Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nội vụ Trương Hải Long cho biết, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xác định, để phát triển nhanh và bền vững đất nước trong giai đoạn 2021-2026 và những năm tiếp theo, cần tập trung thực hiện ba đột phá chiến lược, trong đó có phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý.

Trong Chương trình tổng thể cải cách nền hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 cũng xác định mục tiêu tổng thể của cải cách chế độ công vụ, công chức giai đoạn này là “Xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài. Thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, dân chủ, công khai, minh bạch trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và tuyển dụng công chức, viên chức để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước”.

{keywords}
Buổi lễ được kết nối trực tuyến với Cơ quan Nhân sự quốc gia Nhật Bản tại Tokyo.

Thứ trưởng Trương Hải Long nhấn mạnh, cải cách chế độ công vụ, công chức luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định là khâu then chốt để đảm bảo thành công và hiệu quả của cải cách nền hành chính nhà nước, trong đó có đổi mới hoạt động thi tuyển công chức.

Điều này đã được Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định trong dịp tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Nhật Bản vào tháng 11/2021: “Thủ tướng của chúng tôi rất mong muốn xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, dân chủ và thật sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đây cũng chính là tinh thần được nêu ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của Việt Nam”.      

Do vậy, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo Bộ Nội vụ nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung hình thức thi phỏng vấn, lựa chọn lại nội dung thi và cách thức thi để có thể tuyển chọn được những công chức, viên chức có kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực thi công vụ.

Bộ Nội vụ xác định một trong những giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc này là tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia điển hình thành công, trong đó Nhật Bản đã áp dụng kỳ thi tuyển quốc gia từ năm 1948 và đến nay vẫn thể hiện rõ tính hiệu quả của hoạt động này.

Việc triển khai dự án hỗ trợ cải cách kỹ thuật thi tuyển công chức Việt Nam sẽ là cơ hội để Việt Nam được tiếp cận kinh nghiệm thành công, những thông tin bổ ích của Nhật Bản trong việc tổ chức thi tuyển công chức quốc gia. Qua đó sẽ từng bước hoàn thiện hơn nữa công tác tuyển dụng công chức ở Việt Nam.

Thay mặt Văn phòng JICA tại Tokyo, Nhật Bản, ông SAWADA Hiroyuki, Phó Vụ trưởng Vụ Quản trị và Kiến thiết hòa bình cho biết, đây là dự án nhằm hỗ trợ kỹ thuật trong việc nâng cao năng lực ra đề và cải thiện hệ thống thi tuyển trong lĩnh vực thi tuyển công chức tại Việt Nam. JICA mong nhận được sự đóng góp tích cực hơn nữa từ phía Việt Nam để những hợp tác của phía Nhật Bản phát huy được kết quả. 

{keywords}
 Bà Lê Minh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức

Giới thiệu tổng quan về dự án, bà Lê Minh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức, Giám đốc Ban Quản lý dự án cho biết, dự án sẽ giúp Bộ Nội vụ bổ sung nguồn lực để đổi mới kỹ thuật và nội dung thi tuyển công chức nhằm mục tiêu áp dụng thành công phương pháp thi tuyển đã được cải tiến phù hợp với tuyển dụng nhân lực, đáp ứng nhu cầu về công chức của Chính phủ Việt Nam .

Theo đó Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam kinh nghiệm và phương pháp xây dựng câu hỏi liên quan tới khả năng tư duy; giới thiệu các câu hỏi liên quan tới khả năng tư duy; trong việc tổ chức thi phỏng vấn...

Dự án được thực hiện trong 3 năm từ 2021 - 2024.

Thu Hằng

Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo cán bộ cấp chiến lược

Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo cán bộ cấp chiến lược

Viện Nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản đã đào tạo hàng trăm cán bộ cấp chiến lược của Việt Nam, trong đó có nhiều người là Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch tỉnh, Thứ trưởng một số bộ ngành.