Trong tình hình dịch bệnh Covid – 19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, các hình thức mua bán hàng hóa online đang trở nên phổ biến và phát huy được hiệu quả rất lớn trong việc hạn chế đi lại, tiếp xúc, tụ tập đông người. Tuy nhiên, hình thức mua bán này cũng tiền ẩn nhiều kẽ hở và rủi ro rất lớn cho người tiêu dùng. Nhiều đối tượng đã lợi dụng việc mua bán hàng hóa online để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người mua hàng như: Quảng cáo hàng giá rẻ, yêu cầu người mua phải đặt cọc trước nhưng không giao hàng và chiếm đoạt tiền đặt cọc; hoặc đánh cắp thông tin khách hàng của các website bán hàng trực tuyến, rồi lừa đảo chiếm đoạt tiền của họ...
Nghi phạm Lê Thị Liên (bìa trái) tại cơ quan điều tra |
Người tiêu dùng phải biết tự bảo vệ mình
Nhận định về các hành vi này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, đây đều là các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với phương thức, thủ đoạn hoạt động rất tinh vi. Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online; phân tán hàng hóa nhiều nơi; bán hàng qua cộng tác viên; thanh toán qua đơn vị trung gian, khó xác minh đối tượng bán. Ngoài ra, các website và mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng và khó kiểm soát; khiến người tiêu dùng (NTD) khó nhận biết. Trước thực tế đó, ông Hùng cho rằng, người tiêu dùng cần thận trọng khi mua hàng online.
“Theo Điều 67, Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ, về thương mại điện tử (TMĐT), quy định: Bộ Công Thương công bố công khai trên cổng thông tin Quản lý hoạt động TMĐT danh sách các website TMĐT có vi phạm quy định của pháp luật và danh sách các website TMĐT bị phản ánh về việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Qua thông tin này, giúp NTD tránh việc giao dịch mua hàng trên những website này”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. |
Cùng với đó, ông Hùng thông tin thêm từ Cổng thông tin TMĐT Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cập nhật tình hình thực hiện yêu cầu tăng cường các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 và công tác rà soát các sản phẩm hàng hóa phục vụ phòng dịch của các Sàn TMĐT; các Sàn TMĐT đã hỗ trợ ưu tiên hiển thị các sản phẩm phòng dịch và nhu yếu phẩm để người dân dễ tiếp cận và mua sắm; thường xuyên kiểm tra, rà soát việc niêm yết giá nhằm ngăn chặn, loại bỏ các sản phẩm, gian hàng vi phạm và các hành vi gian lận như nâng giá bán, nâng giá vận chuyển,…; thông báo công khai để người bán, người mua được biết về các biện pháp xử lý và chế tài cụ thể đối với các hành vi vi phạm.
Ông Hùng cho rằng, bên cạnh hành lang pháp lý, chế tài xử phạt, để quản lý tốt hơn các trang mạng bán hàng trên mạng, cần tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và kịp thời xử phạt các hành vi vi phạm. Cùng với đó, theo ông Hùng, NTD cần nắm chắc thông tin về người bán hàng online trước khi quyết định mua và chuyển tiền thanh toán. Vì trên thực tế, có NTD đã thanh toán nhưng không nhận được hàng. Nêu một ví dụ thực tế, ông Hùng chia sẻ, một NTD ở Hà Nội khiếu nại đến Hội việc đặt mua quạt cây qua website, tiền đã bị trừ trong thẻ tín dụng, nhưng không nhận được hàng. Hội vào cuộc, công ty mới giao cho khách hàng một chiếc quạt cây có chất lượng và giá trị tương đương.
Lừa đảo trên 500 triệu đồng có thể bị kết án 20 năm tù
Dưới góc độ pháp luật, luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó giám đốc Công ty Luật TNHH TGS – Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội- cho rằng, các hành vi lừa đảo bán online như trên có đủ yếu tố cấu thành tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và có thể bị khởi tố hình sự nếu giá trị lừa đảo đủ lớn theo quy định của pháp luật.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó giám đốc Công ty Luật TNHH TGS |
Theo đó, quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ thì hành vi “dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác” sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Nếu số tiền chiếm đoạt trị giá từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp như: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ”, thì người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 (“Bộ luật hình sự”).
Như vậy, theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự thì số tiền bị chiếm đoạt có giá trị càng lớn, thì người phạm tội sẽ càng phải chịu những hình phạt nghiêm khắc hơn. Nếu số tiền bị chiếm đoạt là dưới 50 triệu đồng thì người phạm tội sẽ bị áp dụng khung hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 2-7 năm; còn từ 200 triệu đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì khung hình phạt là phạt tù từ 7-15 năm; và từ 500.000.000 đồng trở lên thì mức hình phạt là phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân.
Tuy nhiên, ngoài giá trị số tiền chiếm đoạt thì còn có nhiều tình tiết khác (có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; dùng thủ đoạn xảo quyệt;.v.v…) cũng được quy định là các tình tiết tăng nặng, là căn cứ để xác định khung hình phạt cho người phạm tội. Đặc biệt, tại Điểm c Khoản 3 Điều 174 Bộ luật hình sự có quy định “lợi dụng thiên tai, dịch bệnh” là tình tiết định khung tăng nặng, với mức hình phạt áp dụng là phạt tù từ 7 đến 15 năm.
Luật sư Hùng chia sẻ thêm, theo quy định tại Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 thì người tiêu dùng có quyền “khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan”./.
Theo Báo điện tử VOV