Trịnh Châu, Hà Nam, Trung Quốc là thành phố có nhiều di tích lịch sử. Theo thời gian, nhiều công trình đã bị biến mất theo sự phát triển. Song ở khu Dongsima (Trịnh Châu) có một căn nhà cổ đã có tuổi hơn 200 năm vẫn tồn tại bất chấp các tòa nhà hiện đại đã mọc lên ở xung quanh.
Hồi năm 2007, một số công ty phát triển bất động sản đã chú ý tới khu vực này và muốn phá dỡ các công trình tại đây để xây nhiều tòa nhà cao tầng. Vào thời điểm đó, nếu chấp nhận phá dỡ căn nhà cổ của dòng họ Ren thì chủ nhân hiện tại là cụ Ren Jinling sẽ nhận được hàng trăm triệu nhân dân tệ bồi thường.
Tuy nhiên, cụ Ren Jinling cho rằng đó là nhà của tổ tiên, dù được trả 10 tỷ tệ (hơn 3000 tỷ) cũng không phá bỏ. Chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà này là một vị quan thời vua Càn Long, từ đó dòng họ Ren hưng thịnh. Theo thời gian, căn nhà ngày càng được mở rộng, diện tích và quy mô ngày càng lớn và được truyền qua nhiều thế hệ.
Vào thời còn hưng thịnh, trong căn nhà này có nhiều người hầu hạ. Giờ đây, căn nhà vẫn giữ được những nét chạm khắc tinh xảo trên cửa và cổng. Tuy nhiên, nhà Thanh suy tàn, gia tộc họ Ren sống trong căn nhà này cũng đi xuống. Con cháu đời sau làm ăn sa sút, dần dần diện tích đất đai rộng lớn bị bán đi.
Ngày nay, diện tích căn nhà chỉ bằng 1/8 so với thời hưng thịnh của gia tộc và đủ chỗ cho gia đình sinh sống. Ông Ren Jinling - chủ nhân hiện tại đã sống trong căn nhà này từ bé. Sau khi ông nội qua đời, ông theo cha học công việc sửa và tu bổ nhà cổ. Nửa đời người đã trôi qua, cụ ông này đã chạm vào từng viên gạch, lan can trong nhà rồi gắn bó không thể rời xa. Khi cha qua đời, căn nhà được giao lại cho ông Ren Jinling sinh sống và giữ gìn cho đến ngày nay.
Ngày nay, căn nhà nằm ở vị trí đắc địa. Phía Tây là trường đại học còn phía Đông là khu phố thương mại sầm uất. Rõ ràng việc căn nhà cổ án ngữ giữa nơi đất đắc địa như vậy có thể phá vỡ kế hoạch xây dựng của công ty phát triển bất động sản. Cho nên, ông Ren Jinling chịu rất nhiều áp lực. Con cháu muốn ông phá bỏ căn nhà để nhận số tiền lớn. Tuy nhiên, nếu làm vậy, ông cảm thấy không đành lòng nên đã tìm đến cơ quan quản lý văn hóa, di tích để xin công nhận di tích.
Các chuyên gia văn hóa đến căn nhà để thẩm định. Ngôi nhà quay mặt về hướng Nam, có diện tích hơn 1000m2. Trong nhà còn có những bức tranh khắc gỗ, tranh khắc trên đá với những hoa văn tinh xảo, độc đáo. Bàn ghế, bát đĩa... bên trong đều in dấu vết của lịch sử.
Cho nên, các chuyên gia nhận định, căn nhà này có giá trị lịch sử và không thể bị phá bỏ. Nhờ vậy mà căn nhà được giữ lại, ông Ren Jiling tiếp tục sinh sống, kế thừa truyền thống của thế hệ trước. Ngày nay cũng có nhiều vị khách đến tham quan để cảm nhận rõ hơn về một thời lịch sử của thành phố Trịnh Châu.
Quỳnh Hương (Theo Ifeng)
Dù chủ dự án hoặc đại lý bất động sản muốn mua lại với giá "khủng" nhưng chủ nhân căn nhà vẫn nói lời từ chối.