Lớp 9 xuất bản cuốn sách đầu tiên

Thói quen đọc của anh có gì đặc biệt?

Tôi nghĩ thói quen đọc của nhà văn không khác nhiều với người bình thường, thậm chí sức đọc của một số người còn nhỉnh hơn dân viết lách nữa là khác. Nhiều người quen đọc còn nhiều hơn tôi. Vì vậy, không cứ là nhà văn thì đọc hơn người.

Tôi bắt đầu đọc từ năm 6 tuổi nhờ mẹ tôi là giáo viên dạy Văn. Mẹ thường mua cho tôi những quyển truyện cổ tích Việt Nam, truyện cổ Đan Mạch, truyện ngụ ngôn Aesop và cả truyện tranh Doraemon, Bảy viên ngọc rồng… Ngoài ra, các tờ báo như Nhi Đồng, Rùa Vàng, Khăn Quàng Đỏ, Mực Tím… cũng ghi dấu trong tuổi thơ tôi.

Ngày xưa, nhà tôi ở dưới quê, rất thiếu thốn điều kiện để đọc nhiều. Nếu muốn đọc gì, tôi và mẹ phải ra một hiệu sách nhỏ đặt trước, vài ngày đến một tuần sau sách mới về tới. Thời đó, tôi đã tham gia vào bút nhóm Vòm Me Xanh.

Sau này, khi vào đội tuyển học sinh giỏi, tôi có nhiều thời gian hơn ở thư viện. Thực ra, việc luyện thi cũng không quá áp lực, chủ yếu là tôi muốn đọc càng nhiều càng tốt, đọc kỹ và trọn vẹn các tác phẩm của Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao… thay vì chỉ những trích đoạn trong sách giáo khoa. Có thể nhờ đọc nhiều mà tôi đoạt giải Nhất học sinh giỏi Văn cấp tỉnh, giải 3 Văn cấp quốc gia cũng như nhiều giải lớn nhỏ khác.

{keywords}
Nhà văn Hà Thanh Phúc.

- Thói quen đọc tác động đến anh và những cuốn sách anh viết thế nào?

Tôi phải cảm ơn mẹ đã hình thành thói quen đọc cho mình. Ngày bé, gia đình không mấy dư giả nhưng chỉ cần tôi nói muốn đọc sách là mẹ sẽ mua cho. Tôi mê sách đến mức thường xuyên giấu mẹ nhịn ăn sáng để mua những quyển sách mình thích.

Tôi cũng bắt đầu sáng tác từ rất sớm. Lớp 2, tôi đã biết làm thơ, lớp 4 có bài đăng báo. 15 tuổi, tôi xuất bản quyển sách đầu tiên là Phù sa của bầu trời (NXB Kim Đồng) với sự giúp đỡ của nhà văn Cao Xuân Sơn. Đến nay, tôi vẫn rất biết ơn chú đã tạo điều kiện cho một đứa nhóc quê miền Tây như tôi dù chưa một lần gặp mặt. 18 tuổi, tôi có những truyện ngắn đăng trên Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Người Lao Động… Đó là những điều tôi rất tự hào.

Lúc bắt đầu sáng tác, tôi còn quá trẻ, chưa có nhiều trải nghiệm. Vì thế, việc đọc nhiều giúp cho tôi có thêm vốn sống “vay mượn” từ người đi trước, học hỏi nhiều về cách đặt vấn đề, phân tích tình huống, tâm lý nhân vật,… Nói chung, nếu muốn viết hay, bạn không thể không đọc sách.

- Anh kinh doanh, phụ trách truyền thông cho nghệ sĩ và nhãn hàng, làm sao thu xếp thời gian đọc và viết "năng suất" như thế?

Đúng là khi làm quá nhiều việc, tôi không thể đọc nhiều như trước nhưng vẫn cố gắng giữ thói quen đọc. Ngày trẻ, tôi có thể đọc một quyển sách trong 1 ngày thì bây giờ có khi phải đến vài tuần.

Tôi vẫn luôn canh cánh điều này trong lòng. Dù vậy, mỗi giai đoạn của đời người, chúng ta sẽ có những lựa chọn khác nhau, quan trọng là tôi còn ý thức duy trì việc đọc thì dù ít dù nhiều vẫn tốt.

Tương tự, hiện nay, tôi ra sách mới khoảng 1 – 2 năm/lần chứ không viết khoẻ như trước. Tôi khá hài lòng khi mình còn giữ niềm đam mê văn chương trong tim chứ không để lịch trình bận rộn cuốn trôi.

{keywords}
Lệ Quyên bên Hà Thanh Phúc buổi ra mắt cuốn "Chúng ta không có sau này". Cả hai đồng hành cùng nhau trong công việc.

Quen biết nhiều nghệ sĩ không quá quan trọng với nghề viết

- Anh từng chu du nhiều nơi trong và ngoài nước để lấy vốn viết sách. Việc này có hiệu quả hơn một số tác giả ngồi phòng máy lạnh hoặc cóp nhặt ý tưởng trên mạng để viết không?

Thời niên thiếu chưa có nhiều điều kiện, tôi cũng từng là người dùng trí tưởng tượng để sáng tác đó thôi. Tôi viết nhiều truyện ngắn về nỗi lòng của du học sinh, người viễn xứ dù khi ấy chưa từng đi nước ngoài.

Khi trưởng thành và có điều kiện kinh tế tốt, tôi đi khắp nơi trên thế giới, nhìn tận mắt và cảm nhận rõ hơn những nơi mình từng viết. Tôi nhận ra nhà văn không thể viết hay mà chưa đủ trải nghiệm sâu sắc. Những trang viết bằng trí tưởng tượng chỉ có thể mô tả lớp vỏ bên ngoài mà không thể chạm được phần sâu kín bên trong.

Tóm lại, bạn cần kết hợp cả hai: trí tưởng tượng phong phú và trải nghiệm thực tế. Đi nhiều, lắng nghe nhiều, đặt để cảm xúc của mình vào câu chuyện và nhân vật bằng trí tưởng tượng, bạn sẽ sáng tác hay.

- Trong nền văn học, anh ngưỡng mộ tác giả nào?

Văn học trong nước, tôi ngưỡng mộ chị Nguyễn Ngọc Tư; cũ hơn là nhà văn Thạch Lam và giọng văn tựa như thơ của ông. Các trang viết của tôi có phần nào ảnh hưởng từ ông. Tôi không thích sử dụng ngôn ngữ quá màu mè, đao to búa lớn mà thích sự chân phương, nhẹ nhàng dễ đi vào lòng người. Tôi rất quan trọng giọng văn, chất văn của từng tác giả. Có những tác phẩm, bạn đọc vào đã biết tác giả là ai, giống như ca sĩ cất lên tiếng hát của mình vậy. Tôi học tập những nhà văn đi trước ở việc luôn cố gắng để là chính mình trong quá trình viết lách.

{keywords}
Hà Thanh Phúc thân thiết với nhiều nghệ sĩ vì là chủ phòng trà. Ảnh: Chí Tài biểu diễn trong phòng trà của anh.

- Anh thân thiết với nhiều nghệ sĩ như thế, họ có đọc sách của anh không? Các nghệ sĩ, như Lệ Quyên, nhận xét, góp ý gì cho anh?

(cười) Tôi có tặng sách, “ép” những anh chị, bạn bè là nghệ sĩ đọc sách của mình và thỉnh thoảng nhờ họ viết lời bạt nữa. Nhìn chung, mọi người khá yêu thích những trang viết của tôi dù đa số đều nhận xét màu sắc trong văn chương của tôi khá buồn.

- Quan hệ thân thiết với nhiều nghệ sĩ có là một thế mạnh nổi trội của nhà văn, nhà thơ, theo anh?

Điều đó không quan trọng lắm đâu! Trước đây, tôi làm việc trong lĩnh vực báo chí, hiện lại là chủ phòng trà nên thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc nhiều anh chị em nghệ sĩ. Có chăng, khi tôi ra sách, mọi người sẽ biết đến cuốn sách ấy nhiều hơn do được các nghệ sĩ chia sẻ, ủng hộ. Việc sáng tác của tôi là độc lập, ít phụ thuộc ai.

"Nhà giả kim" giúp tôi không lạc lối

- Anh từng bị ai đó chê sách của mình chưa? Anh đối diện lời chê thế nào?

Có chứ. Văn mình vợ người, làm sao tránh khỏi những khen chê. Tôi đối diện lời chê bình thường, nhẹ nhàng thôi. Tôi thường sẽ suy nghĩ thêm về lời chê ấy một chút. Nếu đúng, tôi ghi nhận để rút kinh nghiệm cho những quyển sách sau, nếu không đúng bỏ qua cho đỡ nặng đầu.

- Nếu phải chia sẻ sâu một quyển sách anh tâm đắc, đó sẽ là quyển gì?

Nhà giả kim! Có lẽ đã quá nhiều người ca tụng về quyển sách này, tôi cũng không ngoại lệ. Đây là một quyển sách ngắn, dễ đọc, hấp dẫn. Tôi nghĩ rằng, nó rất cần cho những ai đang lạc lối, cần tìm một chỉ dẫn nào đó từ vũ trụ để có thể luôn sống tích cực, lạc quan. Gấp lại trang cuối cùng của quyển Nhà giả kim cũng là lúc bạn nhận ra rằng dường như mình đang có cơ hội được một lần đối thoại với chính mình.  

{keywords}
Lịch trình bận thế nào, anh vẫn giữ thói quen đọc.

- Người ta nói: Sách Hà Thanh Phúc viết hay buồn. Trong đời sống, anh có hay buồn? Viết về nỗi buồn quá nhiều, có nên không?

Như mọi người, cuộc sống của tôi có niềm vui và nỗi buồn song hành. Tôi không nghĩ mình có nhiều nỗi buồn hơn người khác, có thể tôi có một trái tim nhạy cảm và góc nhìn của một người viết lách nên mọi thứ được tô vẽ đậm nét thêm. Văn chương, trước tiên là tiếng nói của riêng tác giả, sau đó mới là tìm sự đồng điệu từ người đọc. Tôi viết để trút bớt đi những nỗi niềm sâu kín.

- Tôi biết có một số trường hợp, sách khiến con người thay đổi, thậm chí được cứu rỗi. Trường hợp ấy có đúng với anh?

Có những quyển sách xuất hiện đúng lúc bạn cần nó nhất. Có thời điểm tôi gặp rất nhiều bế tắc trong cuộc sống, tình yêu, một người bạn đã hỏi tôi đọc quyển Nhà giả kim chưa? Và đây là một trong những quyển sách tôi nghĩ ai cũng nên đọc nó nhiều lần, để luôn tự nhắc mình không bao giờ lạc lối.

05 cuốn sách nhà văn Hà Thanh Phúc gợi ý bạn đọc VietNamNet: Totto-chan bên cửa sổ (Kuroyanagi Tetsuko); Nhà giả kim (Paulo Coelho); Sapiens: Lược sử loài người (Yuval Noah Harari); Bắt trẻ đồng xanh (J. D. Salinger); và Lịch sử triết học Phương Đông viết cho thanh thiếu niên (Kang Sung-Ryul).

Cẩm Lan

Đông Nhi, Ông Cao Thắng diện đồ đôi, tình tứ đi ủng hộ Hương Tràm

Đông Nhi, Ông Cao Thắng diện đồ đôi, tình tứ đi ủng hộ Hương Tràm

 - Tham dự buổi ra mắt dự án "Chúng ta của sau này" của Hương Tràm, cặp đôi Đông Nhi, Ông Cao Thắng thu hút sự chú ý vì cùng diện đồ đôi, tình tứ trước nhiều người.