Chiến tranh và số phận dân tộc không ngừng ám ảnh Nguyễn Việt Chiến suốt 40 năm trở về từ mặt trận…

Ngòi bút của nhà thơ/nhà báo Nguyễn Việt Chiến đã làm lay động hàng triệu độc giả với những câu hỏi đau đáu lo lắng, đồng hành với vận mệnh đất nước trong bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển”, và trước đó là  bài thơ “Thời đất nước gian lao”. Chiến tranh không ngừng ám ảnh người đàn ông cao lớn có mái tóc rối và dáng vẻ quả quyết – người mang một cái tên đặc biệt - Nguyễn Việt Chiến.

- Sau khi bài thơ “Tổ Quốc nhìn từ biển” được biết đến rộng rãi, đã có rất nhiều bài báo phân tích và tìm hiểu về tác phẩm này của ông, nhưng có một câu thơ, hay đúng hơn là một câu hỏi còn treo lơ lửng: “ Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa/ Trong hồn người có ngọn sóng nào không?” Ông đã muốn hỏi ai vậy?

- Bạn đã hỏi một câu hỏi thú vị, và cũng khó trả lời. Với câu hỏi này, nhiều nhà thơ sẽ nói rằng đó là câu hỏi dành cho những độc giả đồng hành và tham dự cùng tác giả trong quá trình sáng tác. Khi đó, độc giả có thể khám phá sức ảnh hưởng và sức hút của câu thơ, của bài thơ.

Bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” tôi đăng lên báo Thanh Niên ngày 29/5/2011, chỉ 1 ngày sau khi tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Việt Nam.  Ngay sau khi bài thơ được đăng tải, tôi thực sự bất ngờ vì ngay ngày hôm đó đã có hàng trăm ngàn độc giả truy cập vào bài viết, sau đó bài thơ đã được lan tỏa tới hàng triệu người xem trên các báo mạng và blog chia sẻ.

Tôi đã viết bài thơ với hình ảnh bắt đầu bằng Tổ quốc nhìn từ phía biển. Từ thưở hồng hoang, truyền thuyết cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ đã nói về việc mở nước từ phía biển. 50 người con trai đã theo cha xuống biển đi mở đất, 50 người con gái lên núi dựng hậu phương. Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta gắn liền với biển. Ông cha ta đã bám biển, giữ nước từ phía biển. Từ ngàn xưa đất nước đã có hơn 10 lần giặc đến từ  biển Đông, kể từ thời Đinh – Lý – Trần – Lê.

Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa/ Trong hồn người có ngọn sóng nào không?” Câu hỏi tôi đặt ra chung cho những người dân Việt Nam yêu nước, trong nước và cả nước ngoài. Đứng trước những nguy cơ, bão dông, sóng gió từ phía biển, liệu có ngọn sóng yêu nước nào dấy lên trong tâm khảm, trong hồn người hay không.


Lực lượng hải quân Việt Nam bám biển

Hai bài thơ lớn của ông đều được viết rất gần nhau, “Tổ quốc nhìn từ biển” - tháng 4/2009, “Thời đất nước gian lao” - tháng 6/2008. Điều gì đã khiến ông viết được những vần thơ với tiếng nói chung như thế?

- Có thể nói đó là 2 bài thơ lớn nhất của tôi, được viết tại những thời điểm bi kịch. Tại sao tôi có thể viết được những điều như vậy ư? Tôi nhớ đến một câu nói “Nỗi đau lớn bao giờ cũng sinh ra những bài thơ lớn”. Nguyên gốc của nó là “Nỗi đau lớn bao giờ cũng sản sinh ra những tài năng lớn”, tôi không dám tự nhận là tài năng lớn nên chỉ nói là bài thơ lớn thôi.

Tôi không nghĩ nhiều đến nỗi đau và bi kịch cá nhân của mình. Tôi là một người lính đã đi qua chiến tranh, nỗi đau của tôi, bi kịch của tôi không là gì so với những người bạn tôi đã nằm lại nơi chiến trường. Làm sao có thể tưởng tượng được sự khốc liệt của chiến tranh với những người lính trẻ. Tôi đã thầm nói với bạn bè ngày ấy, rằng sau này sống sót trở về, tôi sẽ mang hết tài năng, trí lực để viết về những năm tháng khó khăn, gian khổ.

Như thế, trong những bài thơ viết ra, tôi không muốn nói về nỗi đau cá nhân mình. Tôi viết về nỗi mất mát của cuộc chiến tranh đã đi qua và nỗi đau của dân tộc. “Tổ quốc nhìn từ biển”, rồi “Thời đất nước gian lao” tôi đã dồn hết mọi tâm trạng của riêng mình xuống tận cùng, đã nén mọi bi kịch cá nhân để không còn một chút gì là nỗi đau riêng của mình, để viết về đồng đội, bạn bè tôi đã hy sinh. Những người bạn của tôi đang nằm dọc dãy Trường Sơn, ngày hôm nay, lại hướng mình về biển.

Thực ra, tôi nghĩ, trong cuộc đời mỗi con người đều sẽ xuất hiện những bi kịch cá nhân riêng. Quan trọng nhất là đối với người cầm bút, nỗi đau của riêng anh sẽ được chuyển hóa nhuần nhuyễn để hướng tới nỗi đau lớn lao hơn. Tôi muốn đánh thức lòng yêu nước trong con người hôm nay, thế hệ hôm nay, đánh thức lại lịch sử bi tráng của dân tộc. Nỗi đau lớn nhất là nỗi đau của dân tộc trong mọi cuộc chiến tranh.

Để viết được về những điều đó là rất khó. Số phận đất nước,  số phận dân tộc và con người luôn là nỗi trăn trở, là nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời tôi, cuộc đời một nhà thơ, nhà báo. Sau 40 năm, tôi không thể quên được hình ảnh mất mát của bạn bè. Nó cho tôi thấm thía và quý trọng từng ngày tôi đang sống.

Đất nước mình, dưới miên man cỏ xanh là bao lớp máu xương của những lớp thanh niên hồn nhiên, trai tráng ra mặt trận ngày ấy, đấy có phải tâm sự riêng của mỗi cá nhân đâu. Gần đây, những nhà lãnh đạo cao cấp nhất đều có những lời phát biểu, khẳng định chủ quyền biển đảo là bất khả xâm phạm, là thiêng liêng cao quý, là di sản của tổ tiên ta.


Nhà thơ/nhà báo Nguyễn Việt Chiến

- Cảm nhận của ông với độc giả về bài thơ?

-Tôi đã đọc hàng trăm bình luận, có những bình luận đẫm nước mắt. Độc giả viết “Đã lâu rồi tôi mới đọc một bài thơ về đất nước hay như thế. Tôi đọc mà không cầm được nước mắt”. Có người nói “Hình như nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã viết bằng máu và nước mắt của mình”.

Tôi nhớ tháng 4.2009 khi tham dự trại sáng tác văn học của Quân đội nhân dân Việt Nam và được nghe một lãnh đạo của Cục chính trị quân chủng Hải quân phát biểu, rồi trình chiếu cho các nhà văn xem về “đường lưỡi bò” trên biển Đông, ngay thời điểm ấy, tôi đã trăn trở vô cùng về chủ đề biển đảo.

Những nhà thơ thường tự hỏi, có phải ngày nay độc giả ngày càng xa rời với thi ca hiện đại? Nhưng không, độc giả và đặc biệt là thế hệ trẻ không quay lưng lại với thi ca yêu nước. Sứ mệnh lớn lao của một nhà thơ, nhà văn yêu nước là phải có các tác phẩm đến được với trái tim nhiều triệu người, để nói lên tiếng nói của con người hôm nay, khát vọng hôm nay, dân tộc hôm nay…

Tổ quốc nhìn từ biển” và “Thời đất nước gian lao” có thể nói là hai bài thơ hay nhất về đất nước mà tôi từng viết, trong đó tôi đã vận dụng hết năng lực sáng tạo, toàn bộ tài năng và vốn sống trải nghiệm của tôi trong suốt 40 năm qua. Sự khái quát đó, trải nghiệm đó, tôi cũng chỉ mong đánh thức được tình yêu đất nước trong tâm hồn mỗi con người hôm nay.


Biển Việt Nam (Ảnh: Nguyễn Việt Nam)
    
- Theo ông, Việc thiếu vắng các tác phẩm thơ, văn học VN hiện đại có sức thuyết phục và lôi cuốn có phải bởi các nhà văn thường hướng đến cái tôi cá nhân?

- Đúng là như vậy, đặc biệt là các nhà văn, nhà thơ trẻ. Tác phẩm của họ thường khắc họa tâm trạng cá nhân, những trải nghiệm cá nhân, những đổ vỡ cá nhân, những bi kịch cá nhân, những nỗi đau cá nhân … Đọc thơ họ ta chỉ thấy họ, không thấy đời sống lớn lao của những con người bình thường xung quanh họ, không thấy đời sống cần lao nhọc nhằn thường ngày của cộng đồng xung quanh ta.

Chính vì vậy, có thể họ thành công trong việc khắc họa cái tôi, nhưng để rung động được hàng triệu bạn đọc hiện nay thì các nhà thơ phải hướng đến những chân trời lớn lao hơn, hướng đến cộng đồng, hướng đến nỗi đau và khát vọng của chính dân tộc mình – và phải khắc họa được chính đời sống đang diễn ra xung quanh mình.

Điều đó khó khăn và đòi hỏi nhiều thứ lắm. Nếu các bạn trẻ có nhận thức được, có muốn viết cũng chưa chắc đã viết được, vì nó đòi hỏi sự trải nghiệm nhiều, đau đớn nhiều, vốn sống nhiều, và cả tài năng – là điều không thể thiếu.

Tôi đã viết:

“…Nếu Tổ quốc nhìn từ bao thương tích
Những đau thương trận mạc đã qua rồi
Bao dáng núi còn mang hình goá phụ
Vọng phu buồn vẫn dỗ trẻ, ru nôi”. (
Tổ quốc nhìn từ biển)    

”chỉ còn lại những gì không còn lại
bởi người đau đớn nhất sau chiến tranh
không ai khác ngoài mẹ của chúng ta
những đứa con không trở về
hòa bình dưới mưa phùn
được đắp bằng cỏ non và nước mắt.."(Thời đất nước gian lao)

Số phận dân tộc đi qua chiến tranh, những người mẹ, người vợ đã phải gánh chịu hậu quả của nó, nỗi đau thương của nó. Trong những năm tháng bi kịch nhất của cuộc đời, tôi dành toàn bộ thời gian cho thi ca. Thi ca đã cứu rỗi tôi. Trong đó, bài thơ hay nhất cho riêng tôi đó là bài thơ về mẹ, dành tặng mẹ của tôi – “Những ngôi chùa trong đêm” – viết năm 2008

…Mẹ đang cầu nguyện
mỏi mòn chuỗi hạt tháng năm

bóng mẹ in trên vách thời gian
như pho tượng tạc bằng nước mắt

Mẹ bảo: nước mắt ban ngày chảy xuôi đánh thức những ngôi đền
còn ban đêm nước mắt chảy ngược vào trong
thấm đến một miền đức tin cứu rỗi

bởi thế
trên gương mặt thời gian
trên gương mặt người đời
nước mắt không bao giờ ngừng chảy

rồi mẹ bảo: có ngôi đền chỉ làm bằng nước mắt
rồi mẹ bảo: có ngôi đền chỉ xây bằng đức tin
rồi mẹ bảo: có ngôi đền làm bằng lời cầu nguyện

rồi mẹ bảo: chiều xuống rồi về nhà đi con…


Những người lính trẻ như chúng tôi cách đây 40 năm cũng rất hồn nhiên, vô tư lên đường ra chiến trận, gia tài tinh thần chỉ có vài bài thơ, bài ca yêu nước. Giờ đây, với bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển”, tôi cũng mong muốn rằng trong hành trang tinh thần của những người trẻ hôm nay cũng có những bài thơ, bài ca yêu nước như thế.

Xin cảm ơn ông!

•    Hồ Hương Giang