Chiêu lừa tinh vi

Thời gian qua, nhiều ngân hàng liên tục phát đi các cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng nhưng con số nạn nhân vẫn không ngừng tăng. Nguyên nhân chính là do khách hàng thiếu cảnh giác, cộng với thủ đoạn của bọn tội phạm ngày càng tinh vi.

{keywords}
Nhận một cú điện thoại lạ, khách mất oan hàng trăm triệu đồng. Ảnh minh họa

Chị A. (Hà Nội) là một trường hợp điển hình.

Chị cho biết, ngày 16/7, chị nhận được một cuộc gọi từ số điện thoại lạ, phía đầu dây bên kia tự xưng là bộ phận kỹ thuật của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Người này cho hay sẽ giúp chị hoàn lại khoản tiền đã chuyển khoản nhầm hôm trước để chị đỡ công phải đi lại ra văn phòng giao dịch.

Vì  bận hướng dẫn người giúp việc theo giờ vừa tới nhà, vừa hỗ trợ đội ngũ, xử lý công việc cho khách hàng nên chị không hề cảnh giác.

Ngay sau đó, chị nhận được tin nhắn toàn bộ số tiền 108 triệu đồng trong thẻ đã không cánh mà bay.

Sau khi chị bị lừa rút sạch tiền trong tài khoản, tiếp tục một người xưng là người của BIDV lại nhắn tin trên ứng dụng Zalo cho chị để hỗ trợ cấp mật khẩu mới. Nhưng lần này, chị đã tỉnh táo, cảnh giác hơn và nhận ra đây chính là kẻ lừa đảo.

Đai diện ngân hàng này cho biết, khi gặp phải tình huống lừa đảo như trên, khách hàng cần liên hệ ngay đến bộ phận chăm sóc khách hàng của ngân hàng để được hỗ trợ, làm thủ tục báo bị lừa, báo mất tiền để phong tỏa tài khoản kịp thời, đồng thời trình báo sự việc cho cơ quan công an để vào cuộc xác minh. 

Khách hàng cần làm gì?

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Công văn 4893 gửi các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cảnh báo một số hiện tượng liên quan đến vấn đề an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán thời gian gần đây.

Theo đó, thị trường xuất hiện việc đối tượng mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện cho khách hàng với lý do hỗ trợ kiểm tra số dư và giao dịch của khách hàng.

Sau khi đọc tên khách hàng và 6 số đầu tiên của thẻ ghi nợ nội địa, kẻ gian yêu cầu khách đọc nốt dãy số còn lại trên thẻ để xác nhận chủ thẻ; thông báo ngân hàng sẽ gửi tin nhắn và yêu cầu khách đọc 6 số trong tin nhắn (thực chất là mã OTP để giao dịch thanh toán trực tuyến). Khách hàng làm theo yêu cầu của kẻ gian sẽ bị mất tiền trong tài khoản thẻ.

Một thủ đoạn khác được nêu là đối tượng chuyển một khoản tiền nhỏ vào tài khoản của khách hàng sau đó mạo danh ngân hàng gọi điện thoại hoặc gửi tin nhắn (hiển thị tên thương hiệu ngân hàng) cho khách hàng thông báo giao dịch chuyền tiền bị treo và yêu cầu khách hàng truy cập vào đường dẫn internet (đường link) trong tin nhắn để tra soát giao dịch, xác nhận thông tin, mở khóa lệnh chuyển tiền...

Việc này nhằm lừa đảo khách hàng cung cấp thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử (như tên truy cập, mật khẩu, OTP), sau đó kẻ gian chiếm quyền kiểm soát tài khoản của khách hàng.

Đề đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chủ động nắm bắt, cập nhật các phương thức, thủ đoạn tội phạm nêu trên.

Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng giao dịch tài chính an toàn; kịp thời cảnh bảo rủi ro trên các kênh thông tin liên quan nhằm giúp khách hàng nâng cao nhận thức về rủi ro, cảnh giác trước những thủ đoạn tội phạm mới và thực hiện giao dịch tài chính an toàn, đảm bảo an toàn tiền và tài sản của khách hàng.

Theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an, lĩnh vực tài chính ngân hàng trong thời gian qua còn tồn tại nhiều lỗ hổng bảo mật, chưa khắc phục và chưa giải quyết kịp thời.

 Để ngăn ngừa các hoạt động tội phạm tinh vi này, các ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán một mặt đầu tư mạnh mẽ các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, mặt khác cũng rất cần nâng cao cảnh giác, nâng cao hiểu biết từ phía khách hàng về bảo mật thông tin.

Hạ Vy