Với những động thái nhằm can thiệp tình hình Biển Đông ngày càng gia tăng về tần suất lẫn cường độ, có thể Nhật Bản đang chờ một cơ hội, hay chính xác hơn là một "lời mời" chính thức từ chính những người trong cuộc...
Đầu tháng 7, trong cuộc hội kiến với Phó Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Nhật Bản Noda bày tỏ ủng hộ lập trường của Việt Nam về bảo đảm hòa bình, ổn định và tự do, an toàn hàng hải ở biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982. Cách đó không lâu, Nikkei Shimbun, tờ nhật báo kinh tế của Nhật Bản đã đưa tin là Tập đoàn dầu khí PetroVietnam đang có kế hoạch mời các công ty Nhật Bản tham gia vào việc khai thác dầu khí.
Hiện vẫn chưa rõ mức độ chính xác của thông tin này đến đâu, khi mà chưa có sự xác nhận chính thức nào từ phía Việt Nam. Tuy nhiên, nếu thông tin đó là thật và phía Nhật Bản chấp nhận lời mời thì có thể nói là tình hình tranh chấp giữa các bên tại Biển Đông có thể sang một trang mới.
Từ khi diễn ra tranh chấp trên Biển Đông đến nay, phía Trung Quốc luôn tiến hành mọi cách nhằm giải quyết vấn đề bằng đám phán song phương. Còn Việt Nam, Philippines ngược lại lôi kéo các nước lớn khác vào khu vực này, nhằm đưa vấn đề ra bàn đàm phán đa phương.
Cụ thể, Việt Nam bước đầu thành công khi mời được tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga tham gia dự án khai thác khí đốt tại hai lô 5.2 và 5.3.
Về phía Philippines là một thỏa thuận hợp tác quân sự được ký kết với Nhật Bản vào ngày 27/9/2011. Tiếp sau đó là sự cam kết hỗ trợ hiện đại hóa lực lượng quân đội từ phía Tổng thống Mỹ Barack Obama sau cuộc họp với Tổng thống Philippines Benigno Aquino tại Nhà Trắng vào ngày 8/6 vừa rồi.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Thủ tướng Nhật Bản, ngài Noda Yoshihiko hồi tháng 7. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Chính phủ |
Việc Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng mạnh mẽ đã đụng chạm đến vị trí chiến lược của Nhật Bản tại khu vực Đông Nam Á, đồng thời cũng đe dọa đến hải trình quan trọng để Nhật Bản tiếp cận với các nguồn tài nguyên mà nước này đang cần cho việc tái thiết nền kinh tế sau thảm họa động đất và sóng thần (88% lượng dầu mỏ mà Nhật nhập khẩu từ Trung Đông đi qua khu vực Biển Đông).
Trong bối cảnh Mỹ đang có những động thái mạnh mẽ nhằm thực hiện chiến lược "trở lại châu Á - Thái Bình Dương" thì rõ ràng Nhật - đồng minh thân cận của Mỹ, cũng đang rất muốn tham gia vào, từ đó sử dụng các tranh chấp tại Biển Đông để khẳng định vị thế cũng như bảo vệ lợi ích của mình ở Đông Nam Á.
Đặc biệt hơn khi chính bản thân Nhật Bản cũng đang có tranh chấp liên quan đến quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) với Trung Quốc.
Nhật cũng có lí do để lo lắng bởi nếu áp đặt được các nước khác trong tranh chấp ở Biển Đông, cụ thể là sự chiếm đoạt quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough, thì Trung Quốc có thể sẽ dùng cách tương tự để đem vào giải quyết các tranh chấp với Nhật.
Vì thế, việc cân bằng sức mạnh trên Biển Đông có ảnh hưởng lớn đối với an ninh ở khu vực biển xung quanh Nhật Bản, đặc biệt đối với vùng biển Hoa Đông.
Gần đây, Nhật liên tục bày tỏ lo ngại về chính sách bành trướng trên biển của Trung Quốc tại các cuộc họp của ASEAN. Nhật cũng đang tích cực ủng hộ Mỹ trong việc gia tăng các lợi ích an ninh ở khu vực Biển Đông. Cụ thể là Nhật đang định tạo ra một khuôn khổ hợp tác Mỹ - Nhật với các quốc gia ASEAN nhằm gây sức ép buộc Trung Quốc tuân thủ các quy định quốc tế.
Theo AJW, một nhật báo hàng đầu của Nhật đưa tin thì Nhật cũng đã từng đưa ra kế hoạch thành lập một diễn đàn mới về an ninh hàng hải nhân Hội nghị Thượng định Đông Á EAS được tổ chức tại Indonesia vào ngày 19/6 năm ngoái. Mục đích không gì khác ngoài việc ngăn chặn sự bành trướng trên biển của Trung Quốc. Tuy nhiên, Nhật đã không có được ủng hộ từ các nước khác, vì đa phần đều muốn "đầu tư" vào diễn đàn có sẵn như ASEAN hơn.
Tại hội thảo "Hai nền dân chủ trên biển: Vì một châu Á an toàn và tốt đẹp hơn" ngày 20/9/2011 ở New Delhi, cựu thủ tướng Nhật Shinzo Abe còn lên tiếng ủng hộ Ấn Độ tiếp tục thăm dò khai thác dầu khí ở biển Đông. Đây dường như là động thái có tính toán của Nhật nhằm thúc đẩy quan hệ song phương với Ấn Độ - một nước có nhiều lợi ích chiến lược trong việc ngăn cản Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng.
Trước đó, vào đầu năm 2011 thì lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JMSDF) cũng đã có mặt ở ngoài khơi bờ biển Brunei để tham gia một cuộc tập trận quân sự chung quy mô nhỏ với lực lượng hải quân Mỹ và Australia. Gần đây là vào ngày 28/5/2012, Nhật đã đưa ba tàu chiến hiện đại của mình đến thăm Philippines chỉ ít ngày sau sự xuất hiện bất ngờ của tàu ngầm tấn công USS North Carolina - Mỹ xuất hiện trên cảng Subic, giúp đỡ đào tạo cho lực lượng Cảnh sát biển, nhằm hợp tác nâng cao khả năng bảo vệ hàng hải và lãnh thổ cho quốc gia này.
Trước đó, phía Nhật Bản còn ra thông báo là sẽ cung cấp cho Philippines 10 tàu tuần tra loại 40 theo hình thức ODA, cùng với đó là "tặng" theo hình thức "viện trợ không hoàn lại" 2 tàu tuần tra loại lớn nhằm lực lượng Cảnh sát biển Philippines tăng sức mạnh phòng thủ so với việc chỉ có duy nhất 1 chiếc tàu tuần tra đang làm "nhiệm vụ" tại bãi Scarborough như hiện nay. Điều này đã chứng tỏ Nhật không chỉ "dùng lời nói" để tỏ ra quan tâm đến biển Đông mà còn có hành động cụ thể hỗ trợ các nước Đông Nam Á trong tranh chấp với Trung Quốc.
Với những động thái nhằm can thiệp tình hình Biển Đông ngày càng gia tăng về tần suất lẫn cường độ, có thể Nhật Bản đang chờ một cơ hội, hay chính xác hơn là một "lời mời" chính thức từ chính những người trong cuộc để danh chính ngôn thuận nhảy vào Biển Đông.
Nhật còn một lí do khác để can thiệp trực tiếp vào Biển Đông là việc xuất hiện cái tên "Nhật Bản" trong khu vực này cũng sẽ thu hút thêm sự chú ý của dư luận quốc tế. Từ đó Nhật sẽ dễ dàng làm cho hai vấn đề tranh chấp Senkaku-Biển Đông cùng song hành với nhau như hai vấn đề tương tự, khi đó thì dĩ nhiên sự ủng hộ của dư luận thế giới đối trong tranh chấp với Trung Quốc.
Các quốc gia Đông Nam Á nói chung có lẽ đều tin rằng việc chủ động phối hợp với Nhật Bản sẽ làm tăng vị thế của mình trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc. Cũng như với sức mạnh và ảnh hưởng của mình, cùng sự phối hợp của Mỹ, Nhật Bản có thể "kéo" Trung Quốc tham gia vào đàm phán đa phương.
Từ sách lược trở thành chiến lược liệu sẽ khởi động bằng việc Nhật chấp nhận lời mời khai thác từ phía Việt Nam như một cách khẳng định lại lợi ích của mình tại khu vực?
Nghĩa Huỳnh - Hà Mai