Ngày 6/8, Bộ TT&TT tổ chức buổi gặp mặt các cán bộ hưu trí hoạt động trong ngành khu vực phía Nam. Tại sự kiện, các cán bộ lão thành đã nêu một số ý kiến về ngành như sự tồn tại của nhà mạng trong bối cảnh cuộc gọi di động suy giảm hay vấn đề báo chí nhũng nhiễu doanh nghiệp. Giải đáp cho những trăn trở này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhắc tới tinh thần đổi mới của ngành - bắt đầu từ những năm 1990 - và bây giờ có thể xem như đổi mới lần thứ hai.
Ngành TT&TT phát triển mạnh nhờ tư duy đổi mới
Bà Trần Thị Ngọc Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT&TT) cho rằng, trong giai đoạn của bà, ngành Bưu điện thiếu trước hụt sau, gặp rất nhiều khó khăn. Song những người lớn lên trong thời kỳ này có may mắn khi chứng khiến nhiều cột mốc đổi mới của ngành. Từ những thiếu thốn thời chiến tranh, hiện nay ngành TT&TT đã phát triển vượt bậc.
Phát triển là nhờ thế hệ lãnh đạo có tầm nhìn, quyết tâm, nhạy bén, sẵn sàng đổi mới công nghệ và mạng lưới viễn thông. “Thời này nếu nói chuyện chuyển từ cáp đồng sang cáp quang khá dễ dàng, song ở giai đoạn đó phải có tư duy và quyết tâm lắm mới thực hiện được”, bà chia sẻ.
Hiện nay, nhờ sự đồng lòng từ cấp lãnh đạo xuống nhân viên, viễn thông và CNTT không còn là ngành tiêu dùng đơn thuần mà đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Bà Trần Thị Ngọc Bình mong muốn sự đồng lòng này tiếp tục được duy trì để ngành TT&TT phát triển rực rỡ hơn.
Nhắc lại giai đoạn đất nước khó khăn sau chiến tranh, ông Nguyễn Bá, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam cho hay, hoạt động bưu điện thời bao cấp cực kỳ khó khăn do thiếu hụt cơ sở hạ tầng. Tuy vậy, việc thay đổi tư duy, sự quyết đoán của Chính phủ và lãnh đạo ngành thời đó đã cho phép đổi mới nên ngành mới có sự phát triển như ngày hôm nay.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Bá cũng nêu trăn trở rằng Internet đang phát triển mạnh mẽ khiến doanh thu lĩnh vực viễn thông di động bị ảnh hưởng nặng nề. “Nhân viên của tôi hiện nay sử dụng Zalo gọi điện, nhắn tin, chia sẻ ảnh thì liệu các công ty viễn thông sống nhờ vào cước cuộc gọi sẽ ra sao?”, ông Nguyễn Bá đặt câu hỏi.
Tiếp nối phần phát biểu góp ý, ông Lê Mạnh Hà, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nguyên Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM khẳng định, ngành TT&TT rất quan trọng vì đảm bảo liên lạc, giải trí, tìm kiếm thông tin và có mặt trong nhiều lĩnh vực đời sống. Vai trò nhìn thấy rõ nhất chính là giai đoạn Covid-19, nhờ thiết bị di động, người dân khi phải ở nhà có phương tiện liên lạc, giải trí, mua sắm... góp phần lớn trong việc giải toả căng thẳng do bệnh dịch.
Tuy vậy, ông Lê Mạnh Hà cũng đặt câu hỏi với Bộ TT&TT về vấn đề quản lý báo chí, trong bối cảnh rất nhiều người mang danh nhà báo “đánh” doanh nghiệp, cản trở hoạt động của doanh nghiệp.
Nhà mạng phải xây dựng hạ tầng số để phát triển trong tương lai
Sau phần phát biểu của các cán bộ nghỉ hưu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã có một số chia sẻ về ngành, đồng thời giải đáp những thắc mắc đã nêu.
Bộ trưởng khẳng định ngành TT&TT đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển đất nước. 15 năm trước, ngành Bưu chính Viễn thông tiếp quản lĩnh vực CNTT - được xem là dấu mốc của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3. Đến nay, công nghệ số, chuyển đổi số - đại diện chủ yếu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - cũng được giao cho ngành TT&TT đảm trách. Điều này cho thấy ngành TT&TT đã được giao những lĩnh vực đánh dấu hai cuộc cách mạng công nghiệp quan trọng.
15 năm trước, khi ngành bưu chính viễn thông nắm lĩnh vực CNTT, doanh thu toàn ngành tăng 6 lần. Đến nay, khi ngành TT&TT nắm công nghệ số, chuyển đổi số, doanh thu ngành tăng lên ít nhất 3 lần. Như vậy sau 15 năm, ngành TT&TT tăng doanh thu lên 18 lần so với thời điểm chỉ có bưu chính viễn thông như trước.
Trả lời thắc mắc về sự lấn lướt của Internet so với liên lạc qua di động, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, các công ty viễn thông phải chuyển hướng sang kinh doanh dịch vụ, đám mây, IoT và các phương thức kinh doanh sáng tạo khác.
Cụ thể, vào những năm 90, ngay khi thế giới xuất hiện chiếc điện thoại đầu tiên, tức giai đoạn 2G, thì lãnh đạo ngành TT&TT khi đó đã quyết định làm mạng di động, tạo tiền đề cho quá trình đổi mới lần thứ nhất. Bước tiến này giải quyết câu chuyện thông tin liên lạc cho người dân và gặt hái nhiều thành quả nhất định.
Ở giai đoạn hiện tại, có thể gọi là lần đổi mới thứ hai, thì có chuyển đổi số, kinh tế số, hạ tầng số. Hạ tầng số sẽ tạo nên nền kinh tế số, đóng góp lớn cho kinh tế nói chung.
Trên thực tế, Bộ trưởng cho hay các nhà mạng thế giới chỉ lấy 20-30% doanh thu từ cước gọi thoại, 80% còn lại từ dữ liệu. Tại Việt Nam, khoảng 40-50% doanh thu nhà mạng đến từ các cuộc gọi và tin nhắn, tương lai sẽ thay đổi sang hướng dữ liệu. Ngoài ra, các nhà mạng thế giới cũng tích cực khai thác nội dung số, với doanh thu chiếm khoảng 30%, hiện nay nhà mạng Việt Nam có khoảng 8%.
Tiếp đó, các nhà mạng có thể khai thác nền tảng đám mây, chính là hạ tầng kinh tế số. Đám mây sẽ trở thành một trong những nguồn thu chủ lực của nhà mạng, với mức tăng trưởng hai con số, cực kỳ tiềm năng.
Bộ trưởng cũng nêu ý tưởng để nhà mạng xây dựng bảo tàng số, thư viện số... Với cách này, thuê bao di động có thể trả tiền hàng tháng để được tận hưởng thư viện ngay trên điện thoại hoặc bảo tàng lưu trữ dữ liệu của bản thân kéo dài đến nhiều trăm năm sau... Để sở hữu thư viện hay bảo tàng số, khách hàng phải trả thuê bao theo tháng, theo năm, cũng là một cách khai thác giá trị gia tăng bên cạnh cước thuê bao di động.
Bên cạnh vấn đề trên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng phản hồi ý kiến của nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà về vấn nạn báo chí o ép doanh nghiệp.
Từ nay đến cuối năm, Bộ sẽ kết hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các ngành liên quan để xử lý các tạp chí, trang tin tổng hợp hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích, nhũng nhiễu doanh nghiệp. Trước đó, một số tờ báo thường xuyên có bài “đánh” doanh nghiệp đã bị xử lý. Ngoài ra, quy hoạch quản lý và phát triển báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã có nhiều bước sắp xếp, quy hoạch, dẫn đến số lượng tờ báo đã giảm 36% - một con số rất lớn. Với những hành động kể trên, hoạt động báo chí trong thời gian tới sẽ được cải thiện rõ rệt.