- Anh Nguyễn Quang Thạch, khởi xướng Chương trình Sách hóa Nông thôn Việt Nam - người gần 20 năm đeo đuổi đưa sách về nông thôn, đã đi bộ 2.600 km để khuyến đọc và kêu gọi toàn xã hội cũng như nhà nước đưa sách về nông thôn.

Từ hiệu ứng của những việc anh Thạch đã làm, tới cuối năm 2015, Bộ GD-ĐT đã có văn bản nhân rộng tủ sách phụ huynh đến từng lớp học. Tuy nhiên, anh Thạch lo ngại rằng việc triển khai đang được các địa phương thực hiện quá chậm chạp.

{keywords}

Một tủ sách phụ huynh ở Thanh Hà, Hải Dương

(Anh Nguyễn Quang Thạch đứng ngoài cùng bên trái)

Nhà trường không biết “khóc”, cha mẹ nào “cho bú”

Như nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã nói, “Sự tham gia của phụ huynh, của xã hội vào việc đọc sách có nhiều ý nghĩa. Chúng ta “mở cổng trường” để các lực lượng xã hội tham gia giáo dục học sinh…”. Cổng trường - ngành giáo dục đã mở, còn các lực lượng xã hội đã tham gia được tới đâu, theo anh?

- Sau khi hiệu quả của Tủ sách Phụ huynh đặt tại lớp học được thực chứng trên quy mô cấp tỉnh, chiến lược của Chương trình Sách hóa Nông thôn Việt Nam là vận động chính sách đến cấp Bộ GD-ĐT để tạo lượng cầu làm tủ sách đến từng lớp học trên toàn quốc. Bộ GD-ĐT đã có chủ trương rõ ràng, nhưng cấp trường học chưa thực sự hành động kêu gọi thì rất khó nối kết các nguồn lực dân sự gồm cha mẹ học sinh, cựu học sinh.

Như cha ông đã nói “Con khóc thì mẹ mới cho bú”, nhà trường là đứa con được bao bọc và nuôi dưỡng của xã hội, mà không biết “khóc” thì khu vực dân sự cũng không biết để hỗ trợ.

Một ví dụ là UBND tỉnh Nam Định và Sở GD-ĐT tỉnh đã biết “khóc” và kêu gọi toàn dân, kêu gọi doanh nhân, trí thức, công chức xa quê cùng tỉnh và ngành giáo dục đưa sách đến từng lớp học. Chỉ trong vòng một tháng, họ đã kêu gọi được cả ngàn tủ sách, mang lại lợi ích cho hơn 30.000 học sinh. Kế hoạch là đến năm 2017, tất cả các lớp học từ mầm non đến cấp 3 của tỉnh Nam Định sẽ có tủ sách với con số dự kiến là 12.662 tủ.

Một điều cũng đáng mừng là số người gốc nông thôn liên lạc hỏi tôi cách đưa sách về lớp học ngày càng tăng. Quỹ trái tim Đại Việt hỗ trợ nhân viên đưa sách về trường, lớp cũ của họ với khoảng 120 tủ sách/ năm.

{keywords}
Tặng sách cho một cậu bé khuyết tật ở nông thôn

Theo anh, căn nguyên sâu xa của việc vận hành mà theo anh là chậm, của cả phía giáo dục ở địa phương lẫn phía các lực lượng xã hội, là gì?

- Sự chậm trễ nội ngành giáo dục có nguyên nhân sâu xa là xã hội Việt Nam chưa bao giờ có văn hóa đọc trên quy mô rộng lớn.

Chính  nhiều lãnh đạo ngành giáo dục xuất thân ở nông thôn, từ nhỏ không có sách đọc, bởi vậy họ không thấu hiểu tầm quan trọng của sự đọc trong tuổi học trò, phản xạ có điều kiện về tầm quan trọng của sách chưa đủ lớn trong nhiều hiệu trưởng để thúc giục họ hành động vì sự đọc của học sinh.

Hơn nữa, người gần học sinh nhất trong trường học là giáo viên cùng chịu thảm trạng ít sách trong tuổi học trò, nên không nhiều người có thói quen đọc sách. Điều này dẫn đến việc họ thờ ơ với sự đọc của học sinh, thậm chí còn cản trở học sinh đọc.

Điều tệ hại hơn là thư viện ít sách và nhiều thủ thư yếu kém. Những thầy cô giáo vì sự đọc của học sinh cô đơn giữa đồng nghiệp của mình.

Khu vực dân sự cũng tương tự, sự học chỉ giới hạn ở sách giáo khoa và giáo trình của hầu hết các thành viên xã hội. Và việc thiếu cơ hội tiếp cận sách từ nhỏ đã không làm cho nhiều người đủ nhạy cảm để hành động vì sự đọc của con trẻ trên quy mô rộng lớn.

Anh mất 19 năm để có thể nhân rộng mô hình, vậy thì mới chỉ có 4 tháng để triển khai mà anh đã cho rằng chậm thì có phải là nôn nóng quá không?

- Thực ra, tôi không nôn nóng, mà vô cùng lo ngại khi chuyển biến nội ngành giáo dục rất chậm. Mặc dầu Bộ GD-ĐT đã có văn bản chỉ đạo nhưng số tỉnh hành động quyết liệt như Nam Định còn quá ít.

Trong khi đó, vô số người ngoài ngành giáo dục, bao gồm cả trăm ngàn nông dân, người Việt trong và ngoài nước đã tạo ra hơn 6 nghìn tủ sách giúp 300 nghìn trẻ nông thôn có sách đọc, truyền thông đã cảnh báo rất nhiều và dày đặc trong 9 năm qua về thảm trạng thiếu sách, về bạo lực học đường…

Kể cả ngồi xe lăn, tôi vẫn sẽ xuyên Việt để trẻ nông thôn có sách

Năm 2015, anh đã thực hiện chuyến đi bộ từ Hà Nội vào Sài Gòn để vận động Bộ GD-ĐT đưa tủ sách phụ huynh vào từng lớp học. Tới đầu năm nay, anh lại khởi động chuyến đi bộ từ Sài Gòn tới Cà Mau để kêu gọi các hiệu trưởng hiện thực hóa chính sách mà Bộ đã đưa ra. Tuy nhiên, được biết anh đã dừng chuyến đi bộ này vì lý do sức khỏe. Vậy đây là việc tạm dừng hay dừng hẳn, thưa anh? Điều này tác động như thế nào tới kế hoạch kêu gọi của anh?

- Mục tiêu của Chương trình Sách hóa Nông thôn Việt Nam là đến năm 2017, tất cả các lớp học nông thôn sẽ có tủ sách với con số ước tính là 300.000 tủ. Vì vậy mà tôi chưa thể dừng chân nếu năm 2017 chưa hoàn thành mục tiêu.

Khi cột sống ổn, tôi sẽ tiếp tục đi bộ ở nước ngoài, vừa kêu gọi sách cho trẻ em thế giới và kêu gọi lương tâm và trách nhiệm của người Việt đối với 15 triệu trẻ em nông thôn. Nếu không đi bộ được nữa, tôi sẽ đi xe lăn xuyên Việt.

Tôi tin  chắc rằng sự tận tâm và kiên trì, không những sẽ có sách cho hàng chục triệu trẻ em, mà còn tạo tinh thần chia sẻ trách nhiệm xã hội ở Việt Nam, cũng như đưa vào tiềm thức người Việt Nam rằng tri thức là tối quan trọng và phải tìm cách lan truyền nó bằng mọi giá và bền bỉ liên thế hệ, cho dù khó khăn đến đâu.

Trước mắt, trong lúc trị bệnh thì tôi sẽ viết thư kêu gọi 500 nghìn người Việt Nam chia sẻ trách nhiệm xã hội bằng cách góp 12 cuốn sách, tương đương 240 nghìn đồng/ năm, cho trẻ em nông thôn để chúng tôi nhân rộng tủ sách cùng với ngành giáo dục.

{keywords}
Anh Thạch và những người ủng hộ trong chuyến xuyên Việt đầu năm 2015
Anh có kiến nghị gì để đẩy nhanh việc đưa các tủ sách vào tới mỗi lớp học?

- Trước hết, Bộ GD-ĐT phải cử chuyên viên  về các tỉnh phổ biến các nội dung của Công văn 6841 đến các giám đốc sở và trưởng phòng giáo dục trên toàn quốc. Từ đó, sở có văn bản chỉ đạo phòng giáo dục và phòng có văn bản chỉ đạo các hiệu trưởng từ mầm non đến cấp 3 thực hiện việc xã hội hóa tủ sách đến lớp học.

Song song, Chương trình Sách hóa Nông thôn Việt Nam sẽ  phối hợp với Bộ GD-ĐT phổ biến cách làm tủ sách cho các sở và phòng giáo dục trên toàn quốc. Phối hợp hành động giữa trục dọc nội ngành giáo dục và trục ngang dân sự để tạo sức mạnh tổng hợp là yếu tố tối quan trọng đẩy nhanh tiến trình lớp học có sách.

Ở các nước Tây Âu, trẻ em dành bình quân mỗi năm 12.000 phút để đọc sách, tương đương sức đọc 40 cuốn sách với độ dày 250 - 300 trang/ cuốn. Theo anh, Việt Nam cần làm thế nào để trẻ em đọc sách như trẻ Tây Âu?

- Trước hết, như tôi đã nói ở trên, bản thân nội ngành giáo dục là các hiệu trưởng từ mầm non đến cấp 3 cần phối hợp với cha mẹ học sinh và các nguồn lực xã hội để lớp học có sách. Sách gần học sinh, các em tự quản và được mượn đưa về nhà thì  tiềm năng đọc được đánh thức tối đa.

Kế đến, Bộ GD-ĐT cần đưa ra tiết đọc sách vào chương trình học, cần đưa số sách tối thiểu mà học sinh đọc mỗi năm để đánh giá hoạt động thư viện. Chẳng hạn, phòng giáo dục huyện Thái Thụy, Thái Bình đang nỗ lực để mỗi học sinh đọc từ 15 - 20 cuốn sách ngoài sách giáo khoa/ năm.

Các đầu việc trên là khả thi và sẽ dần giúp trẻ em Việt Nam có năng lực đọc như trẻ em Tây Âu trong 10 năm tới.

Xin cảm ơn anh. 

Ngân Anh thực hiện