- Nước Nhật, trong cơn khủng hoảng nặng nề về nguồn điện năng, vừa tung ra “bài toán tái sinh điện hạt nhân” bỗng phút chốc được mọi người trầm trồ là đang ngồi trên “một núi vàng” năng lượng.
Các lò phản ứng được thẩm định là an toàn theo các quy chuẩn nghiêm ngặt của NRA sẽ được tái khởi động. (Nguồn: Kyodo/TTXVN) |
Vấn đề là một vùng đáy biển chạy dài từ Shizuoka đến Wakayama ngoài khơi thuộc lãnh hải phía Nhật Bản được xác định là đang tích trữ khối khí mêtan tương ứng với 10 năm nhu cầu khí đốt của Nhật. Vậy mà, theo giới nghiên cứu, trữ lượng ở đây còn không bằng ở vùng đang có cuộc thăm dò ở Biển Nhật Bản. Ứớc tính, Nhật Bản có thể sở hữu tổng cộng một lượng khí mêtan hydrat đáp ứng tiêu thụ một thế kỷ hay lâu hơn.
Cuộc thăm dò đầu tiên tiến hành vào tháng 6/2013 ở Biển Nhật Bản nhằm ước tính khối lượng khí mêtan nằm dưới đáy biển. Đồng thời các viện nghiên cứu tư nhân cũng vào cuộc. Ngày 15/04 cuộc thăm dò tiếp tục, kết hợp viện nghiên cứu khoa học quốc gia AIST và các chuyên gia thuộc trường Đại học tư Meiji. Ngoài ra, từ đầu tháng 6 đến đầu tháng 7/2014, một chiến dịch thu thập mẫu cũng được dự kiến.
Khí mêtan hyđrat, có khi còn gọi là ‘nước đá cháy’ hay ‘băng cháy’, là một dạng khí mêtan bị kẹt trong một cấu trúc tinh thể nước, tạo thành một chất rắn tựa như băng, ổn định ở điều kiện nhiệt độ thấp và áp suất cao, và phần lớn được tìm thấy bên dưới lớp băng vĩnh cửu và những tầng địa chất sâu bên dưới lòng đại dương.
Do đặc tính này, kế hoạch rộng lớn hơn của Nhật Bản nhằm khai thác nguồn khí metan được dự kiến là sẽ chỉ thực hiện được sau năm 2020 thôi. Lý do: Nhật Bản, dù là nước tiên tiến nhất trong lãnh vực này, nhưng cũng phải mất nhiều năm đề hoàn thiện công nghệ, kỹ thuật khai thác, cũng như nghiên cứu cách giảm chi phí vốn rất to lớn vì phải lấy khí từ dưới đáy biển khơi.
Như vậy, so với công nghệ về nhiên liệu hạt nhân, loại khí “vàng” này, dù đã được phát hiện ở nhiều vùng chung quanh Nhật Bản, nhưng còn quá sớm để khai thác đại trà, do những nguyên nhân vừa kỹ thuật, vừa kinh tế.
Vì vậy, chắc hẳn Nhật Bản chỉ đang tính đến bài toán trước mắt - bài toán tái sinh điện hạt nhân với "Kế hoạch năng lượng cơ bản" vừa công bố ngày 11/4/2014.
Minh Trần
TIN LIÊN QUAN