Chỉ có cách ưu tiên hòa giải lịch sử ở cấp độ xã hội mới có thể giúp Nhật Bản gỡ bỏ được cái gọi là “lá bài lịch sử” mà các lãnh đạo TQ và Hàn Quốc sử dụng để chống lại Nhật Bản với mục tiêu gây xao nhãng trước vấn đề trong nước.
>>Bài 1: Giải thích lại hiến pháp dưới thời ông Abe
>>Bài 2: Từ giải thích hiến pháp đến sửa hiến pháp
Nhìn lại lịch sử
Mặc dù có cha ruột là ông Shintaro Abe, một nhân vật biểu tượng cho các chính sách ôn hòa và thực dụng khi đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao từ năm 1982-1986, ông Shinzo Abe lại lấy nguồn cảm hứng từ người ông của mình, Nobusuke Kishi.
Là một công chức tài năng, ông Kishi là một trong những KTS trong dự án đế quốc của Nhật ở Mãn Châu và đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Vũ khí trong Nội các của Tojo suốt Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.
Sau một thời gian bị bắt giam vì nghi ngờ là tội phạm chiến tranh cấp độ A, ông Kishi trở nên năng động trong chính trường và trở thành Thủ tướng từ năm 1957-1960. Ông đã sửa đổi Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật, nhờ đó lực lượng Mỹ không thể can thiệp vào công việc nội bộ của Nhật Bản, và đảm bảo rằng nước Mỹ sẽ có một cam kết vững chắc hơn để bảo vệ Nhật Bản. Ông Kishi cũng đã tìm cách loại bỏ những cải cách đi quá giới hạn do Mỹ đề xướng trong suốt thời kỳ nước Nhật bị chiếm đóng và sửa đổi lại Hiến pháp sau chiến tranh, bao gồm cả điều 9.
Dựa trên quan điểm “xem xét lại” lịch sử chiến tranh Nhật Bản, ông Abe là một trong những người dẫn đầu cuộc vận động nhằm bác bỏ lời xin lỗi của Kono với những người phụ nữ giải khuây vào năm 1993 vốn khẳng định vai trò của các nhân viên hành chánh và quân sự của Nhật Bản trong việc tuyển chọn bắt buộc những phụ nữ này.
Ông cũng ủng hộ những cuộc viếng thăm tới Đền Yashukuni, một đền thờ đạo Shinto ban đầu được quản lý bởi lực lượng quân đội, nơi mà linh hồn của những người đã hy sinh mạng sống của mình cho Hoàng đế được tôn sùng, an ủi, và vinh danh. Do những tội phạm chiến tranh cấp độ A cũng được tưởng niệm tại đây, ngôi đền đã gây nên phản ứng rất dữ dội từ phía Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan vì cho rằng nó thể hiện một sự không hối lỗi với những hành động trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai của Nhật Bản.
Ảnh: AP |
Tuy nhiên, sau khi trở thành Thủ tướng vào năm 2006, ông Abe đã kiềm chế cảm xúc cá nhân nhiều hơn. Mặc dù không hài lòng với phát biểu xin lỗi của Murayama về sự gây hấn và quá trình cai trị thuộc địa của Nhật Bản, ông quyết định tôn trọng nó bởi phát biểu của Murayama đã được hậu thuẫn từ quyết định chính thức của nội các. Ông cũng kiềm chế việc lật ngược phát biểu của Kono năm 1993 và đã thể hiện lời xin lỗi của mình tới những người phụ nữ giải khuây trong chuyến thăm tới Washington, D.C vào tháng 4 năm 2007.[1]
Có lẽ quan trọng nhất, ông Abe đã ám chỉ (bắt đầu từ mùa hè 2006) là ông có lẽ sẽ không cần thiết phải tới thăm Đền Yasukuni, thể hiện một quan điểm “không ủng hộ cũng không phản đối”.[2] Kết quả là, ông Abe đã tiến hành chuyến viếng thăm “phá băng” tới Trung Quốc vào tháng 9 năm 2006, chuyến đi đã làm tan băng mối quan hệ Trung – Nhật sau nhiều năm mâu thuẫn (vì Thủ tướng tiền nhiệm Junichiro Koizumi đã lặp lại những chuyến viếng thăm tới ngôi đền gây tranh cãi này từ năm 2001 đến 2006).
Trong suốt quá trình tìm lại quyền lực vào năm 2012, ông Abe thường xuyên thể hiện sự tiếc nuối của mình về việc không có một chuyến viếng thăm nào tới Đền Yasukuni trong nhiệm kỳ Thủ tướng đầu tiên, nhưng ông đã kiềm chế các hành động thăm đền sau khi tái đắc cử Thủ tướng một lần nữa. Tuy vậy, ông Abe đã tiến gần tới việc khởi động một cuộc chiến mới về ký ức chiến tranh với Trung Quốc và Hàn Quốc theo những cách khác.
Mặc dù bản thân ông Abe đã kiềm chế những chuyến đi tới Đền Yasunuki, 168 thành viên của Quốc hội đã tới thăm ngôi đền vào tháng 4 năm 2013, chuyến thăm với số lượng lớn nhất kể từ năm 1987. Trong số những người tới viếng đền có ba thành viên trong nội các của ông Abe, bao gồm Phó Thủ tướng Taro Aso.
Theo như ông Abe, “định nghĩa về sự gây hấn chưa được thiết lập trong học thuật lẫn trong cộng đồng quốc tế” và “những điều đã xảy ra giữa các quốc gia sẽ được xem xét một cách khác nhau tùy thuộc vào góc độ mà bạn nhìn nhận chúng”.[3] Ông đã đề nghị dự thảo một tuyên bố liên quan đến chiến tranh cho năm 2015, nhân dịp kỳ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, bản tuyên bố sẽ mang tính chất “định hướng cho tương lai” nhiều hơn nếu so sánh với lời tuyên bố xin lỗi của ông Murayama vào năm 1995. Nếu một bản tuyên bố như vậy có mục đích làm giảm nhẹ đi tội lỗi của Nhật Bản trong quá khứ bằng cách tập trung vào tương lai, nó sẽ làm phai nhạt đi sức mạnh đạo đức trong phát biểu của ông Marayama và gây căng thẳng với các quốc gia Châu Á vốn đã phải hứng chịu sự gây hấn và tội ác của Nhật Bản.
Khi ông Toru Hashimoto, Thị trưởng của Osaka và đồng thời là lãnh đạo của Đảng Duy Tân Nhật Bản có một nhận xét bất cẩn vào tháng 5 năm 2013 rằng những phụ nữ giải khuây là cần thiết cho quân lính nhằm giải quyết những căng thẳng trong chiến tranh, Thủ tướng Abe đã khôn ngoan khi tách biệt bản thân khỏi người được coi là đồng minh chính trị của mình. Ông Abe đã sử dụng cơ hội này nhằm lặp lại “sự tiếc nuối sâu sắc của ông đối với nỗi đau và những gì mà các phụ nữ giải khuây đã phải trải qua trong thời gian qua”.[4]
Bằng cách bắt chước một phần bài phát biểu của ông Kono, ông Abe dường như có ý định không thách thức lại bài phát biểu đó. Mặt khác, động thái gần đây của các cộng đồng địa phương tại Mỹ khi họ dựng lên những đài tưởng niệm những người phụ nữ giải khuây, dưới tác động của các nhóm người Mỹ gốc Á, đã làm cho những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Nhật Bản nổi giận. Các tờ báo như Yomiuri và Sankei đã công khai kêu gọi đánh giá lại phát biểu của ông Kono – một mục tiêu mà ông Abe đã bảo vệ một cách dứt khoát trong quá khứ.[5]
Xúc tiến hòa giải lịch sử với các nước láng giềng
Thời gian ông Abe nắm quyền càng dài, những người theo chủ nghĩa dân tộc ủng hộ cho ông càng hy vọng ông sẽ tới thăm Đền Yasukuni, bác bỏ phát biểu của Kono, và công bố một phát biểu mới liên quan đến chiến tranh vào năm 2015 vốn có thể làm giảm đi sức mạnh trong lời phát biểu của Murayama. Nhiệt huyết chính trị của ông Abe sẽ đưa ông đi theo đường hướng này, nhưng ông nên kháng cự lại cám dỗ này. Mặc dù những lời lẽ mang ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc ở Nhật Bản có thể sẽ lớn và mang nhiều cảm xúc, nhưng đa số công chúng Nhật Bản có suy nghĩ sám hối về lịch sử.
Trong một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2006 trong dịp kỷ niệm 60 năm Tòa án Tội ác Chiến tranh Tokyo, 51% người được hỏi đã cảm thấy Nhật Bản đã không xin lỗi hay đền bù một cách thích đáng cho những tổn thất mà nước này đã gây ra cho những quốc gia khác và cho người dân những nước đó thông qua hành động xâm lược và cai trị thuộc địa, trong khi 36% tin rằng sự xin lỗi và bù đắp của Nhật Bản là thích đáng.[6] Trái ngược với quan điểm đầy tham vọng của ông Abe, phần đông đều thừa nhận sự hung hãn của Nhật Bản trong quá khứ.
Căn cứ theo một cuộc khảo sát vào tháng 9 năm 2012, 52% nghĩ rằng chiến tranh giữa Nhật Bản và Trung Quốc trong suốt những năm 1930 và 1940 là cuộc chiến xuất phát từ sự gây hấn của Nhật Bản, trong khi 31% lại không đồng ý với điều đó.[7] Bằng việc không theo đuổi một chương trình nghị sự “xét lại” lịch sử, chắc chắn ông Abe sẽ làm thất vọng những người theo chủ nghĩa dân tộc, nhưng hầu hết người dân Nhật Bản sẽ tán dương sự khôn ngoan của ông.
Rất dễ hiểu khi Thủ tướng Abe cuối cùng vẫn sẽ tới thăm Đền Yasukuni và an ủi những linh hồn đã mất trong chiến tranh Nhật Bản, những người đã hy sinh mạng sống của mình cho tổ quốc. Nhưng để làm được điều này mà không làm dấy lên căng thẳng ngoại giao với Trung Quốc và Hàn Quốc, đầu tiên ông Abe phải sử dụng ảnh hưởng cá nhân của mình nhằm cải tạo lại ngôi đền và thay đổi bảo tàng Yushukan tại khuôn viên của ngôi đền để nơi đây không trở thành nơi vinh danh quá khứ quân phiệt của nước Nhật.[8]
Ông Abe cũng có thể khuyến khích Yasukuni đi theo quan điểm về chủ nghĩa đại đồng và hòa bình của FujimaroTsukuba, người đã nắm giữ vị trí trụ trì đền Yasukuni từ năm 1946 – 1978. Vào năm 1965, Tsukuba đã xây dựng một ngôi đền nhỏ với tên gọi Chinreisha cách xa điện thờ chính của Yasukuni để vinh danh những người nước ngoài đã chết trong chiến tranh Châu Á - Thái Bình Dương. Nhờ vậy, đền Chinreisha có thể giữ vai trò như một hạt giống dẫn tới sự chuyển đổi tư tưởng về Yasukuni và sẽ phù hợp hơn với các quy tắc hòa bình đương đại của Nhật Bản. Chỉ sau khi Tsukuba qua đời và được kế tục bởi một nhà sư theo chủ nghĩa dân tộc vào năm 1978, các tội phạm chiến tranh cấp độ A mới được thờ cúng.
Sau khi biết được rằng các tội phạm chiến tranh cấp độ A đang được thờ cúng, Nhật Hoàng Hirohito đã từ chối một cuộc viếng thăm nữa tới Yasukuni (thật mỉa mai khi Nhật Hoàng không còn có thể tới thăm viếng ngôi đền chính vinh danh những người đã chết nhân danh thiết chế hoàng gia). Như đề xuất của một người bảo trợ hàng đầu cho ngôi đền vốn ủng hộ LDP vào năm 2007, tên tuổi của các tội phạm chiến tranh cấp độ A có thể được di chuyển khỏi Yasukuni. Ông Abe có thể hỗ trợ cho quá trình này, và có thể phục hồi lại địa vị của Yasukuni giống như tình trạng trước khi những phạm nhân chiến tranh cấp độ A được thờ phụng vào tháng 10 năm 1978, khoảng thời gian khi Thủ tướng Nhật có thể viếng thăm ngôi đền mà không gây nên tranh luận quốc tế.
Trong khi nhiều chính trị gia cánh hữu cho rằng tự phê phán lịch sử của đất nước cũng giống như việc tự hành xác, thì trong lợi ích chiến lược của Nhật Bản điều này là nhằm xúc tiến hòa giải về lịch sử với các nước láng giềng. Mặc dù xuất hiện những lý do mang tính thúc ép nhằm thúc đẩy hợp tác an ninh song phương, song oán giận lâu năm của Hàn Quốc đối với Nhật Bản đến từ những vấn đề lịch sử vào mùa hè năm 2012 đã cản trở một Hiệp định Nhật – Hàn liên quan tới quá trình chia sẻ thông tin quân sự cũng như các kế hoạch ký kết Hiệp định Mua sắm và Cung cấp dịch vụ chéo (Acquisition and Cross-Servicing Agreement).
Chủ nghĩa dân tộc dân túy ở Trung Quốc, được thúc đẩy bởi cảm giác rằng Nhật Bản không thừa nhận một cách chân thành các hành vi gây hấn và tội ác của mình trong quá khứ, khiến việc giải quyết tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư càng trở nên khó khăn hơn. Chỉ có cách ưu tiên hòa giải lịch sử ở cấp độ xã hội mới có thể giúp Nhật Bản gỡ bỏ được cái gọi là “lá bài lịch sử” mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Hàn Quốc sử dụng để chống lại Nhật Bản với mục tiêu gây sao nhãng trước những vấn đề trong nước.
Nguồn: Mike M. Mochizuki & Samuel Parkinson Porter (2013). “Japan under Abe: Toward Moderation or Nationalism?”, The Washington Quarterly, Vol. 36, No. 4, pp. 25–41.
Biên dịch: Ngô Thanh Tâm | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương
Tài liệu được đăng lại từ website nghiencuuquocte.net
------------
Chú thích:
[1] Norimitsu Onishi, “Abe only partly successful in defusing ‘comfort women’ issue,” New York Times, April 29, 2007, www.nytimes.com/2007/04/29/world/asia/29ihtabe.1.5487927.html?.
[2] Mike M. Mochizuki, “The Yasukuni Conundrum: Japan’s Contested Identity and Memory,” in Mikyoung Kim and Barry Schwartz (eds.), Northeast Asia’s Difficult Past: Essays in Collective Memory (New York: Palgrave Macmillan, 2010), pp. 46-47
[3] Kazuo Yamagishi, “Abe stands firm on definition of ‘aggression’ amid international outcry,” Asahi Shimbun Asia & Japan Watch, May 10, 2013, http://ajw.asahi.com/article/behind_news/politics/AJ201305100092.
[4] “Hashimoto says ‘comfort women’ were necessary part of war,” Asahi Shimbun Asia & Japan Watch, May 13, 2013, https://ajw.asahi.com/article/behind_news/politics/AJ201305130131; and Justin McCurry, “Japanese politicians scramble to distance themselves from ‘comfort women,’” Christian Science Monitor, May 15, 2013, http://www.csmonitor.com/World/Asia-Pacific/2013/0515/Japanese-politicians-scramble-todistance-themselves-from-comfort-women-comments.
[5] “Ureubeki Beikoku de no ‘han-Nichi’ kakudai” [Deplorable Expansion of ‘Anti–Japan’ in the United States], Yomiuri Shimbun, August 1, 2013, 3; and Ko¯no danwa 20-nen: itsuwari no kenkai o kensho¯shitadase [Ko¯no Statement after 20 years: examine and correct a false opinion], Sankei Shimbun, August 4, 2013.
[6] “Rekishi to mukiau Dai-ichibu Tokyo saiban 60 nen” [Facing History: Part 1 Tokyo Trial after 60 years], Asahi Shimbun, May 2, 2006, 12.
[7] “Nitchu kankei –fukamaru mizo” [Japan–China Relations –Deepening Estrangement], Asahi Shimbun, September 24, 2012, 13.
[8] Mochizuki, “The Yasukuni Conundrum,” 38-39, 48. Op cit.