Sự hư hỏng, mất nết của số ít nhà báo

Bà Hồ Thị Thương, Giám đốc một DN tại TP Đà Lạt cho biết, sau khi công ty của bà bị báo chí phản ánh tình trạng xây dựng một số công trình không phép, lấn chiếm hành lang bảo vệ lòng hồ Tuyền Lâm, bà liên tục nhận được điện thoại của một người nam xưng là “phóng viên Báo CAND” gọi thuyết phục làm quảng cáo để “xua đi tiêu cực”. 

Người này đưa ra mức giá là 30 triệu đồng/bài với nội dung đánh bóng tên tuổi của công ty. Sau khi các bên đạt được thỏa thuận về giá cả, nội dung bài viết, phía DN phải chuyển tiền vào tài khoản cho đối tượng này. Sợ bị lừa, lại không có nhu cầu làm quảng cáo nên bà Thương đã quyết định từ chối.

Tuy nhiên, người này, những ngày sau đó vẫn liên tục gọi điện thuyết phục bà Thương làm quảng cáo. “Tôi chưa thấy ai như anh ấy. Có ngày gọi cho tôi tới cả hơn 30 cuộc điện thoại. 

Tương tự, ông Nguyễn Văn Hưng, chủ một DN nhỏ tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) cho biết, ông luôn bị những người xưng là “phóng viên” gọi điện tới đề nghị hợp tác làm tuyên truyền, quảng cáo. 

Cuối năm 2017, vì liên tục bị một người đàn ông xưng là “phóng viên báo Công an” gọi điện vận động, vì cả nể và muốn cho qua chuyện, không bị làm phiền, ông Hưng đã chấp nhận “hợp đồng miệng” với người này để đăng bài với giá 30 triệu đồng. Tuy nhiên, khi ông Hưng chuyển tiền vào tài khoản cho đối tượng thì cũng từ đó điện thoại của người này không liên lạc được nữa. Lúc này ông Hưng mới biết mình đã bị lừa. 

Theo ông Hưng, hằng năm ông luôn nhận được hàng chục cuộc điện thoại của những người tự xưng là phóng viên, đề nghị hợp tác tuyên truyền quảng cáo. Do đã một lần bị lừa nên ông Hưng đều kiên quyết từ chối lời mời của những đối tượng này. Sau khi bị từ chối, nhiều đối tượng lại chuyển sang gọi điện hoặc nhắn tin hù dọa doanh nghiệp của ông.

{keywords}
Sự hư hỏng, mất nết của số ít nhà báo, đã làm ảnh hưởng đến những nhà báo tốt, làm suy giảm lòng tin của công chúng với nhà báo.

Trước hết nhà báo phải là công dân mẫu mực

Liên quan tới đạo đức, tác phong của người làm báo như tham gia “đánh đấm”, viết nên những bài báo “sặc mùi” tiền hay như giới báo chí vẫn thường gọi “nhà báo đếm tầng”, “đội IS”… nhà báo Nguyễn Uyển, nguyên Trưởng ban Công tác Hội - Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, đó là hiện tượng, nhưng là sự thật đã và đang diễn ra ở mọi miền vùng.

“Đó là sự hư hỏng, mất nết của số ít (cho dù rất ít) nhà báo, đã làm ảnh hưởng đến những nhà báo tốt, làm suy giảm lòng tin của công chúng với nhà báo”, ông Uyển nhấn mạnh.  

Nhà nước ta luôn chủ trương chống lại những hành vi tiêu cực trong xã hội, với nhà báo trước tiên cũng phải chống tiêu cực trong bản thân mình. Phanh phui, lên án trên công luận về thói hư, tật xấu, vi phạm pháp luật... để xây dựng con người mới, xã hội tốt đẹp là trách nhiệm xã hội, là nghĩa vụ công dân cao cả của mỗi nhà báo và nền báo chí Việt Nam nói chung.

Báo chí là tổ chức chính trị, nhà báo là công dân, cho nên trước hết nhà báo phải là công dân mẫu mực, phải có đạo đức xã hội và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo cách mạng. Bởi vậy, giáo dục đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp không chỉ là trách nhiệm của Hội Nhà báo mà còn là trách nhiệm thiết thân của Ban biên tập các tòa soạn với những người làm báo của mình. Có vậy uy quyền của tờ báo trước công chúng mới được đề cao.

Hội nhập là một xu thế tất yếu của thời đại. Hội nhập nhưng bản sắc tốt đẹp của dân tộc phải được tôn tạo, bồi đắp. Muốn tâm trong, đức sáng thì nhà báo phải luôn tự rèn mình. Mỗi nhà báo phải nhận rõ và làm chủ cái tâm của mình, để tự rèn luyện tình cảm và ý thức của mình luôn hướng về cái hay, cái tốt đẹp. Đi theo cái hay, cái tốt, cái thiện là tâm sáng, lòng trong.

Báo chí cách mạng không có quyền lực gì ngoài quyền lực phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Nhà báo Nguyễn Xuân Lương – Vụ trưởng, nguyên Chánh Văn phòng và Trưởng ban Quốc tế của Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, nghề báo là một sứ mệnh, sứ mệnh chiến đấu vô cùng vẻ vang. Nền báo chí cách mạng Việt Nam là nền báo chí giàu sức chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại, vì lợi ích của đất nước, dân tộc và lợi ích của nhân dân.

Sứ mệnh đó đặt lên vai đội ngũ những người làm báo cách mạng, nếu xa rời nó, đi chệch hướng, chạy theo đồng tiền và những quyền lợi vị kỷ, người làm báo đã tự đánh mất sứ mệnh vinh quang của mình, sứ mệnh của nền báo chí cách mạng, do Bác Hồ sáng lập và rèn luyện, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước.

Chúng ta phải học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Luôn luôn nêu gương về đạo đức, nói đi đôi với làm; xây đi đôi với chống. Chỉ như thế mới mong “mắt sáng, bút sắc, lòng trong”. Chỉ như thế mới mong báo chí được bạn đọc tin và yêu mến. 

Tiếp đó, cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, trước hết là các Tổng Biên tập phải nêu gương sáng về đạo đức nghề nghiệp, kiên quyết xử lý, loại khỏi đội ngũ những người làm báo “tầm thường”  lười học tập, viết báo qua loa, coi nghề báo chỉ là cái cần câu vụ lợi và kiếm chác…

Trách nhiệm của báo chí nói chung là thông tin phải nhanh, nhạy, kịp thời và chính xác. Như bạn nêu vấn đề là phải đảm bảo “sự thật” là cốt lõi. Đương nhiên cốt lõi của tác phẩm báo chí là nội dung. Nhưng cốt lõi nội dung của tác phẩm báo chí cũng chính là “sự thật”; trong mối quan hệ chằng chịt, sự thật xây đắp lòng tin và niềm tin cho công chúng.

Kém sự thật, sai lệch sự thật, hoặc không đúng sự thật sẽ gây giảm lòng tin, thậm chí mất hết lòng tin. Mà mất lòng tin là mất tất cả. Danh dự nhà báo và uy quyền của tờ báo, theo đó cũng giảm đi, thậm chí suy tàn.

Hồng Thúy