Tối thứ sáu, như thường lệ, Khương Duy (26 tuổi, quận 3, TP.HCM) có hẹn ăn uống, tán gẫu cùng bạn bè. Mỗi lần đi chơi như vậy, anh tiêu tốn khoảng 1-1,5 triệu đồng, thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc chia tiền, chuyển khoản lại cho bạn.
"Tôi không dám rút nhiều tiền mặt, phần vì sợ mất, phần lớn là lo tiêu xài quá tay. Tôi tưởng rằng mắt không thấy tiền, tay không tiêu, nhưng thực tế tôi vẫn không để dư được là bao bởi đi đâu cũng có máy quẹt thẻ", anh thở dài, chia sẻ cùng Zing.
Mỗi lần lương về, nhân viên văn phòng này kỹ lưỡng phân chia tiền vào các ví điện tử, phục vụ nhu cầu khác nhau. Anh chỉ rút khoảng 200.000-500.000 đồng tiền mặt để trả tiền giữ xe, bơm xe hay mua sắm ít ở tạp hóa gần nhà. Song số tiền trong các ví vẫn vơi dần vì thói quen quẹt thẻ, thanh toán trực tuyến.
Không cầm tiền vẫn tiêu tiền
Tương tự Khương Duy, Như Ý (26 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) cũng thường xuyên than vãn vì cứ giữa tháng đã thấy hết tiền. Cô không sử dụng tiền mặt từ hai năm qua, khi công nghệ thanh toán online ngày càng trở nên phổ biến.
Không cầm tiền mặt, Như Ý liên tục "chốt đơn" trên các sàn thương mại điện tử vì đã tích hợp phần thanh toán bằng thẻ ATM/Visa…
Các cửa hàng bán đồ online hiện nay không những cho khách hàng chuyển khoản mà còn có thể thanh toán nhanh gọn qua các ví điện tử, thẻ tín dụng, thậm chí còn chấp nhận trả góp cho các hóa đơn từ 3-5 triệu đồng…
"Gần đây, tôi thích một chiếc túi có giá khoảng 4 triệu đồng. Tôi định sẽ không mua vì số dư tài khoản không đủ. Thế nhưng cửa hàng này chấp nhận thanh toán thẻ tín dụng. Thế là tôi mua luôn, rồi tháng sau trả", cô kể lại.
Thậm chí, Như Ý còn dễ dàng mua sắm ở nhiều hàng quán nhỏ ở vỉa hè, ven đường với hình thức chuyển khoản. Ngay cả người bán trái cây, cơm tấm... cũng cho phép "bắn tiền". Một số nơi, chủ quán còn in sẵn 3 số tài khoản ngân hàng, 2 mã QR ví điện tử ngay bên cạnh quầy cơm để khách hàng tiện lựa chọn.
"Công nghệ giúp tôi mua sắm thuận tiện hơn, nhưng cũng khó khăn tiết kiệm hơn. Dù 'giấu' tiền vào đâu, tôi cũng dễ dàng lấy ra và tiêu hết", cô bày tỏ.
Trong khi đó, Mạnh Hải (25 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) lại ngao ngán bởi sự thuận tiện của thanh toán online khiến anh tiêu xài âm cả vào tiền tiết kiệm.
Theo đó, sau mỗi kỳ lương, anh chuyển một số tiền sang tài khoản tiết kiệm riêng và tự hứa sẽ không dùng tới.
Anh cho biết lựa chọn cách thức gửi để dành này vì lãi suất tương đối hợp lý và người dùng có thể rút tiền bất cứ lúc nào mà không mất lãi.
"Nhưng chính vì có thể rút tiền khỏi ví khi cần gấp, nên đến nay tôi đã xài thâm vào số tiền tiết kiệm của mình một nửa", anh lắc đầu kể.
Mạnh Hải cho biết nhiều lần quên mang ví tiền hay thẻ ngân hàng, anh tặc lưỡi thanh toán qua ví điện tử. Ví điện tử hết tiền, số dư tài khoản tiết kiệm chính là khoản cứu cánh. Và nhiều lần như thế diễn ra cho đến khi anh buộc mình lập sổ tiết kiệm vật lý.
"Tôi thấy việc thanh toán online, cà thẻ, chuyển khoản đúng là một con dao hai lưỡi. Nếu không tự tiết chế thói quen tiêu xài mua sắm của bản thân sẽ rất dễ sa đà", anh nhận định.
Mua sắm nhiều hơn khi không dùng tiền mặt
Theo Nerd Wallet, các nghiên cứu cho thấy bạn có khả năng chi tiêu nhiều hơn nếu thanh toán không tiền mặt, đặc biệt đối với thẻ tín dụng.
Điều này xuất phát từ tâm lý của hầu hết mọi người. Tiền mặt là một tờ giấy hữu hình có giá trị gắn liền nó. Khi bạn tiêu tiền mặt, tờ tiền đó sẽ biến mất khỏi ví. Nhưng với thẻ hoặc hình thức thanh toán online, câu chuyện lại khác, các giao dịch hay thông báo trừ tiền sẽ không khiến bạn quá bận tâm.
Nhiều nghiên cứu về kinh tế học hành vi chứng minh con người dễ dàng thuyết phục bản thân rằng họ đang tiêu tiền có kiểm soát bằng thẻ tín dụng bởi chưa đối mặt với những hóa đơn sao kê gửi về vào tháng sau.
Trong một cuộc khảo sát, một nửa số người tham gia chọn cách mua hàng bằng thẻ tín dụng. Những người này sẵn sàng trả nhiều hơn gấp đôi những người trả bằng tiền mặt chỉ để họ phải thanh toán hóa đơn vào tháng sau.
Nghiên cứu thị trường được thực hiện bởi Dun & Bradstre cho thấy mọi người tiêu nhiều hơn 12%- 18% khi sử dụng thẻ thay vì tiền mặt. Ngân hàng Dự trữ Liên bang Boston cũng phát hiện ra sự chênh lệch rõ nét hơn giữa các giao dịch tiền mặt và không dùng tiền mặt của khách hàng.
"Cai nghiện" tiêu dùng
Quản lý chi tiêu là một bài toán khó, đặc biệt trong thời kỳ phương thức thanh toán trực tuyến trở nên phổ biến và thuận tiện hơn bao giờ hết.
Thậm chí, chúng ta còn dễ tiêu tiền cho những thứ không cần thiết hoặc kém quan trọng. Đó được gọi là hiệu ứng Diderot - xu hướng mua sắm, tiêu dùng quá mức do nhu cầu tự cải thiện của con người.
Ông Lâm Minh Chánh, Chủ tịch Học viện Kinh doanh và Tài chính BizUni, chuyên gia tài chính, cho biết phương thức thanh toán bằng online, chuyển khoản đang dần thay đổi hành vi chi tiêu của phần lớn người trẻ.
Ông gợi ý một số cách để hạn chế việc tiêu dùng quá tay như: Nên để thẻ ATM, thẻ tín dụng tại nhà; chỉ mang tiền mặt hoặc thẻ có số dư nhỏ để hạn chế mua sắm.
"Bạn cũng nên chủ động xóa các ứng dụng, chặn các trang web mua sắm. Nên tạo rào cản, sự khó khăn trong mua sắm để tiết chế nhu cầu", ông nói.
Chuyên gia này cho biết nếu duy trì thói quen đó, nhiều người hoàn toàn có thể giảm được hành vi tiêu dùng bằng cách quẹt thẻ, chuyển khoản để mua sắm, chi trả nhu cầu không thiết yếu.
Theo Healthline, có 6 cách để bạn có thể bắt đầu thay đổi thói quen chi tiêu, mua sắm của mình:
- Tìm một hoạt động giải trí khác không cần tốn tiền. Đây hầu hết là các hoạt động thể chất như tập thể dục, chơi thể thao, vui chơi ngoài trời hoặc đọc sách. Hãy dùng năng lượng của bạn cho các hoạt động khác ngoài nhu cầu mua sắm và những nhu cầu cá nhân không thiết yếu.
- Hãy tự đặt ra câu hỏi cho bản thân và kiểm tra danh sách các món đồ bạn mua trước khi quyết định chi tiêu. Bạn nên tự hỏi có thật sự cần nó không, đã có món đồ tương tự hay chưa hoặc tại sao lại phải mua nó.
- Bạn nên huỷ nhận email, tin nhắn, thông báo từ những cửa hàng, những trang thương mại điện tử. Đôi lúc não của bạn sẽ bị thuyết phục bằng những dòng quảng cáo tiếp thị hoặc một thông báo giảm giá, khuyến mãi.
- Bạn cũng nên có sổ sách hoặc ứng dụng theo dõi chi tiêu. Điều này sẽ giúp bạn nắm rõ được dòng tiền và tìm cách cân đối chúng.
- Bạn không nên mua hàng theo cảm xúc. Các nghiên cứu chỉ ra chúng ta thường có xu hướng mua sắm để giải tỏa căng thẳng. Tuy nhiên, những quyết định trong lúc tâm lý không ổn định sẽ khiến bạn đưa ra nhiều quyết định sai lầm.
- Tập thói quen cho bản thân có những "khoảng chờ". Điều này có nghĩa khi yêu thích một món đồ, bạn khoan hãy quyết định ngay. Bạn có thể bỏ sản phẩm đó vào giỏ hàng và quay lại sau vài ngày suy nghĩ.
Theo Zing