Tại họp báo chiều 28/2, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM khẳng định nhiều lần, việc mua thuốc Molnupiravir vẫn đang chờ hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo bà Huỳnh Mai, đây là bước cuối cùng và là cơ sở pháp lý để các cửa hàng thuốc tây bán thuốc điều trị Covid-19 cho F0 đúng chỉ định.

{keywords}
Một số nhà thuốc đã bán Molnupiravir cho người bệnh.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc, một cơ sở bán Molnupiravir khi người dân cung cấp video test nhanh dương tính, bà Mai cho biết, Sở Y tế sẽ kiểm tra và nhắc nhở. Bà khẳng định, bán thuốc kháng virus Molnupiravir bắt buộc phải có kê đơn của bác sĩ.

“Các bác sĩ này phải có chứng chỉ hành nghề, hoặc trong trường hợp đặc biệt với bệnh thuộc nhóm A như Covid-19, luật cho phép các bác sĩ tại trạm y tế được phép kê toa dù chưa có chứng chỉ hành nghề.

Tuy nhiên, việc kê đơn, bán thuốc Molnupiravir vẫn đang chờ Bộ Y tế hướng dẫn và áp dụng trên cả nước”, bà Mai chia sẻ.

Ngoài ra, TP.HCM vẫn còn 36.000 liều Molnupiravir cung cấp cho các trạm y tế, cấp phát miễn phí cho F0 đủ điều kiện và F0 trong nhóm nguy cơ.

Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch và phục hồi kinh tế TP.HCM cho biết, hiện nay thuốc Molnupiravir đã sẵn sàng tại các cửa hàng thuốc tây, có giá niêm yết, người bệnh cũng cần mua thuốc. Mặc dù vậy, vẫn còn vấn đề chưa phù hợp với quy định của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Do đó, TP đề nghị các nhà thuốc cần chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế về việc cung cấp thuốc đúng quy định cho người dân. Ngoài ra, người có test nhanh dương tính cần đến trạm y tế khai báo để được quản lý, chăm sóc, hưởng đầy đủ quyền lợi của mình.

“Ai cũng sốt ruột. Tuy nhiên, chúng tôi mong các nhà thuốc hãy chờ một thời gian ngắn, khi có hướng dẫn đầy đủ của Bộ Y Tế sẽ phục vụ người dân hiệu quả hơn”, ông Hải bày tỏ.

Theo Sở Y tế TP.HCM, để kê toa cho bệnh nhân Covid-19, bác sĩ phải khẳng định người bệnh là F0 bằng chẩn đoán xác định. Thứ 2, toa thuốc phải chỉ định đúng đối tượng được dùng Molnupiravir (người từ 18-65 tuổi, không mắc bệnh suy gan suy thận nặng, triệu chứng nhẹ, không có thai hoặc ý định có thai, phụ nữ đang cho con bú...)

Về tình hình dịch bệnh, tuần qua TP.HCM ghi nhận có 505 ca mắc trong nhóm trẻ từ 0-6 tuổi, 1.055 ca trong nhóm từ 7-11 tuổi, 567 ca trong nhóm từ 12-17, 512 ca trong nhóm từ 16-18.

Hiện nay, TP đang điều trị cho 3.557 bệnh nhân, trong đó có 306 trẻ em dưới 16 tuổi, 47 bệnh nhân nặng phải thở máy và 7 ca ECMO. Trong ngày 27/2, TP.HCM có 2 ca tử vong vì Covid-19

Linh Giao

F0 trẻ em TP.HCM tăng gấp 3, Sở Y tế giao nhiệm vụ khẩn cho bệnh viện

F0 trẻ em TP.HCM tăng gấp 3, Sở Y tế giao nhiệm vụ khẩn cho bệnh viện

TP.HCM triển khai hàng loạt hành động trước tình huống số ca mắc trẻ em tăng cao, đề phòng tình huống trẻ bệnh nặng phải nhập viện.