“Nghe sóng vỗ mênh mang khi triều lên/Ta bám biển, ta bám tàu... Ơi cô gái lái xe trên cảng/Xe em bon nhanh và tóc em bay trên sóng biển quê hương...”. Hơn 40 năm qua, bài hát Bến cảng quê hương tôi vẫn đều đặn được duy trì và lan tỏa qua mọi thế hệ từ trẻ tới già, trong khi tác giả của nó - nhạc sĩ Hồ Bắc - vẫn sống khá lặng lẽ so với những gì âm nhạc mang lại cho ông.
Nhạc sĩ Doãn Nho: Đừng lãnh cảm với xã hội
Nghe “Sáng mãi tên anh…” nhớ Nhạc sĩ Vũ Thanh
Không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh lịch sử
Nghệ thuật cần những trái tim lớn
Không một lần nhắc tới hai chữ “Hải Phòng”, vậy nhưng ca khúc của nhạc sĩ Hồ Bắc vẫn mặc định đi vào trong tâm trí người nghe như một tác phẩm âm nhạc điển hình về thành phố cảng.
Sự mặc định ấy không chỉ đến từ hoàn cảnh sáng tác hay bức tranh đậm màu “Hải Phòng” được dựng lên trong bài hát. Xa hơn, Bến cảng quê hương tôi có những thính giả đầu tiên là công nhân Hải Phòng, từ sự hào hứng đón nhận của những người dân đất cảng mà ngân nga đến với mọi miền đất khác với những câu hát “Khi xuân sang trên bến cảng/Đàn hải âu tung cánh bay rợp trời/Cảng của ta vui đón bao chuyến hàng. Những chuyến hàng bè bạn từ xa xôi” .
Cảm xúc từ mái tóc bồng bềnh trong gió biển...
Đó là vào giữa năm 1970, khi VOSCO (Công ty Vận tải biển Việt Nam) được thành lập tại Hải Phòng. Nhạc sĩ Hồ Bắc - vốn có mối giao tình với nhiều cơ quan của thành phố cảng - được mời xuống sáng tác một ca khúc về sự kiện này.
Nhạc sĩ Hồ Bắc
Bên cạnh những chuyến đi thực tế, vị nhạc sĩ 40 tuổi đang được biết đến rất nhiều sau những ca khúc Làng tôi, Bên kia sông Đuống, Sài Gòn quật khởi... cũng bỏ kha khá thời gian để trò chuyện với các công nhân cảng và thuyền viên. Phần lớn trong số họ đều là thanh niên hoặc đang là học sinh, sinh viên của các trường trung cấp và Đại học Hàng hải Hải Phòng...
Thực ra, trong 5 năm trước khi được sáp nhập thành VOSCO, các đội tàu của Hải Phòng đã trở thành tâm điểm ca ngợi của nhân dân miền Bắc với những chiến công đưa tàu vượt qua thủy lôi phong tỏa ở cửa biển để mang hàng tiếp phẩm. Bởi thế, nhạc sĩ Hồ Bắc đã mất khá nhiều thời gian để tìm ra một góc nhìn riêng trong ca khúc này. So với thời điểm những năm đầu tiên của thập niên 1970, ý tưởng của ông có thể coi là khá tươi mới: tôn vinh vẻ đẹp và sự nhiệt huyết của người thanh niên, không phải trong chiến đấu hay lao động sản xuất, mà trong giai đoạn đất nước chớm bước vào thời kỳ công nghiệp hóa.
Nói thì dễ, nhưng bắt tay thực hiện mới khó - nhạc sĩ Hồ Bắc kể - để “dựng” được bài hát, tôi cần có một hình ảnh đẹp để gợi cảm xúc thực sự cho người nghe. Rồi một buổi chiều, lang thang trên cầu cảng, tôi bất chợt nhìn thấy mấy cô thanh niên đang đội chiếc mũ nhựa tròn của công nhân.
Mũ nhựa, giày vải, áo công nhân bạc màu nhưng mái tóc của họ vẫn xõa dài dưới vành mũ và bồng bềnh cuộn lên theo từng cơn gió biển. Vẻ đẹp mềm mại và nữ tính ấy lập tức đi vào tâm trí tôi, như chiếc chìa khóa để mở ra cảm hứng sáng tác cho mình...
Bến cảng quê hương tôi
được nhạc sĩ Hồ Bắc viết rất nhanh, chỉ trong hai ngày. Giữa nhịp điệu
giục giã, gấp gáp của một ca khúc về người công nhân lao động, hình ảnh
đầy chất thơ mà ông bắt gặp xuất hiện như một nét điểm xuyết lãng mạn
ngọt ngào: “Ơi cô gái lái xe trên cảng/Xe em bon nhanh và tóc em bay
trên sóng biển quê hương/Anh công nhân bốc xếp đã mang bao tấn thép/Như
dũng sĩ biển Đông vai sắt chân đồng...”. Ngay lần biểu diễn đầu tiên, Bến cảng quê hương tôi lập tức được những người công nhân Cảng Hải Phòng đón nhận đầy hứng khởi.
Rất nhanh, chỉ trong vài ngày, những câu hát ấy liên tục ngân nga trên đôi môi của những người lao động, những công dân thành phố cảng trước khi đến với những mảnh đất khác trên miền Bắc...
Bến cảng quê hương tôi thăng hoa cùng Thúy Hà
Nhạc sĩ Hồ Bắc hiện giờ đã ở tuổi 81. Ký ức của người già không cho phép ông nhớ nhiều về những kỷ niệm đẹp mà Bến cảng quê hương tôi mang tới cho mình. Chỉ biết, đó là 1 trong 5 ca khúc được liệt kê trong thành tích giúp ông nhận Giải thưởng Nhà nước năm 2001 (cùng với Làng tôi, Sài Gòn quật khởi, Giữ mãi tuổi xuân và Hợp xướng ca ngợi tổ quốc).
Và một câu chuyện khác, khi Bến cảng quê hương tôi ra đời, Bí thư Thành ủy Hải Phòng khi đó - ông Hoàng Hữu Nhân - người có tiếng là “chịu chơi” với văn nghệ sĩ, đã gửi thư tay cám ơn nhạc sĩ Hồ Bắc và mời ông tới nhà dùng cơm khi có dịp.
“Nhiều thế hệ ca sĩ từng hát Bến cảng quê hương tôi nhưng với tôi, thành công nhất vẫn là NSƯT Thúy Hà của đoàn Văn công Quân đội. Hà có chất giọng vang và trong, có sự biểu cảm gần như thiên phú để phù hợp với bài hát này. Bởi thế, trong suốt bao nhiêu năm, Bến cảng quê hương tôi theo Thúy Hà vang lên ở hầu hết các sân khấu âm nhạc phía Bắc.
"Bây giờ, Hà cũng 60 tuổi rồi, tôi thì sức khỏe yếu nên chưa có dịp tới thăm cô", nhạc sĩ Hồ Bắc nhận xét.
Quê Bắc Ninh, trưởng thành từ một cán bộ văn nghệ của Sư đoàn 316 rồi về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam cho tới khi về hưu, nhạc sĩ Hồ Bắc kể rằng mình trưởng thành và đến với âm nhạc bằng con đường tự học.
Cách mạng là nơi ông tìm thấy ý nghĩa cuộc sống của mình, bởi thế cũng như Bến cảng quê hương tôi, dù là trực tiếp hay gián tiếp, hàng chục ca khúc của Hồ Bắc trong đời sáng tác đều gắn liền với đề tài này.
Theo Sơn Tùng (Thể thao Văn hóa)