Tháng trước, Bộ Thương mại Mỹ thông báo cấm các công ty sản xuất chip bằng trang thiết bị hay phần mềm xuất xứ Mỹ bán hàng cho Huawei. Trong lĩnh vực bán dẫn, phần mềm thiết kế chip và thiết bị sản xuất chip hầu hết đều mang yếu tố Mỹ.
Lệnh cấm nhằm ngăn Huawei mua linh kiện quan trọng cho smartphone và trạm gốc 5G thông qua các nhà cung ứng bên ngoài. Tuy nhiên, tác động của nó không chỉ dừng lại ở công ty Trung Quốc. Huawei đứng đầu thế giới về doanh số smartphone trong quý II và cũng là nhà sản xuất trạm gốc di động lớn nhất hành tinh với thị phần 30%.
Akira Minakawa, Giám đốc hãng nghiên cứu Omdia của Anh, ước tính các doanh nghiệp Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng nhau có thể thiệt hại 26,4 tỷ USD doanh thu mỗi năm vì không bán được hàng cho Huawei. Nếu sản xuất của Huawei bị gián đoạn, việc kinh doanh của đối tác cũng trở nên mờ mịt.
Các công ty Nhật Bản cung ứng gần 30% linh kiện cho Huawei sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất. Chỉ riêng Sony cũng kiếm được hàng tỷ USD từ bán cảm biến máy ảnh điện thoại cho Huawei mỗi năm. Đây là mặt hàng đặc biệt sinh lời cho Sony.
TSMC, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, được tin là thu về hơn 5 tỷ USD hàng năm từ Huawei. MediaTek, một hãng thiết kế bán dẫn của Đài Loan, cũng “bỏ túi” gần 500 triệu USD nhờ làm ăn với Huawei. Huawei còn là người mua chip nhớ lớn của Samsung Electronics. Các nhà cung ứng linh kiện khác như pin, bo mạch… cũng không nằm ngoài vùng phủ sóng.
Huawei phải chuyển sang mua chip do Trung Quốc sản xuất để thay thế. Họ đặt hàng nhiều hơn từ SMIC, một nhà sản xuất chip lớn trong nước. Tuy nhiên, Washington cũng đang cân nhắc chặn tuyến đường này. Theo truyền thông, Bộ Quốc phòng Mỹ xem xét đưa SMIC vào danh sách đen thương mại. SMIC cũng phụ thuộc vào công nghệ Mỹ.
Bộ Thương mại Mỹ từng ám chỉ sẽ có ngoại lệ đối với lệnh cấm Huawei. Sony đang muốn xin giấy phép để tiếp tục bán hàng cho đối tác Trung Quốc, SK Hynix cũng vậy. MediaTek cho biết đã nộp hồ sơ xin cấp phép. Song, theo Kana Itabashi, một chuyên gia Nhật Bản về luật thương mại quốc tế, việc xin giấy phép có thể sẽ rất khó khăn.
Một số nhà cung ứng linh kiện đã bắt đầu tìm người mua khác, chuẩn bị cho viễn cảnh xấu nhất là bị cắt đứt quan hệ với Huawei. Chẳng hạn, Japan Display, nhà sản xuất tấm nền LCD, đang tìm cách bán hàng cho các hãng smartphone Trung Quốc lớn như Oppo, Xiaomi, Vivo. Rắc rối Huawei đang gặp phải là cơ hội của đối thủ.
Du Lam (Theo Nikkei)
Ai hưởng lợi nếu Huawei sụp đổ?
Bất ngờ vượt qua Samsung để trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới trong quý II, tuy nhiên tập đoàn Trung Quốc có thể sớm “ngã ngựa”.