Điện thoại di động và truy cập Internet bị cấm ở hầu hết các nhà tù vì lý do an ninh. Do đó, tù nhân buộc phải tìm cách khác để sử dụng thời gian trong bốn bức tường. Ngoài ra, không ít nhà tù còn phải đối mặt với tình trạng quá tải.
Một số nước trên thế giới đã nghĩ ra sáng kiến để giải quyết những vấn đề trên: Đọc sách để giảm án tù.
Đọc 12 cuốn sách, giảm 48 ngày giam
Một tù nhân trong bộ phim tài liệu Liberta! của Brazil chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ thích đọc nhưng những quyển sách cuốn hút tôi khi trong tù và bây giờ đó là thói quen hằng ngày”.
Năm 2012, Brazil đưa ra một chính sách để giảm án cho các tù nhân. Những người đang bị giam trong hệ thống nhà tù liên bang sẽ được giảm thời gian cải tạo nếu đọc sách. Thời gian rút ngắn tối đa là 48 ngày - tương đương 12 tác phẩm.
Người tù có 4 tuần để đọc một cuốn sách và viết bài luận có chia đoạn, không có lỗi chính tả… Một hội đồng sẽ quyết định tù nhân nào đủ điều kiện tham gia chương trình “Chuộc lỗi nhờ đọc sách”.
Theo CBC, nhà xuất bản Editora Carambaia (Brazil) đã tiến hành một chiến dịch tiếp thị khác thường. Họ quyên góp nhiều loại sách cho nhà tù, mở câu lạc bộ sách nhằm giúp các tù nhân phát triển kỹ năng phân tích và giao tiếp.
Dữ liệu sau đó cho thấy, các tù nhân đọc sách nhiều gấp 9 lần so với dân thường. Vì vậy, cùng với Hội đồng Tư pháp Quốc gia Brazil, nhà xuất bản Carambaia xây dựng chương trình "Đánh giá của các tù nhân".
Nhà xuất bản đã làm một việc chưa từng có trước đây: biến người tù thành nhà phê bình sách. Họ có 30 ngày để đọc một cuốn sách, sau đó gửi bài nhận định.
Những bài viết ấn tượng và sâu sắc vượt quá mức mong đợi. Nhà xuất bản Carambaia quyết định sử dụng các đánh giá đó đăng trên tạp chí, mạng xã hội, đài phát thanh, áp phích hiệu sách. Các tù nhân còn góp mặt trong bộ phim tài liệu kể về quá trình tham gia dự án phê bình sách.
Theo Reuters, một đất nước Nam Mỹ khác là Bolivia cũng áp dụng chính sách tương tự. Các tù nhân ở những nơi giam giữ quá đông đúc có thể giảm thời gian thi hành án bằng cách đọc sách. Chương trình "Sách sau song sắt" áp dụng tại 47 nhà tù.
Tháng 3 vừa qua, Philippines đưa ra sáng kiến thử nghiệm 13 thư viện mới ở các nhà tù cung cấp cho tù nhân cơ hội học tập để phát triển bản thân. Cứ sau 60 giờ hoạt động liên quan đến học tập, tù nhân sẽ được trừ 15 ngày giam.
Cơ hội thay đổi
Một lượng lớn tù nhân trên thế giới là những người có hoàn cảnh khó khăn, trình độ học vấn thấp, gặp khó khăn với việc đọc, viết. Những bất lợi đó đôi khi khiến cuộc sống của họ trở thành một vòng luẩn quẩn đói nghèo - phạm tội.
Jaqueline, tù nhân ở Bolivia, đã đọc 8 cuốn sách trong một năm và vượt qua 4 bài kiểm tra. “Có những người tù giờ mới học đọc, học viết”, cô tâm sự.
Bà Lisa Krolak làm tại Viện Học tập suốt đời của UNESCO cũng là tác giả cuốn Sách vượt song sắt: Tiềm năng biến đổi của thư viện nhà tù. Bà tin rằng, việc tăng cường hiểu biết về bản thân có thể giúp các tù nhân thay đổi niềm tin và hành vi.
Luật sư Andre Kehdi ở Sao Paulo (Brazil), người đứng đầu dự án quyên góp sách cho các nhà tù, bày tỏ hy vọng: “Khi ra tù, một người có thể sáng suốt hơn và mở rộng tầm nhìn về thế giới. Họ sẽ là một người tốt hơn”.
Các tù nhân tâm sự, đọc sách đối với họ là một hình thức thoát ly thực tế như những câu nói: “Ở đây bạn sống trong một nơi xám xịt nhưng đọc sách có thể trở thành màu sắc của cuộc đời bạn”, “Giúp bạn đồng cảm với những người khác, hình dung ra những thế giới khác, những cách suy nghĩ và hành động khác” và “Có lợi cho sự hiểu biết về bản thân của chúng ta”.
Người sáng lập tổ chức "Đọc để tiến lên" của Pháp, luật sư Alexandre Duval-Stalla, nói: “Chúng ta biết điều gì giúp một người không phải ngồi tù - công việc, nhà ở, gia đình… Nhưng cũng là khả năng hiểu, thể hiện bản thân và điều đó đòi hỏi phải có vốn từ vựng”.