- Đang mạch viết ‘trần trụi’ như một người lính chiến, tại sao anh quyết định ‘rẽ ngang’ sang viết sách cho thiếu nhi?
Tôi viết để thương nhớ tuổi thơ của mình. Thời thơ ấu của tôi gắn liền với việc đi sơ tán tránh bom Mỹ vào những năm 1967, 1972. Vừa học hết trung học, tôi đã cầm súng tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Sau 5 năm trở về mọi thứ, những người tôi từng biết đã không còn ở đó nữa.
Cả một tuổi thơ chìm trong bom đạn khốc liệt như vậy, thành ra tôi rất muốn gỡ gạc, bù đắp cho những mất mát năm nào qua trang viết cho các cháu thiếu nhi.
Tôi cũng nhận thấy ở thành phố trẻ em không có cơ hội được trải nghiệm một không gian khác biệt nên mới đưa câu chuyện của nơi tôi làm thủy điện gần chục năm vào trong truyện. Với mong muốn để các cháu biết rằng, khi rời xa những ồn ào, xô bồ của thành phố thì ngoài kia vẫn có một thế giới thiên nhiên hiền hòa và trong sạch.
Qua câu chuyện của Thung lũng Đồng Vang, tôi ước ao gửi gắm tuổi trẻ của mình vào đó. Và viết cho độc giả nhỏ tuổi hẳn cũng là một việc rất tốt.
- Trước đó, một số độc giả biết tới nhà văn Trung Sỹ qua 'Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu', họ thắc mắc rằng vì sao anh lại đặt bối cảnh câu chuyện trong tác phẩm tiếp theo trên miền sơn cước chứ không phải thành thị?
Thật may khi tôi chọn xây dựng thế giới của Thung lũng Đồng Vang trên một không gian khác, là không gian của núi rừng với nét văn hóa nguyên sơ, mộc mạc bản địa, thay vì một địa điểm nào đó của đô thị ngày nay.
Tuổi thơ trên vùng núi gần gũi với tuổi thơ của tôi ngày xưa đi sơ tán; có rừng, có sông, có những trò chơi như câu cá, bắt chuồn chuồn, súng cao su và đi đúc dế… Vì vậy tôi mới đặt bối cảnh câu chuyện ở đó.
Mặc dù các bạn sẽ không thể tìm thấy Thung lũng Đồng Vang ở bất cứ đâu trên bản đồ, vì đây là địa danh mà tôi nghĩ ra. Song những câu chuyện bắn sóc, nuôi mèo ở lán nương hay hổ rình ở đầu cầu thang… là cuộc sống đời thực của người dân vùng cao.
- Liệu có nhân tố ngoài đời thực nào góp phần truyền cảm hứng cho anh tạo nên nhóm bạn Thụy, Thảo, Dực, Linh, Trương, Loan... nghịch ngợm của 'Thung lũng Đồng Vang'?
Tôi cũng xin chia sẻ, tên và câu chuyện cánh cửa sổ rơi của nhân vật Thụy được lấy ý tưởng từ chuyện có thật của cháu tôi. Khi đọc truyện tôi viết, cháu than: “Bác Tùng nói xấu con” (cười). Nhưng sau đó cháu vẫn lấy sách đem đi tặng mọi người.
Các nhân vật nhí khác cũng được xây dựng theo hình tượng một số bạn bè của cháu tôi, hay con của người bảo vệ ở thung lũng Thất Khê…
- Trong sáng tác của anh, thấp thoáng những nhân vật đóng vai trò dẫn dắt, khai mở tâm hồn trẻ thơ, có thể kể đến như thầy Thức, cô Vi, ông Kiền… Với ước muốn chạm tới trái tim con trẻ, anh đã khai thác họ như thế nào để tránh sự khuôn phép, giáo điều thường thấy trong một số sáng tác về thiếu nhi?
Tất nhiên không thể cho người lớn trong truyện nói sai hay mất đi vai trò của một người dẫn dắt, nhưng tôi vẫn cố gắng hạn chế sự nặng nề, không mang tính chỉ đạo lý tưởng một chiều. Tôi đưa vào tác phẩm câu chuyện đời thường, kể cả một số thứ khác sao cho cuộc đời rộng dài hơn, từ chi tiết nhỏ như những bài hát trong lành của nhạc sĩ Phạm Duy.
Phải biết dẫn dắt để câu chuyện tự nhiên và có sức sống, khi ấy tụi trẻ dễ chấp nhận hơn thứ giáo lý mang tính chất sách vở. Trẻ em là lá, là cây, là hoa, là bướm, hãy để con trẻ được sống trong không gian như thế. Có giáo dục cũng phải trong thế giới tự nhiên ấy - nơi có ngôn ngữ của gió của nước tự do và khoáng đạt, chứ không phải thứ ngôn ngữ hành chính được ghim trên tường.
- Nhà văn từng cho rằng, để viết được cho thiếu nhi đòi hỏi con người ta phải thực sự lớn và tinh tế. Anh có thể chia sẻ thêm về ý kiến này?
Lấy ví dụ tiêu biểu như truyện cổ Andersen, khi càng giàu trải nghiệm cuộc đời ta lại được chiêm nghiệm câu chuyện ở một tầng nghĩa khác.
Đầu tiên, phải xác định được đây chắc chắn là truyện cho thiếu nhi đã.
Thứ hai, câu chuyện đó phải linh hoạt, nhiều tầng ngữ nghĩa khác nhau để khi đọc xong, mọi chi tiết không bị “trôi tuột” đi và độc giả trở thành một chủ thể sáng tác mới, đồng hành cùng với tác giả. Họ sẽ suy nghĩ và tạo ra một câu chuyện, một ý nghĩa khác dựa theo kinh nghiệm sống chứ không bó hẹp theo ý của người viết.
- Anh sẽ duy trì việc sáng tác cho thiếu nhi theo đường dài chứ không phải chỉ là một cuộc “dạo chơi” rồi dừng lại?
Một khi đã đặt bút viết đó sẽ trở thành trách nhiệm của mình.
Viết cho con trẻ, thật không dễ dàng gì. Nếu viết cho lứa tuổi mẫu giáo, chỉ là những câu chuyện đơn giản, mang tính giáo dục nhẹ nhàng. Nhưng khi bắt đầu chọn viết cho "teen", đòi hỏi ngòi bút phải trưởng thành hơn để suy nghĩ, đặt vấn đề sao cho vẫn giữ được sự trong sáng tuổi niên thiếu nhưng dần chớm nở những tình cảm, lý tưởng mới… Tất cả tạo nên lối đi đúng cho cuộc đời của một con người.
Nhà văn Trung Sỹ tên thật là Xuân Tùng, sinh năm 1960 trong một gia đình viên chức ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp trung học, anh tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc từ năm 1978 đến 1983. Trước truyện dài Thung lũng Đồng Vang (2022), nhà văn Trung Sỹ để lại dấu ấn trong lòng độc giả qua các tác phẩm Chuyện lính Tây Nam (2017); Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu (2019), Đội trinh sát và con chó Sara (2020). |