“Nhật Bản đang trở lại” – Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố trong một chuyến công du tới Washington DC hồi đầu năm nay. Tuy nhiên, trong khi Nhật có thể đang trên đà đúng hướng sau hai thập kỷ bế tắc kinh tế, thì vẫn còn rất nhiều việc cần làm để đảm bảo an ninh của quốc gia này về lâu dài.

TIN BÀI LIÊN QUAN

{keywords}
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư

Hồi tháng Bảy, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông Abe đã giành quyền kiểm soát cả Thượng và Hạ viện – một chiến thắng vang dội về mặt ủy trị chính trị mạnh nhất từ trước tới giờ mà bất kỳ lãnh đạo nào tại Nhật từng có trong nhiều năm trời. Hệ quả là, ông Abe dường như có khả năng sẽ còn nắm quyền lâu hơn so với những nhà tiền nhiệm trước đó, phần lớn trong số này hầu như không tại nhiệm được hơn một năm.

Trong khi đó, nền kinh tế Nhật Bản có vẻ như đang phục hồi với tỉ lệ tăng trưởng năm nay vượt 3%. Hơn nữa, từ sau vụ thảm họa động đất, sóng thần và hạt nhân năm 2011, Nhật Bản đã thay thế khoảng 25% nguồn cung năng lượng (ở mức chi phí đáng kể) mà các lò phản ứng tại  nhà máy Fukushima Daiichi từng cung cấp. Việc Tokyo sẽ là chủ nhà cho kỳ Olympic 2020 cũng làm tăng sự tự tin của công chúng.

Những người ngờ vực lo ngại rằng tiến triển kinh tế không kéo dài, cho rằng tỉ lệ tăng trưởng cao chỉ đơn giản phản ánh việc thả lỏng chính sách tiền tệ và kích thích tài chính – một chiến lược khiến lạm phát bất ổn. Những người ủng hộ ông Abe đáp lại rằng ‘mũi tên’ thứ ba trong thuyết kinh tế của Abe – là năng suất – đang củng cố việc cải cách về mặt cấu trúc – giờ đây đã được rút khỏi bao đựng cung. Họ nhắm vào khả năng ông Abe vượt qua các trở lực từ những nông dân trồng lúa quy mô nhỏ, một phần của nền tảng tranh cử của LDP, cho tới việc Nhật tham gia đàm phán Hiệp ước xuyên Thái Bình Dương để mở cửa nền kinh tế Nhật nhằm làm tăng tính cạnh tranh toàn cầu.

Tuy nhiên, Nhật Bản lại đối mặt với những thách thức về lâu dài. Trước tiên, với tỉ lệ sinh thấp hơn so với mức thay thay thế, dân số Nhật đang già đi và giảm dần. Việc bù lấp xu hướng này cần phải gia tăng lượng người nhập cư và sự tham gia nhiều hơn của lực lượng lao động nữ - nhưng cả hai vấn đề trên đều không dễ thực hiện. Về mặt truyền thống thì Nhật không phải là một quốc gia nhập cư, và như trong báo cáo về khoảng cách giới toàn cầu trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới trong đó xếp hạng 136 quốc gia, Nhật xếp thứ 105. Tất nhiên là điều này có thể thay đổi và Nhật Bản vốn có lịch sử thành công trong việc cách tân.

Có thể lo ngại then chốt nhất của Nhật Bản trong tương lai chính là quan hệ với các nước láng giềng – Triều Tiên, Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong khi các thăm dò dư luận gần đây cho thấy Nhật Bản vẫn duy trì được sức mạnh mềm rất lớn trên toàn cầu, thì điều này lại không đúng với các nước láng giềng sát vách Tokyo.

Không giống châu Âu, nơi mà Đức vượt qua di sản Thế chiến II thông qua việc hội nhập vào Liên minh châu Âu, Đông Bắc Á vẫn còn bị lịch sử đè nặng. Theo như các nước láng giềng, những lời xin lỗi của Nhật cho sự hung hãn trong quá khứ là chưa đủ. Điều đó không ngăn được việc một số lãnh đạo Hàn Quốc và Trung Quốc lên tiếng chống Nhật để giành được sự ủng hộ trong nước.

Tại Nhật Bản, những lời chỉ trích gay gắt đã khiến dấy lên làn sóng chủ nghĩa dân tộc dữ dội, kích thích các chính trị gia phản ứng như vậy trong suốt chiến dịch bầu cử vào năm ngoái. Chẳng hạn, ông Abe dọa bãi bỏ những lời xin lỗi chính thức trước đó của các cựu hoặc lãnh đạo đương chức vì các hành động lạm dụng hoặc hành động tàn bạo mà quân đội Nhật tiến hành trong suốt Thế chiến II, và tuyên bố dự định tới thăm ngôi đền gây tranh cãi là Yasukuni, trong đó vốn thờ những người đã thiệt mạng cũng như các tội phạm chiến tranh của Nhật. Dù ông Abe không hành động như đã tuyên bố, nhưng một số nhà quan sát vẫn tin rằng vào một lúc nào đó, ông sẽ tới thăm ngôi đền Yasukuni, và khiến quan hệ giữa Nhật với Hàn Quốc, Trung Quốc thêm căng thẳng.

Các cuộc tranh cãi về chủ quyền đã làm căng thẳng leo thang mạnh mẽ. Trung Quốc thách thức Nhật trong việc kiểm soát nhóm đảo đá chưa đầy 7km2 còn gọi là quần đảo Senkaku hay Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Trong khi các tuyên bố trên có từ cuối thế kỷ 19 thì lần cãi vã gần đây nhất – bao gồm cả làn sóng chống Nhật rộng rãi tại Trung Quốc – lại được châm ngòi vào tháng 9 năm ngoái, khi mà chính phủ Nhật mua ba trong số các đảo đá từ người chủ tư nhân người Nhật.

Thủ tướng Nhật khi đó là Yoshihiko Noda nói rằng ông quyết định mua các đảo cho chính quyền trung ương Nhật để ngăn Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara mua các đảo này bằng quỹ thành phố. Ông Noda sợ rằng ông Ishihara vốn là người theo chủ nghĩa dân túy có thể sở hữu các đảo này hoặc tìm các cách để sử dụng các đảo nhằm khiêu khích Trung Quốc.

Nhưng các quan chức Trung Quốc lại coi động thái này là một bằng chứng cho thấy Nhật Bản đang tìm cách thay đổi hiện trạng. Một số người còn tuyên bố rằng Nhật đang tìm cách đảo ngược hệ quả về mặt lãnh thổ của Thế chiến II.

Tháng Năm 1972, Mỹ trao trả Okinawa cho Nhật Bản, trong đó có quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Vài tháng sau đó, khi Trung Quốc và Nhật làm việc với nhau để bình thường hóa quan hệ, Thủ tướng Nhật Kakuei Tanaka đã hỏi Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai về quần đảo trên, ông Chu đáp rằng tranh cãi này nên để tới đời sau, để tránh việc bình thường hóa quan hệ gặp phải bất kỳ sự trì hoãn nào.

Hệ quả là, cả hai quốc gia vẫn giữ tuyên bố chủ quyền của mình. Do đó, dù cho Nhật đang nắm quyền kiểm soát, các tàu và máy bay của Trung Quốc vẫn thường xuyên ra vào vùng biển của Nhật để khẳng định tuyên bố chủ quyền. Trong khi hiệp ước an ninh của Nhật với Mỹ đóng vai trò là lá chắn thì vẫn luôn thường trực một mối nguy hiểm do sự hiểu nhầm.

Việc giải quyết tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là khó khả thi vào lúc này, nhưng Nhật vẫn có thế chủ động hơn. Chẳng hạn, bằng việc tuyên bố rằng sẵn sàng đưa mọi tranh chấp lãnh thổ tới Tòa án Quốc tế, các nhà chức trách Nhật có thể giúp xua đuổi các ý nghĩ về chủ nghĩa quân phiệt.

Thêm vào đó, Nhật nên có hành động chỉ định rõ chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là một khu vực bảo tồn hàng hải quốc tế không vì mục đích quân sự hay dân sự. Trung Quốc có thể không chịu, nhưng một động thái như vậy ít nhất có thể tạm gác vấn đề sang một bên, trong khi vẫn có thể củng cố hình ảnh của Nhật với tư cách là một cường quốc vì hòa bình.

Nhật Bản và Đông Bắc Á cần những sáng kiến táo bạo để tập trung vào tương lai. Đã đến lúc để cho quá khứ được yên nghỉ.

Joseph S. Nye

Lê Thu dịch- Theo Project Syndicate