Theo đó, tất cả mặt hàng ngoại trừ thực phẩm và gỗ xẻ sẽ phải được chính phủ Nhật Bản cấp phép trước khi xuất khẩu. Đây tiếp tục là một "bước lùi" trong mối quan hệ vốn không mấy tốt đẹp giữa hai nước.
Trước đó, chính phủ Nhật Bản tuyên bố từ ngày 4/7, các nhà cung ứng phải được cấp phép trước khi xuất khẩu 3 loại hóa chất quan trọng trong ngành bán dẫn sang Hàn Quốc. Quá trình xem xét có thể mất đến 3 tháng, trong khi các nhà sản xuất chip Hàn Quốc thường chỉ dự trữ linh kiện và nguyên liệu đủ dùng trong 1-2 tháng.
Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko cho biết các nhà cung ứng vẫn có thể xuất khẩu nếu thực hiện đúng quy trình. Ảnh: Nikkei Asia Review |
Động thái mới của chính phủ Nhật Bản nhằm thắt chặt quy trình kiểm soát đối với 3 loại hóa chất trên. Theo Nikkei Asia Review, các nhà cung cấp linh kiện bán dẫn như Samsung Electronics và SK Hynix sẽ rơi vào khủng hoảng, không thể sản xuất khi lượng hàng dự trữ hết trong thời gian tới.
“Đó không phải là một lệnh cấm xuất khẩu. Các công ty vẫn có thể xuất khẩu nếu họ đảm bảo đầy đủ điều kiện và thực hiện đúng quy trình”, Hiroshige Seko, Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản tuyên bố.
Ông Seko cho biết thêm việc loại bỏ Hàn Quốc ra khỏi “danh sách trắng” sẽ chỉ khiến nước này bị đối xử ngang hàng với các nền kinh tế châu Á khác như Đài Loan. Ông cũng nhấn mạnh động thái trên sẽ không gây ra bất cứ vấn đề lớn nào cho tình hình sản xuất của Hàn Quốc.
“Chúng tôi sẽ phản ứng mạnh mẽ với các quyết định kinh tế không công bằng của Nhật Bản. Hàn Quốc sẽ chống lại Nhật Bản nếu nước này gây thiệt hại cho chúng tôi”, Moon Jae-in, Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố.
Quyết định của Nhật Bản có thể lan rộng ra khắp thế giới khi Hàn Quốc chiếm 70% thị phần thị trường bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động (DRAM) và 50% thị phần bộ nhớ flash NAND. Samsung cũng đang dẫn đầu thị trường chip về doanh thu, trong khi SK Hynix đứng thứ ba.
Người dân Hàn Quốc phản đối quyết định mới của chính phủ Nhật Bản. Ảnh: AP |
Tất cả smartphone, máy tính đều cần những con chip nhớ. Chip nhớ của SK Hynix và Samsung được sử dụng trong các thiết bị như iPhone của Apple, điện thoại Huawei, máy tính HP, Lenovo và kể cả TV Sony, Panasonic...
Một nguồn tin từ hãng chip SK Hynix cho biết họ không có đủ hàng dự trữ cho 3 tháng sắp tới, và sẽ phải ngừng dây chuyền sản xuất nếu không thể mua các nguyên liệu cần thiết từ Nhật Bản trong thời gian này.
Trong khi đó, Samsung cho biết hãng vẫn dự trữ các vật liệu đó. Tuy nhiên, công ty đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế vì không rõ tranh chấp giữa hai nước sẽ kéo dài bao lâu.
"Những bất ổn ngày càng gia tăng do xung đột thương mại đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động kinh doanh của chúng tôi", Robert Yi, người phụ trách mảng quan hệ với các nhà đầu tư của Samsung cho biết.
Theo Zing
Doanh thu smartphone của Samsung đang sụt giảm mạnh
Mảng kinh doanh chip và smartphone của Samsung đều sụt giảm. Điều này khiến lợi nhuận quý II/2019 của hãng giảm 56%.