Chuyển đổi sang mô hình kết hợp trồng lúa với nuôi cá
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2009 đến hết tháng 3 năm 2020, toàn tỉnh Thanh Hóa đã chuyển đổi linh hoạt 23.846 ha đất lúa năng suất, hiệu quả kinh tế thấp sang các loại cây trồng hiệu quả cao hơn và nuôi trồng thủy sản.
Nhà nông hưởng lợi từ mô hình sản xuất cá – lúa. |
Trong đó, có khoảng 8.700 ha đất sản xuất nông nghiệp thuộc khu vực trũng thấp, tập trung ở các huyện: Vĩnh Lộc, Hà Trung, Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nông Cống... chuyển đổi sang mô hình kết hợp trồng lúa với nuôi cá.
Mô hình này dễ thực hiện, rủi ro thấp, thời gian sinh lãi ngắn, nên thu hút nhiều hộ dân tại các địa phương tham gia. Các hộ chỉ cần đầu tư đắp bờ vùng, bờ thửa và tạo hệ thống kênh mương xung quanh thửa ruộng.
Mô hình cá - lúa chi phí đầu tư ít, tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên. Trong một năm có thể nuôi gối vụ, cho thu hoạch nhiều lứa.
Mô hình cá - lúa mang lại hiệu quả “kép”
Nhiều hộ ở các huyện Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Hoằng Hóa... còn trồng xen canh cây sen trong vụ hè thu và tận dụng một phần diện tích thả nuôi vịt thương phẩm nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Trung bình một ha cá - lúa kết hợp cho lợi nhuận 60 - 100 triệu đồng/năm.
Mô hình cá - lúa mang lại hiệu quả “kép” do cá và lúa có quan hệ cộng sinh, cùng hỗ trợ nhau phát triển. Cá ăn sâu bọ hại lúa, sục bùn, diệt cỏ dại và các loại chất thải của cá tích tụ có tác dụng làm phân bón, tăng độ mùn cho ruộng lúa, giảm công làm cỏ, công làm đất sau mỗi vụ thu hoạch.
Cùng với đó, ruộng lúa cung cấp rơm rạ mục, sâu bọ làm thức ăn cho cá nên tiết kiệm được nhiều chi phí thức ăn. Nhờ nuôi thả tự nhiên, chất lượng thịt cá bảo đảm an toàn và thơm ngon. Đánh giá từ thực tế sản xuất cho thấy, sau khi thu hoạch, ngoài thu nhập từ cây lúa, 1 ha sản xuất còn thu hoạch khoảng 2 tấn cá/năm.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân huyện Hoằng Hóa, đây là mô hình phát huy được diện tích mặt nước.
Tuy nhiên, mô hình chỉ thật sự hiệu quả kinh tế đối với những vùng thuần nước ngọt, không bị nhiễm phèn chua. Do đặc thù là địa phương ven biển, các diện tích chuyển đổi sang mô hình sản xuất cá lúa phần lớn ở các xã vùng ven sông và cửa Lạch Trào và Lạch Trường thường bị nhiễm mặn... nên hiệu quả chưa cao.
Vì vậy, địa phương đang triển khai xây dựng đề án chuyển đổi mô hình cá lúa sang chuyên canh nuôi trồng thủy sản để phát huy hiệu quả kinh tế ở các vùng này.
Trần Hảo
Ảnh: Hữu Hải