Bà Tôn Nữ Thị Ninh nguyên là Đại sứ Việt Nam tại Bỉ và EU, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban đối ngoại QH. Với hàng chục năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực ngoại giao, bà được coi là người tiên phong xây dựng thương hiệu quốc gia của Việt Nam.
Bà được mời làm diễn giả tại Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng (VGLF) diễn ra ngày 30-31/3 tới ở Paris, Pháp.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh được coi là người tiên phong xây dựng thương hiệu quốc gia của Việt Nam. Ảnh: Như Sỹ |
Bà chia sẻ:
Việc nhận thức, xác định xây dựng và phát huy cũng như gìn giữ hình tượng quốc gia, thương hiệu của đất nước đó là quyền và trách nhiệm và sự nghiệp không phải của bất cứ cá nhân nào cả, cơ quan ban ngành nào cả. Đây là quyền và trách nhiệm của cả dân tộc, của người gốc Việt trong và ngoài nước.
Điều thứ hai phải khẳng định là thương hiệu quốc gia không phải là đồ vật, sự vật, có thể nhìn thấy nó mà là nhận thức và vừa xây dựng nó. Trong quá trình nhận thức thì mình góp phần cho rõ nét, phong phú hơn.
Bà là một trong những người đầu tiên đã nỗ lực trong các hoạt động nhằm thúc đẩy việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho Việt Nam trong vài năm qua. Ý tưởng này xuất phát từ đâu?
Có lẽ xuất phát từ nghề đối ngoại của tôi. Trong quá trình triển khai các hoạt động đối ngoại, tôi thường xuyên nghe những lời bình luận khen, chê Việt Nam; nêu câu hỏi về quá khứ và hiện tại của đất nước ta và tôi cũng phải giới thiệu, trả lời những câu hỏi đó.
Vấn đề này khiến tôi canh cánh 10 năm nay, sau khi về hưu tôi cũng có tổ chức tọa đàm về “Thương hiệu quốc gia Việt Nam” và có mời những nhân vật như là đại sứ về hưu, đại diện các tập đoàn kinh tế, các tác giả, các doanh nhân…
Trong tọa đàm nay, tôi đưa ra câu hỏi “Việt Nam trong mắt thế giới như thế nào?”.
Và câu hỏi này chính là câu chuyện thương hiệu của quốc gia. Từ câu hỏi này, các khách mời tham gia, đặc biệt là các đại sứ về hưu có những chia sẻ, nhận xét thật tâm về đất nước Việt Nam để giải đáp được câu hỏi trên.
Thông điệp sức mạnh mềm
Nhiều quốc gia xung quanh đang áp dụng mạnh mẽ chiến lược phát triển sức mạnh mềm, như Trung Quốc hay Hàn Quốc. Tuy nhiên, việc xây dựng các chủ lực mềm của ta có lẽ chưa được đặt ở một ví trí xứng đáng. Bà có chia sẻ thế nào về vấn đề này?
Vị trí sức mạnh mềm cần đặt trong mối tương quan giữa thế và lực. Lực là sức mạnh kinh tế, là sức mạnh chính trị và quân sự, vật chất nói chung. Còn thế là một cái vô hình, mà mình phát huy nó có thể tạo thành sức mạnh, ảnh hưởng mà nó có thể phát huy được lực.
Tôi cho rằng, nước ta chưa xây dựng được thông điệp. Ví dụ thông điệp của ngành du lịch là “an toàn thân thiện” nhưng vẫn còn hạn hẹp. Cần xây dựng thông điệp rộng lớn hơn, bao trùm hơn về con người và dân tộc Việt Nam, về đất nước này.
Những năm làm đối ngoại, gặp gỡ trao đổi với các đoàn nước ngoài, tôi thấy điều làm cho người ta ấn tượng nhất là sức sống từ tro tàn chiến tranh. Đó là khả năng vươn lên, vượt qua mọi khó khăn của dân tộc Việt Nam.
Để xây dựng thương hiệu quốc gia, Việt Nam có những nguồn vốn nào? Con người Việt nằm ở vị trí nào trong những nguồn vốn này? Chúng ta có cần một nhạc trưởng thực sự trong tiến trình xây dựng và quản lý thương hiệu quốc gia hay không?
Tôi nghĩ để xác định thế mạnh phải tìm hiểu sự khác biệt. Cái vốn để xây dựng thương hiệu quốc gia thì quý nhất, nổi bật nhất và được nước ngoài ghi nhận chính là con người Việt Nam.
Tôi có tiếp xúc với du khách Mỹ thì họ luôn luôn ấn tượng, khâm phục con người Việt Nam.
Người Việt có 3 tính cách tích cực bao gồm cởi mở với bên ngoài và bao dung, sẵn sàng học hỏi, năng cao kiến thức và khả năng dung hòa giữa quá khứ và tương lai.
Khi xác định được những tính cách này rồi thì cần phải quảng bá nó. Cách quảng bá của mình, tôi nghĩ chưa thuyết phục, chuyên nghiệp và chưa lan tỏa rộng rãi.
Chưa chuyên nghiệp ở đây, theo tôi là còn rời rạc, mỗi người làm một kiểu và chưa có tìm đến tiếng nói tương đối cùng hướng.
Thương hiệu quốc gia cần có một nhạc trưởng. Họ là người chịu trách nhiệm cao nhất đối với đất nước. Bản giao hưởng này nhà nước không thể tự quyết lấy một mình được. Thế nhưng, nhà nước có thể khâu kết lại thành một bản giao hưởng bài bản, có đầu và có đuôi. Ở đây tôi nói đến cấp độ nhà nước chứ không thể là Bộ VH-TT-DL, Tổng cục Du lịch, Bộ Ngoại giao…
Ảnh: Như Sỹ |
Vẽ bản đồ các tài năng trong và ngoài nước
Bà đánh giá thế nào về khát vọng xây dựng thương hiệu Việt Nam ở cộng đồng người Việt tại nước ngoài? Đã có những điển hình nào về xây dựng thương hiệu Việt Nam thành công ở nước ngoài?
Tôi tiếp xúc nhiều với người Việt ở nước ngoài và thấy rõ ràng, họ đã có những điều kiện về kinh tế, không còn chăm chăm kiếm sống hằng ngày nữa nên càng ngày càng hướng về quê hương, đất nước.
Nhìn về đất nước Việt Nam đang từng ngày đi lên, nhiều người muốn làm gì đó để góp phần cho quê hương lớn mạnh. Họ nghĩ mình phải làm gì để tạo một cầu nối giữa đất nước họ đang định cư và Việt Nam. Thông qua cầu nối này, họ mong muốn cộng đồng người Việt ở nước ngoài, người nước ngoài có cái nhìn về Việt Nam với đầy đủ hiểu biết và tình cảm.
Hiện nay trên thế giới có rất nhiều người Việt nổi tiếng, thành đạt. Như ông Philipp Rosler gốc Việt từng làm Phó thủ tướng phụ trách kinh tế ở Đức, GS Ngô Bảo Châu có 2 quốc tịch đang sống ở Mỹ...
Tôi nghĩ nên có những khảo sát để biết thêm những tấm gương thành đạt của người Việt ở khắp nơi trên thế giới. Bởi có người thành đạt nhưng không giao tiếp với truyền thông. Tôi khao khát mong muốn trong nước có một cơ chế liên hợp để liên kết người Việt ở các nước trên thế giới, vẽ bản đồ các tài năng trong và ngoài nước.
Nguồn lực con người là một trong những tài sản quan trọng nhất của một quốc gia. Xây dựng mạng lưới nhân tài toàn cầu sẽ tạo ra vòng quay nhân lực đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển đất nước. Những người tham gia mạng lưới được tạo điều kiện để tạo ra những thay đổi, xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia trong nội tại đất nước và trên thế giới. Ra đời dựa trên ý tưởng này, Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng (VGLF) lần đầu tiên kết nối mạng lưới người Việt có ảnh hưởng trên toàn thế giới ở mọi lĩnh vực. |
Nữ đại sứ người Pháp gốc Việt chỉ cách giữ chân du khách
Nữ Đại sứ du lịch người Pháp gốc Việt chia sẻ phương châm xây dựng và phát triển du lịch bền vững, đó là không bao giờ có cơ hội thứ hai để tạo ấn tượng đầu tiên.
Thái An - Như Sỹ - Hiền Anh