Phòng, chống mua bán người là một nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ quyền con người và duy trì an ninh, trật tự xã hội. Đây là một nhiệm vụ phức tạp và đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội và cộng đồng.
Theo đó, cần tuyên truyền để người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, thận trọng trước những thủ đoạn của các đối tượng rủ rê đi làm thuê việc nhẹ lương cao, dụ dỗ lấy chồng nước ngoài có cuộc sống sung sướng. Thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các thành viên trong gia đình, nhất là trẻ em vì đây là đối tượng dễ bị rủ rê, lừa gạt nhằm mục đích mua bán người. Quản lý con em sử dụng Internet, mạng xã hội nhằm phòng ngừa việc con em bị dụ dỗ, lừa gạt mua bán thông qua mạng xã hội.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình tội phạm mua bán người trên cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn mới ngày càng tinh vi, đa dạng hơn. Đáng chú ý, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em gái.
Trước tình hình đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đang phối hợp với các đơn vị, địa phương xây dựng và duy trì các câu lạc bộ, mô hình truyền thông cộng đồng tại các thôn, bản, các trường học ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như: Ngôi nhà Bình yên; Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc; Lên tiếng bảo vệ phụ nữ, trẻ em; Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi; Tổ truyền thông cộng đồng.
Mục tiêu đến năm 2025 sẽ thành lập, duy trì hoạt động hiệu quả 380 Tổ truyền thông cộng đồng và 74 Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân trong phòng chống tội phạm, phòng chống mua bán người, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và phát triển, Giám đốc Trung tâm trợ giúp xã hội - Ngôi nhà Bình yên, cho biết, mô hình Ngôi nhà Bình yên ra đời năm 2007.
Từ nhu cầu thực tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã chỉ đạo thành lập mô hình Ngôi nhà Bình yên (gồm 02 nhà) hỗ trợ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình, xâm hại tình dục và mua bán trở về tại Hà Nội. Đến năm 2018, Ngôi nhà Bình yên đã được nhân rộng tại thành phố Cần Thơ và sắp tới sẽ nhân rộng tại Quảng Bình.
Đến nay, Ngôi nhà Bình yên đã tiếp nhận và hỗ trợ 1.704 phụ nữ và trẻ em đến từ 56 tỉnh/thành phố và 17 vùng dân tộc thiểu số. Riêng với nạn nhân bị mua bán trở về, tính đến tháng 4/2024, tiếp nhận hỗ trợ 457 người tạm trú là nạn nhân của mua bán trở về với 298 phụ nữ và 159 trẻ em. Phần lớn các trường hợp trên bị bóc lột lâu dài với nhiều hình thức trong quá trình mua bán, bị ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng.
100% nạn nhân đến với Ngôi nhà Bình yên đều được hỗ trợ tham vấn tâm lý xã hội; 100% nạn nhân khi tạm lánh tại Ngôi nhà Bình yên được hỗ trợ khám, xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và thăm khám, điều trị các hậu quả để lại trong quá trình bị mua bán. Đồng thời được tư vấn, hỗ trợ pháp lý trong quá trình điều tra, xét xử các vụ án mua bán người…
Đặc biệt, để đảm bảo việc tái hòa nhập bền vững và phòng tránh nguy cơ bị tái mua bán/tái di cư mất an toàn thì việc ổn định sinh kế là vô cùng quan trọng. Do đó, hơn 80% nạn nhân tại Ngôi nhà Bình yên đã được hỗ trợ học văn hóa, học nghề và có việc làm phù hợp với năng lực và hoàn cảnh của bản thân.
Theo Điều 53 Luật Phòng chống bạo lực gia đình hiện hành, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được giao chủ trì, phối hợp tổ chức cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình thuộc phạm vi quản lý. Mua bán người cũng là tội phạm liên quan đến vấn đề giới và là một hình thức của bạo lực trên cơ sở giới.
Nhiều chuyên gia đề xuất, việc quy định trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó, quy định rõ trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong vận hành cơ sở hỗ trợ nạn nhân mua bán người là cần thiết trong dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người, bảo đảm cơ sở pháp lý cho Hội thực hiện chức năng bảo vệ phụ nữ, trẻ em trong phòng, chống mua bán người.