Chỉ vài giờ sau khi sóng thần quét qua nhà máy điện hạt nhân Fukushima, chính phủ Nhật Bản đã đoán trước được khả năng tan chảy của các lò phản ứng, tuy nhiên một tháng sau các quan chức mới thừa nhận về điều này, thông tin mới nhất của nội các Nhật cho hay.

TIN BÀI KHÁC:


Khói bốc lên do hoả hoạn tại nhà máy hạt nhân Fukushima I ngày 14/3.

Thảm họa động đất và sóng thần hôm 11/3/2011 đã phá hủy hệ thống làm lạnh tại nhà máy Daichi Fukushima thuộc Công ty điện lực Tokyo (Tepco), gây nên thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trên thế giới kể từ khi thảm họa Chernobyl xảy ra tại Ukraine vào năm 1986.

"Chức năng làm mát vẫn còn hoạt động nhờ chạy bằng pin. Chúng sẽ duy trì được 8 giờ đồng hồ"- theo một bản tóm tắt của cuộc họp nội các khẩn cấp lần đầu, bốn giờ sau động đất, một thành viên giấu tên cho biết.

"Nếu nhiệt độ bên trong các lò phản ứng vẫn tiếp tục tăng sau hơn 8 giờ thì hiện tượng tan chảy có thể xảy ra."

Một quan chức Bộ Thương mại, người đóng vai trò như một phát ngôn viên chính phủ sau khi thảm họa tấn công vùng đông bắc Nhật Bản, đã bị thay thế sau khi đề cập tới khả năng tan chảy vào ngày 12/3.

Mãi cho tới tháng 5, Tepco mới thừa nhận rằng các thanh nhiên liệu đang tan chảy, điều này đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích các nhà điều hành và giới chức đã xem nhẹ mức độ nghiêm trọng của vụ việc.

Hiện Tepco tin rằng các thanh nhiên liệu của 3 trong số 6 lò phản ứng tại nhà máy, cách Tokyo 240 km về phía đông bắc, đã tan chảy từ những ngày đầu khủng hoảng.

Thông tin này đã được tiết lộ hai ngày trước khi diễn ra lễ kỷ niệm thảm họa kép khiến 19.000 người chết hoặc mất tích lần thứ nhất.

Một mục khác trong bản báo cáo của cuộc họp nội các cũng cho thấy sự nhầm lẫn và bất đồng giữa các nhà lãnh đạo hàng đầu Nhật Bản khi phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất từ sau Thế chiến II.

"Ai là người lãnh đạo các hoạt động thực tế?"-Yoshihiro Katayama, Bộ trưởng Nội các vào thời điểm đó, đã phát biểu tại cuộc họp của ban chỉ huy Ứng phó Khẩn cấp với thảm họa hạt nhân hôm 15/3.

"Tôi đã nhận được quá nhiều yêu cầu không thể hiểu nổi. Không một ai kiểm soát chuyện này."

Ngày 14/3, cựu thủ tướng Naoto Kan đồng ý với ý kiến của các chuyên gia về việc sơ tán dân cư trong khu vực 20 km xung quanh nhà máy.

Koichiro Gemba, khi đó là Bộ trưởng chiến lược quốc gia, đã thách thức ông Naoto khi chỉ ra những quan điểm mâu thuẫn.

Gemba, có cử tri ở Fukushima, phát biểu tại một cuộc họp khác: "Đây là một cuộc chiến. Chúng ta chỉ có thể được hoặc mất. Chúng ta đã sẵn sàng chịu tổn thất trong một vài trận đánh. Nhưng điều quan trọng là làm thế nào để hạn chế được mất mát."

Sầm Hoa (Theo Reuters)