{keywords}

Mối quan hệ giữa lĩnh vực công và tư trông một quốc gia, cũng như vai trò của nhà nước trong việc tạo nên một nền kinh tế thành công và một quốc gia phát triển là chủ đề không bao giờ cũ và cũng không bao giờ mất đi tầm quan trọng. Đã có nhiều quan điểm được đưa ra về những gì nhà nước nên làm, cần làm để đem lại lợi ích lớn nhất có thể cho xã hội ở quy mô tổng thể.

Một trong không ít cuốn sách đi vào phân tích, mổ xẻ sâu, tỉ mỉ chủ đề vai trò của nhà nước là Nhà nước khởi tạo của Mariana Mazzucato, giáo sư ngành Kinh tế học Sáng tạo và Giá trị công, cũng là một chuyên gia có uy tín về vấn đề sáng tạo.

Tư tưởng chủ đạo của M.Mazzucato nhấn mạnh vào sự hạn chế cũng như tác hại tiềm tàng cho nền kinh tế của mọi cách nhìn nhận quá cực đoan về vai trò của nhà nước và đầu tư công. Nhất là tư tưởng hiện đang được quảng bá, cổ súy rộng rãi vẽ lên hình ảnh của Nhà nước và lĩnh vực công như là tổng của tất cả những gì trì trệ, cản trở, là căn nguyên của mọi vấn đề tiêu cực.

Với Mazzucato, đó không những là một cách đơn giản hóa vấn đề để lẩn tránh trách nhiệm của khu vực tư nhân mà còn là một sự phủ nhận vai trò tích cực của nhà nước có thể dẫn tới hậu quả lâu dài và nghiêm trọng cho cả nền kinh tế ở cấp độ quốc gia hay thậm chí là rộng hơn thế.

Phản bác lại quan điểm chiếm ưu thế này không phải là dễ, nhất là khi không phải nhà nước nào cũng tạo dựng được vai trò tích cực đến sự phát triển, phồn thịnh của quốc gia nó quản lý. Bởi vậy, Mazzucato đã xây dựng cuốn sách của mình một cách cân đối để trả lời được cả hai câu hỏi lớn:

- Nhà nước thực ra đã đóng vai trò như thế nào trong những “câu chuyện thành công”?

- Nhà nước có thể và cần làm gì để đóng góp tốt nhất nhằm tạo dựng nên các “câu chuyện thành công”?

Ai cũng biết, cách hoạch định tốt nhất cho tương lai chính là học hỏi thật khách quan, kỹ lưỡng từ thành bại trong quá khứ. Mazzucato cũng nhắc nhở bạn đọc điều này trong cuốn sách của bà. Cách tốt nhất để nhìn nhận vai trò của nhà nước trong phát triển kinh tế và quan hệ công – tư là nhìn lại các câu chuyện của ngày hôm qua, nhất là những câu chuyện thành công.

Chẳng hạn, khi SpaceX thành công, ít người nhớ rằng các công nghệ cốt lõi được sử dụng trong nó bắt nguồn từ các nghiên cứu của NASA được chính phủ Mỹ tài trợ với kinh phí khổng lồ trong suốt nhiều năm trời từ thời Chiến tranh lạnh. Và đây chỉ là một trong nhiều ví dụ mà tác giả đã chỉ ra, để thấy rằng không phải ngẫu nhiên mà những thành công nổi bật nhất của các doanh nghiệp Mỹ đều có bóng dáng tác động của chính phủ nước này, thông qua những khoản đầu tư lớn, kiên trì, dài hạn.

Tương tự, sự yếu kém của chính phủ cũng được ghi nhận là nguyên nhân trì trệ của nền kinh tế nhiều nước, chủ yếu vì chính phủ những nước này đã không làm được vai trò của nhà đầu tư công trong những lĩnh vực rủi ro cao, chậm sinh lợi nhuận nhưng lại làm nền tảng cho những phát triển lâu dài trong tương lai. Như vậy, trong “câu chuyện thành công” nhà nước chính là người mở đường cho “những người thắng”, trái hẳn với hình ảnh quen thuộc của nhà nước chỉ biết lấy tiền từ “những người thắng” (qua đánh thuế) để nuôi “những kẻ thua”.

Đương nhiên, không phải nhà nước nào cũng thành công. Nhưng vậy đấy, không phải doanh nghiệp nào cũng thành công. Không có gì là tuyệt đối. Tác giả Mazzucato luôn nhấn mạnh thông điệp này trong cả cuốn sách của bà. Để làm gì?

Để xóa đi thứ huyền thoại được xây dựng nên từ việc lấy những ví dụ tệ hại nhất của lĩnh vực công pha trộn với những gì tích cực nhất của lĩnh vực tư nhân. Muốn có tương lai tươi sáng hơn cho cả quốc gia, cả xã hội, thì vai trò của nhà nước hay lĩnh vực tư nhân cũng đều quan trọng như nhau. Và vai trò của nhà nước lại càng quan trọng hơn nữa trong giai đoạn mà đổi mới sáng tạo đã được nhất trí nhận định là động lực của phát triển. Đây chính là điều quan trọng thứ hai Mazzucato nhấn mạnh.

Theo tác giả, vai trò của nhà nước trong đổi mới sáng tạo là không thể thay thế. Chỉ có nhà nước mới đủ khả năng chấp nhận theo đuổi đầu tư cho những ý tưởng đi trước thời đại, có độ rủi ro cao, đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn, trong khi triển vọng thu hồi vốn hay sinh lời sẽ đòi hỏi chờ đợi rất lâu. Từ các công nghệ đã tạo nên kỷ nguyên silicon, rồi kỷ nguyên Internet, cho tới cả những nền tảng quan trọng cho những “công nghệ xanh” đều in đậm dấu ấn các dự án đầu tư dài hơi thành công của nhà nước.

Và không quốc gia thành công nào không dựa trên nguồn nhân công chất lượng cao được hình thành, tích lũy không chỉ trong ngày một ngày hai, mà công lao không nhỏ bắt nguồn từ hệ thống giáo dục công do nhà nước duy trì, đài thọ. Bên cạnh vô số những ví dụ khác, đôi khi quá hiển nhiên đến mức đánh mất đi sự bóng bẩy, cuốn hút, điều nhất thiết phải có để trở thành “ngôi sao” trong kỷ nguyên truyền thông này.

Vậy thì thay vì chỉ luôn tập trung vào cắt giảm thuế, cắt giảm chi tiêu công, nhà nước có thể và cần làm tốt hơn thế. Điều nhà nước cần làm là trở nên hiệu quả hơn, mạnh mẽ hơn chứ không phải là “thu mình tránh sang bên”. Một nhà nước đóng vai phụ, bị nhìn nhận tiêu cực như “ký sinh” vào lĩnh vực tư nhân sẽ không khỏi đánh mất đi vai trò của mình, trong đó có vai trò đầu tàu mở đường cho phát triển, sáng tạo.

Một nhà nước hiệu quả, đúng nghĩa chính là sự bổ khuyết, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân. Như Mazzucato nói, một mối quan hệ công – tư đúng đắn, lành mạnh phải là mối quan hệ “cộng sinh” có ích cho cả hai bên, tạo ra lợi ích lâu bền, phổ quát cho toàn xã hội.

Dịch giả Lê Đình Chi

Nhà nước khởi tạo: Nhà nước mạnh - kinh tế mạnh

Nhà nước khởi tạo: Nhà nước mạnh - kinh tế mạnh

Có rất nhiều câu chuyện thực tế được đề cập trong cuốn 'Nhà nước khởi tạo' của tác giả Mariana Mazzucato. Tác giả có góc nhìn mới về vai trò của Nhà nước trong việc kiến tạo cho công cuộc phát triển.