Đầu những năm 1990, Nhật Bản đã đóng một vai trò quan trọng giúp Trung Quốc vượt qua các biện pháp trừng phạt kinh tế từ quốc tế. Ngoài ra, Nhật Bản và Trung Quốc có mối quan hệ kinh tế vững chắc và có nhiều điểm chung hơn những gì các nhà lãnh đạo của họ sẵn sàng thừa nhận.
LTS: Hội thảo sáng kiến giải quyết xung đột Nhật – Trung do Diễn đàn toàn cầu Boston (BGF) tổ chức tại Harvard Faculty Club, đại học Harvard, Massachuset đã diễn ra vào cuối tháng 4 vừa qua, với sự tham gia của các học giả tên tuổi của hai nước: Cựu Thủ tướng Úc- Kevin Rudd, GS Joshep Nye, GS Vogel (Harvard), GS Kosaku Dairokuno. BGF sẽ tổ chức thêm 2 hội thảo về chủ đề này vào cuối năm nay, đồng thời BGF cũng đang Xây dựng Bộ khung để bảo đảm Hoà bình và An ninh ở Thái Bình Dương. Tuần Việt Nam xin trích đăng ý kiến học giả hai nước tại buổi thảo luận vừa qua, với những gợi ý có giá trị tham khảo trong bối cảnh căng thẳng quốc tế hiện tại.
Thăng trầm quan hệ Nhật - Trung
Đầu những năm 1970, Nhật Bản và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ. Tuy nhiên, như GS. Vogel (Harvard) lưu ý, thì giữa hai nước vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Trong đó bao gồm căng thẳng quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Nhìn vào nền tảng lịch sử mà GS. Vogel nêu ra, có thể thấy mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc không phải lúc nào căng thẳng như hiện nay.
Trên thực tế năm 1978 lãnh đạo Trung Quốc đã tìm cách thúc đẩy việc bình thường hóa quan hệ. Đặng Tiểu Bình đã trở thành lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên tiếp kiến Nhật Hoàng và đồng thời đến tham quan nhiều xưởng sản xuất và nhà máy thép tại Nhật Bản. Bên cạnh mong muốn xây dựng mối quan hệ kinh tế với Nhật Bản, ông này cũng hướng tới xây dựng một nền tảng quan hệ rộng hơn các mối quan hệ thông thương đơn thuần. Theo đó, Đặng Tiểu Bình lựa chọn hướng tới tương lai của hai nước, thay vì tiếp tục tranh luận về quá khứ.
Kết quả từ những nỗ lực của Đặng Tiểu Bình là, người dân Trung Quốc đã có cái nhìn tích cực hơn nhiều đối với Nhật Bản trong những năm 1980. Tuy nhiên, sau sự kiện Thiên An Môn, Trung Quốc đã đưa ra một sáng kiến giáo dục để tạo dựng lòng yêu nước trong công chúng là khơi gợi lại Chiến tranh thế giới thứ hai và hành động của Nhật Bản trong cuộc chiến đó. Cuối cùng, các dẫn chiếu đến Chiến tranh thế giới thứ hai đã làm giảm thái độ tích cực của người dân Trung Quốc đối với Nhật Bản và làm dấy lên một tinh thần dân tộc mạnh mẽ trong công chúng.
Mặc dù công tác tuyên truyền của Trung Quốc đã hạ thấp thiện cảm của công chúng Trung Quốc đối với Nhật Bản, sự thật về mối quan hệ Trung - Nhật Bản rõ ràng phức tạp hơn nhiều. Do sự phức tạp đó, nhiều người tham dự trong hội thảo cho rằng vẫn có lý do để hy vọng và hai bên có thể thực hiện một số bước đi để cải thiện quan hệ.
Trung Quốc và Nhật Bản có mối quan hệ thương mại rất đáng kể. GS. Kosaku Dairokuno đã chỉ ra, thứ nhất, hiện có hơn 22.000 công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Trung Quốc. Hơn nữa, Trung Quốc và Nhật Bản phải đối mặt với một số vấn đề giống nhau, chẳng hạn như tốc độ già hóa dân số nhanh. Vì vậy, bất kỳ sự leo thang xung đột nào trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đều có thể làm tổn thương cả hai nước về mặt kinh tế.
Thứ hai, việc cải thiện quan hệ có thể diễn ra thông qua thảo luận trung thực, cởi mở về vai trò của Nhật Bản đối với thành công kinh tế của Trung Quốc.
Cụ thể, trong thời gian đầu những năm 1990, Nhật Bản đã đóng một vai trò quan trọng giúp Trung Quốc vượt qua các biện pháp trừng phạt kinh tế từ quốc tế. Ngoài ra, như đã nói ở trên, Nhật Bản và Trung Quốc có mối quan hệ kinh tế vững chắc và có nhiều điểm chung hơn những gì các nhà lãnh đạo của họ sẵn sàng thừa nhận.
Thứ ba, để tạo điều kiện cho việc thảo luận trung thực về mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản, GS. Ogden cho rằng Trung Quốc nên thành lập các viện nghiên cứu Nhật Bản. Điều này sẽ đẩy mạnh sự phát triển của giới học giả nghiên cứu Nhật Bản và cho phép tìm hiểu rõ hơn về vai trò của đầu tư Nhật Bản đối với quá trình phát triển kinh tế của Trung Quốc cũng như nhận thức tốt hơn và trung thực hơn về Nhật Bản và văn hóa của họ.
Tất nhiên, một cuộc thảo luận trung thực và cởi mở về mối quan hệ Trung - Nhật có nghĩa là cả hai nước cần phải hạn chế các phát ngôn mang giọng điệu và tinh thần dân tộc chủ nghĩa. Từ bỏ giọng điệu dân tộc chủ nghĩa là rất quan trọng trong việc giúp làm giảm căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Theo GS. Vogel, tinh thần dân tộc là nguyên nhân gây tác động xấu đến mối quan hệ Trung - Nhật trong những năm 1990.
Cuối cùng, Trung Quốc và Nhật Bản nên tạm thời gạt qua một bên vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư để cho các thế hệ sau này giải quyết. Một số thành viên thảo luận cho rằng khó có khả năng Nhật Bản và Trung Quốc sớm giải quyết được vấn đề chủ quyền đối với quần đảo. Một gợi ý được đưa ra là biến những hòn đảo không có người ở này thành một khu bảo tồn sinh thái biển - điều này sẽ ngăn chặn hai nước đưa người ra sống ở các đảo hoặc sử dụng chúng vào các mục đích quân sự.
Tam giác Mỹ - Trung – Nhật
Chính sách “tái cân bằng” về phía châu Á hiện nay của chính quyền Obama có căn cứ từ chính sách của chính quyền Clinton đối với Nhật Bản và Trung Quốc và phản ánh cảm nhận của Washington về tầm quan trọng của việc thiết lập lại sự hiện diện của Mỹ trong khu vực. Theo tinh thần của chính quyền Clinton, Mỹ đóng vai trò rất quan trọng đối với khả năng thiết lập mối quan hệ ổn định giữa Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.
Hội thảo sáng kiến để giải quyết xung đột Nhật – Trung do Diễn đàn toàn cầu Boston (BGF) tổ chức tại Harvard Faculty Club, đại học Harvard. |
Trong những năm 1990, chính quyền Clinton đã bày tỏ rõ ràng rằng họ sẽ không tìm cách kiềm chế sự nổi lên của Trung Quốc trên trường quốc tế và rằng Mỹ lo ngại một Trung Quốc yếu hơn là một Trung Quốc mạnh. Theo đó, Mỹ đã tìm cách mở rộng một bàn tay giúp đỡ Trung Quốc hội nhập vào hệ thống quốc tế. Tuy nhiên, Mỹ cũng tỏ ra đề phòng khi tái khẳng định cam kết đối với liên minh an ninh Mỹ-Nhật.
Cuối cùng, theo GS. Nye, chính sách mà Mỹ đã và sẽ tiếp tục thực hiện là duy trì ổn định: “Một tam giác các mối quan hệ tốt đẹp giữa Mỹ với Trung Quốc, Mỹ với Nhật Bản, và Trung Quốc với Nhật Bản là cơ sở cho sự ổn định trong khu vực và sự ổn định đó sẽ mang đến sự thịnh vượng hơn”.
Như một phần trong nỗ lực thúc đẩy tam giác quan hệ tốt đẹp này, Mỹ cần tiến tới xây dựng một khuôn khổ đa phương cho phép Mỹ phối hợp với Nhật Bản và Trung Quốc để giải quyết các vấn đề gốc rễ của sự căng thẳng giữa Nhật Bản với Trung Quốc và giữa Mỹ với Trung Quốc.
Trong khi mối quan hệ giữa Trung Quốc với Nhật Bản đang ngày càng căng thẳng, Mỹ, đặc biệt thông qua việc tái cân bằng của chính quyền Obama về châu Á, có thể giúp hai nước này tìm đến một giải pháp ngoại giao, hòa bình cho các vấn đề gốc rễ của sự căng thẳng. Tuy nhiên, như hội thảo đã chỉ ra, Nhật Bản và Trung Quốc cần phải thực hiện một số bước đi nhằm giúp hạ nhiệt tình hình.
Cốt lõi của vấn đề là Trung Quốc và Nhật Bản cần phải từ bỏ giọng điệu dân tộc chủ nghĩa nhằm tạo điều kiện cho một đánh giá thực tế hơn, trung thực hơn về mối quan hệ của họ. Bằng cách nhận thức rõ bản chất liên hệ đan xen lẫn nhau trong mối quan hệ này, Mỹ, Nhật Bản, và Trung Quốc có thể cùng nhau giải quyết các vấn đề chung và nỗ lực vì sự phát triển thịnh vượng của nhau, và chính sách tái cân bằng của Obama đối với khu vực châu Á có thể đóng một vai trò quan trọng.
(Còn nữa)
Đình Ngân (lược dịch)