- Nhạc trưởng Lê Phi Phi và dàn nhạc giao hưởng Việt Nam đã có những buổi tập ráo riết chuẩn bị cho hòa nhạc Điều còn mãi 2012.

BÀI LIÊN QUAN

Lê Phi Phi hy vọng, "Điều còn mãi" sẽ mang họ ra "ánh sáng"
"Tôi ngạc nhiên vì cái gọi là người nổi tiếng ở VN"

Đăng Dương: "Sao" nhạc đỏ kiếm đâu cát xê trăm triệu!

Thanh Lam: Mr Đàm, Hà Hồ sẽ "dạy" bằng gì?

Pianist Tuấn Nam: Biến jazz thành gia vị lạ miệng

Phạm Duy: Âm nhạc, nhục tình và sự chết

Khi phóng viên có mặt tại phòng tập luyện của dàn nhạc thì tác phẩm Hương Xưa, Thăng Long đã hoàn thành. Một buổi chiều nóng nực, các nhạc công tiếp tục "cày xới" tác phẩm Vàng Son - một tác phẩm mới được biểu diễn trong ngày 2/9 tới.


Một nhạc công violin giấu tên cho biết: "Dàn nhạc vẫn đang tập luyện ráo riết cả sáng và chiều cho đến ngày biểu diễn. Các tác phẩm khí nhạc như Scherzo (cho Piano) của tác giả Nguyễn Văn Nam hay "Tiếng sáo quê hương" (viết cho Flute & Dàn nhạc giao hưởng) của Văn Chung vốn đã là những tác phẩm kinh điển và quen thuộc, bên cạnh đó, năm nay cũng có một số tác phẩm mới".

Khi được hỏi anh có thấy các tác phẩm năm nay khó chơi? Nhạc công trả lời: "Các tác phẩm trong chương trình có độ khó vừa phải", một nhạc công flute khác thì nói: "Với giao hưởng Vàng Son, lúc đầu chưa quen với tác phẩm thì lạ lẫm nhưng sau khi đã chơi nhuần nhuyễn thì thấy tác phẩm hay hơn, gần gũi hơn".

Quan sát nhạc trưởng Lê Phi Phi bắt đầu "vỡ bài" Vàng Son mới thấy hết sự thú vị và khó khăn của công việc.

Ông trông trẻ trung hơn và tràn đầy năng lượng khi dẫn dắt dàn nhạc đi từng bước "khai hoang" một tác phẩm âm nhạc. Ông liên tục nhắc nhở các nhạc công không được kéo giãn các tiết tấu, kéo giãn các đoạn nghỉ quá dài. Ông đọc nhịp và đếm nhịp, liên tục yêu cầu dàn nhạc phải biết phân tích tác phẩm khi chơi. Và ông làm điều này rất kĩ.

Chương 3 của giao hưởng Vàng Son dành nhiều đất cho sự phô diễn của bộ gõ và bộ hơi. Đây là một bản giao hưởng không dễ, phần khó nhất của nó là đòi hỏi thể hiện sự đồng nhất trong sự khác biệt: sự khác biệt của dàn dây, bộ gõ; sự khác biệt của các đoạn tiết tấu ngắn được thay đổi để tạo nên những điệu chèo lả lơi, "nhấm nhẳng" mà tinh tế. Nét giai điệu này rất mềm mại, không khó để xử lý solo nhưng hoàn toàn không đơn giản khi nhiều nhạc cụ cùng chơi một lúc. Nhạc trưởng vất vả nhất với điều này.

Từng trích đoạn được bóc tách, được chơi riêng lẻ từng bè và học cách kết hợp chúng lại với nhau, để đạt tới giá trị mà người sáng tạo đã hình dung.

Dàn nhạc giao hưởng VN càng chơi càng tự tin, mạnh mẽ và dứt khoát với những giai điệu mềm mại, hào hùng, thoải mái với những biến tấu trong tác phẩm. Sự thay đổi về nét giai điệu có rất nhiều, như vậy nó càng đòi hỏi sự tự khẳng định, khả năng ứng phó và đương đầu ngang sức của dàn nhạc.


Tác phẩm được "vỡ bài"


Sau gần 1 tiếng tập luyện


Các khán giả yêu mến hòa nhạc "Điều còn mãi" và các tác phẩm khí nhạc Việt Nam sẽ thấy sự khác biệt giữa bản "vỡ bài" và kết quả sau quá trình tập luyện của nhạc trưởng Lê Phi Phi và dàn nhạc vào ngày 2/9 tới, tại Nhà hát lớn Hà Nội.




Nhạc trưởng Lê Phi Phi đang tập luyện cùng các nhạc công dàn nhạc giao hưởng Việt Nam

Hòa nhạc VietNamNet "Điều còn mãi" sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 vào lúc 14h00 ngày 2/9/2012. “Điều còn mãi” được tài trợ bởi Ngân hàng thương mại thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam Eximbank (Nhà tài trợ Vàng), tập đoàn Vingroup (Nhà tài trợ Bạc), Tổng Công ty  cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn Sabeco (Nhà tài trợ Đồng) và công ty Cổ phần Truyền thông VMG (Đồng tài trợ).



Vân Sam

Ảnh: Angellittlefire