanh chóng trong hệ thống giáo dục, người học tiếng Anh vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.
Một nghiên cứu khác đăng trên Arab World English Journal cho rằng vấn đề lớn nhất là khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành. Mặc dù chính phủ Ả Rập Saudi đã đầu tư đáng kể vào việc thuê các nhà tư vấn giáo dục để cải thiện hoạt động giảng dạy, nhưng chương trình giảng dạy, phương pháp và tài liệu, mặc dù dựa trên các lý thuyết có giá trị không phải lúc nào cũng được triển khai hiệu quả.
Để các mục tiêu học tập mới có hiệu quả, chúng cần được truyền đạt rõ ràng ở cả cấp độ vi mô và vĩ mô cho giáo viên tiếng Anh, cùng với những triển khai linh hoạt trong từng trường hợp.
Các nhà hoạch định chính sách Ả Rập Saudi cũng đang thúc đẩy thái độ tích cực của công chúng đối với việc học tiếng Anh bởi đây là yếu tố bước đầu và tiên quyết để đạt được trình độ ngôn ngữ. Các cuộc khảo sát cho thấy sinh viên Saudi Ả Rập chủ yếu muốn học tiếng Anh cho mục đích giao tiếp toàn cầu, học thuật, kinh doanh và du lịch.
Có thể thấy, thông thạo tiếng Anh không phải là yêu tố then chốt để Ả Rập Saudi phát triển. Sự thịnh vượng chung của một quốc gia phụ thuộc vào nhiều yếu tố và Ả Rập Saudi được ưu ái sở hữu trữ lượng dầu mỏ đáng kể, vốn từ lâu đã là nền tảng cho nền kinh tế và ảnh hưởng toàn cầu của nước này.
Trong khi thứ "vàng đen" này vẫn là động lực kinh tế quan trọng, quốc gia Trung Đông nhận thấy sự cần thiết phải đa dạng hóa nền kinh tế để thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ, như đã nêu trong Tầm nhìn 2030.
Nỗ lực đa dạng hóa này nhằm tăng cường tính bền vững, tạo cơ hội việc làm mới và thúc đẩy tăng trưởng trong các lĩnh vực phi dầu mỏ như du lịch, giải trí, công nghệ và tài chính.
Kỹ năng ngoại ngữ, đặc biệt là trình độ tiếng Anh, đang được đẩy mạnh nhằm hỗ trợ đáng kể những nỗ lực trên bằng cách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy sự tham gia toàn cầu của Ả Rập Saudi.
Tử Huy