Tôi hợp làm nhà thơ, họa sĩ hơn Chủ tịch Hội
- Đắc cử vị trí chủ tịch Hội, ông có bất ngờ?
Cách đây một năm, tôi chưa từng nghĩ sẽ được đắc cử vị trí này. Khi biết Đại hội này mong muốn, đòi hỏi gì ở người đại diện cũng như nắm bắt ý chí của các hội viên, tôi nghĩ rằng hội viên sẽ chọn người có thể đồng hành cùng họ thực thi những yêu cầu ấy.
Tất nhiên, tôi vẫn bất ngờ. Có lẽ, tôi hợp là một nhà thơ, họa sĩ và người chơi nhạc dân tộc hơn là người đứng đầu một hội vô cùng phức tạp. Song khi đã bước đến vị trí mà các hội viên tin tưởng, tôi không còn con đường nào khác ngoài tiến lên phía trước.
Sự chuyển giao cần thiết và đúng chủ trương. So với các Đại hội trước, sự chuyển giao ở Đại hội Khóa X là ngoạn mục hơn cả! Lần đầu tiên, chúng tôi đưa vào BCH những gương mặt – dù đã có tuổi đời nhất định nhưng vẫn rất trẻ trong nền văn học. Điều đó tạo ra sự đợi chờ cho các nhà văn và bạn đọc.
- Ông có thể nói cụ thể hơn các thách thức?
Chúng tôi đang bước vào nhiệm kỳ mà văn học bị các phương tiện giải trí – truyền thông khác lấn át. Tuy nhiên, tôi có niềm tin lớn vào các thành viên trong BCH. Cảm hứng cho người đọc và người viết là tiền đề để tạo ra tác phẩm tốt. Nếu đánh mất cảm hứng, chúng ta sẽ không thể sáng tác tác phẩm hay cũng như tạo ra đời sống của văn học. Nhà văn, tác phẩm và bạn đọc phải đồng hành, chỉ cần 1 trong 3 thiếu hụt, nền văn học khó khăn ngay!
Việc nhà thơ làm quản lý cũng vậy. Chúng tôi làm quản lý lẫn nhau, khác các cán bộ quản lý hành chính. Khó khăn tất yếu có, như sự “lơ mơ” các con số, nhưng chúng tôi có người giúp việc chứ không tự làm tất cả.
Nhiệm kỳ trước có những thành tựu lẫn hạn chế. Chúng tôi tổ chức thành công cuộc thi tiểu thuyết, mạnh dạn trao giải cho các tác phẩm xuất sắc. 5 năm qua cũng là thời gian chúng tôi kết nạp nhiều nhà văn trẻ nhất – những chủ nhân tương lai của văn đàn, bất chấp những thắc mắc. Khiếm khuyết trong khâu tổ chức giải thưởng, kết nạp hội viên là có nhưng sẽ khắc phục dần.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong Đại hội BCH Hội nhà văn VN Khóa X. |
- Việc tuyên bố đặt niềm tin vào BCH “chắc chắn thành công'' của ông liệu có quá tự tin?
Bản chất của tôi, Nguyễn Bình Phương, Phan Hoàng, Lương Ngọc An, Bích Ngân… là đổi mới. Những nhân tố đổi mới cộng vào nhau ít nhất sẽ làm tốt hơn, giảm bớt những thiếu sót nhiệm kỳ trước. Mục đích lớn của Hội là làm mới, trẻ hóa văn học Việt Nam, đưa văn học trong nước ra thế giới.
- BCH từ 6 người lên 11 người, có gì khó khăn, thưa ông?
(Cười) Chúng tôi có nhiều người hơn để chia sẻ lẫn nhau. Song gắn kết 11 người dĩ nhiên khó hơn 6 người. Trách nhiệm ấy thuộc về tôi. Họ được chọn ra từ phiếu tín nhiệm của đại biểu toàn quốc. Nhà văn thông thường rất vui tính, lãng mạn nhưng khi chọn ra người đại diện cho mình, họ sẽ rất khó tính đấy! Cá nhân tôi nhìn thấy ở họ những gương mặt khả ái, những đồng sự từng làm việc với nhau.
- Ở vai trò Chủ tịch, ông làm sao để dung hòa nhiều cá tính mạnh, khác nhau của các hội viên?
Tôi sẽ tìm ra con đường chung cho tất cả cá tính của mọi người, giống như một cánh đồng màu mỡ có ngô, khoai, lúa và nhiều hoa màu khác vậy! Dĩ nhiên, cá tính của mỗi nhà văn phải hướng đến sự thiện lành, giúp con người san sẻ bớt khổ đau, bất công và mang đến họ giấc mơ. Mỗi nhà văn sẽ có phương cách riêng, đó cũng là đặc tính của văn học. Khi chúng ta đã chọn được “con đường lớn”, cá tính của các nhà văn lại là điều hay để mang đến phong cách riêng biệt trong sáng tạo nghệ thuật.
Kết nạp thành viên hội còn lỏng lẻo là một sai lầm đáng yêu
- Vấn đề kinh phí duy trì Hội thì thế nào, thưa ông?
Tôi có quan hệ với không ít doanh nghiệp sẵn sàng đóng góp cho nền văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, vấn đề chúng ta có tạo được sự tin tưởng cho xã hội và người dân hay không? Kinh phí của Đảng và Nhà nước cho Hội đã hết sức, không thể đòi hỏi thêm được nữa. Song Hội cũng cần mở rộng hoạt động như dịch thuật, truyền bá văn học ra nước ngoài, thúc đẩy văn học trẻ và thiếu nhi…
Tuổi 63, tôi đã kết thúc sự sáng tạo của mình, không còn khả năng tạo ra đột phá nhưng còn bao nhiêu người trẻ đang và sẽ là nhân tố chính của nền văn học Việt Nam trong 10 – 20 năm nữa. Việc xã hội hóa là rất quan trọng! Tôi sẽ ra sức kêu gọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có khả năng cùng đồng hành với Hội để thực hiện các mục tiêu lớn.
- Ông nói cụ thể hơn về vấn đề phát triển văn học thiếu nhi?
Chúng tôi sẽ đẩy mạnh Ban Văn học thiếu nhi, xin phép thành lập Quỹ Văn học thiếu nhi, đánh thức người trẻ lẫn cây bút lớn tuổi viết về thiếu nhi. Chúng ta có nhiều sách thiếu nhi tốt nhưng lại là sách dịch. Tôi muốn những đứa trẻ lớn lên trong nền văn hóa của chính chúng. Tôi đang cân nhắc việc đặt giải thưởng riêng cho Văn học thiếu nhi và Văn học trẻ đầu tay.
- Việc kết nạp thành viên của Hội đang có phần lỏng lẻo, thưa ông?
Tôi khẳng định có sự lỏng lẻo như bạn nói, nhất là khi việc kết nạp đánh vào tình cảm của hội đồng. Việc kết nạp một ai đó mà xã hội và các đồng nghiệp chưa thấy thỏa đáng là một sai lầm đáng yêu. Tôi chưa bao giờ thấy các nhà văn muốn trở thành thành viên của Hội như vậy. Chúng tôi chắc chắn chọn lựa và giới thiệu cho xã hội những cây bút tốt nhất, đặc biệt là cây bút trẻ.
- Theo ông, làm sao để nâng cao chất lượng sáng tác và đời sống hội viên?
Sáng tác là thách thức lớn nhất của tự mỗi nhà văn, BCH không thể thò tay vào không gian riêng họ. Việc của chúng tôi là ứng xử công bằng với hội viên, đánh giá đúng mực tác phẩm và đánh thức tiềm năng kỳ diệu trong họ.
Nhà thơ Hữu Thỉnh đã tạo ra "vùng riêng" cho Hội
- Sự kiện bán bản quyền tác phẩm của hơn 100 nhà văn trong 1 năm với giá vỏn vẹn 50 triệu từng gây bức xúc làng văn, ông có đề xuất gì?
Bản quyền tác phẩm thuộc về Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam – nơi ít người, thiếu kinh phí, chuyên môn chưa cao. Vừa qua, có một số trung tâm bản quyền kỹ thuật số đã đến làm việc với tôi. Chúng tôi đang cân nhắc rằng Hội có thể không cần một trung tâm bản quyền riêng mà sẽ liên kết với các trung tâm bản quyền đủ kỹ thuật, tiềm năng và hiểu biết pháp luật. Chúng tôi sẽ bảo vệ bằng được bản quyền tác phẩm của các hội viên.
- Có ý kiến cho rằng các nhà văn còn e sợ khi viết về vấn đề tiêu cực trong xã hội như chống tham nhũng, ông nghĩ sao?
Vẫn có những tác phẩm như bạn nói nhưng chưa kịp ra mắt trong thời gian này. Chúng tôi đang nỗ lực làm việc với các cơ quan có liên quan để cùng thấu hiểu hơn rằng đó không phải là tác phẩm “vạch áo cho người xem lưng” mà là sự lý giải các vấn đề về tham nhũng, tội phạm, đạo đức con người đang xuống cấp… từ đó cảnh báo các nhà quản lý tốt hơn.
Nhà thơ Hữu Thỉnh tiếp tục cố vấn cho BCH. |
- Ông nhìn nhận thế nào về 20 năm đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội của nhà thơ Hữu Thỉnh?
Ông Hữu Thịnh đã tạo ra một “vùng riêng” của Hội trong 20 năm ấy theo cách riêng của mình. Điều ấy tuyệt vời nhưng cũng khó khăn để thay đổi những khía cạnh cố hữu. Chẳng hạn sắp tới, chúng tôi sẽ sâu sát với hội viên, cùng nhau chia sẻ khó khăn để tránh tạo sự khó thấu hiểu nhau, thậm chí phản cảm.
Trong gia đình tôi, khoảng cách thế hệ vẫn tồn tại, huống chi hội viên trên 65 tuổi chiếm hơn 70%. Thách thức của chúng tôi là tạo sự gắn kết để cùng nhau thực hiện mục tiêu chung. Chúng tôi mời nhà thơ Hữu Thỉnh làm cố vấn vì biết đâu có những điều chúng tôi chưa nhìn thấy. Và chúng tôi giải quyết bằng phương cách, tinh thần của thế hệ mới.
- Vừa là Chủ tịch Hội Nhà văn lại kiêm Giám đốc NXB Hội Nhà văn, liệu đây có phải là gánh nặng của ông?
Tôi đang đảm nhiệm vị trí ấy tạm thời, chắc chắn sẽ có một tân giám đốc – Tổng biên tập NXB Hội Nhà văn mới. Người ấy có thể là một ủy viên BCH hoặc một người có năng lực quản lý của ngành xuất bản.
- Việc sáng tác của ông sẽ thế nào?
Thực trạng ấy đe dọa mọi người chứ không chỉ tôi. Song tôi có bí quyết để sáng tạo! Sắp tới, tôi sẽ có cuộc triển lãm 60 bức tranh lớn, viết cuốn thứ 2 về Mem và Kya, ra 2 tập thơ mới và bắt tay viết kịch bản phim truyện Thành Cổ Loa. Tôi biết cách “phân thân” để làm việc nhưng dĩ nhiên sẽ không dễ dàng như trước.
Thanh Tùng - Mỹ Niệm (ghi)
Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Hãy đặt cược lòng tin vào chúng tôi!
Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch mới của Hội nhà Văn Việt Nam nói sứ mệnh của BCH mới thật vinh quang, niềm hạnh phúc lớn lao nhưng trách nhiệm vô cùng nặng nề.