Trước kỳ nghỉ Tết, Trần Linh đã lái xe từ Ôn Châu (Chiết Giang) đến thành phố Thượng Nhiêu (tỉnh Giang Tây, Trung Quốc) để thăm bạn bè. Dịch bệnh viêm phổi do virus corona chủng mới đột nhiên trở nên nghiêm trọng và nhiều nơi bắt đầu kiểm soát chặt chẽ việc tiếp cận đường cao tốc. Dịch cũng trở nên nghiêm trọng ở Ôn Châu khiến anh không thể trở lại, đồng thời cũng không về quê An Huy, trong khi vợ anh đang ở Tứ Xuyên.

Tình thế trớ trêu khiến Trần Linh không có nơi nào để đi ngoài việc tạm trú tại một nghĩa trang. Trong 11 ngày đầu tiên, anh đã phải ngủ trên xe nghĩa trang ấy. Để tự cứu mình, Trần Linh mua nồi cơm, gạo và tự nấu cháo ăn cầm chừng. Nhiều lần anh định về Ôn Châu nhưng đều bị chặn lại khi lái xe ra cao tốc.

Cuối cùng, Trần Linh được quận Vĩnh Gia, thành phố Ôn Châu tiếp nhận và anh hiện đang trong thời gian cách ly 14 ngày.

Câu chuyện của Trần Linh đã khiến anh trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội ở Trung Quốc và dưới đây là nhật ký 15 ngày “tự giam cầm” trên ô tô khiến anh được nhiều người biết đến. Vietnamnet xin lược dịch gửi tới bạn đọc.

Nghĩa trang thành nhà ở bất đắc dĩ

Kỳ nghỉ Tết sắp bắt đầu. Tôi lái xe từ Ôn Châu (Chiết Giang) đến Thượng Nhiêu, Giang Tây để gặp bạn bè. Tôi đã bị căng thẳng vào thời điểm đó. Tình hình dịch bệnh ngày càng tồi tệ hơn. Tôi được một người bạn thông báo rằng Ôn Châu bắt đầu cấm các nhà hàng mở cửa.

Vào ngày đầu tiên của năm mới, tôi không muốn làm phiền bạn bè nữa, nhưng tôi không thể về, mọi ngả đường lên cao tốc đều bị chặn và họ yêu cầu tôi quay xe trở lại. Đừng nhìn tôi như một người đàn ông mạnh mẽ. Tôi đã là một đứa trẻ ốm yếu từ khi còn nhỏ và và sức đề kháng của tôi rất kém.

{keywords}
Trần Linh trước một trạm thu phí vào cao tốc bị đóng cửa

An toàn là trên hết. Tôi lái xe trở về nhà của bạn tôi ở Giang Tây, nhưng làng của anh ta đã bị phong tỏa để ngăn người ngoài vào.

Điều đầu tiên cần giải quyết là vấn đề ăn uống. Tôi không có thức ăn trong xe. Nhà hàng nhỏ ở làng gần đó vẫn mở. Tôi có thể mua thức ăn. Nhưng ngay sau đó, quản lý của nhà hàng đã thay đổi không bán khi thấy tôi nói giọng không phải địa phương.

Tôi đã đi đến siêu thị để mua mì ăn liền và nước khoáng, và lái xe đến một nghĩa địa vào ban đêm. Nhiệt độ ở đây rất thấp vào ban đêm nhưng tôi không thể bật điều hòa vì tôi sợ bị ngộ độc nếu ngủ quên. Rất may, một chiếc chăn bạn tôi cho lúc lên đường đã giúp ích vào lúc này.

Tôi cao 1,65 m, và khi ngủ phải ngửa ghế lái ra sau. Thật khó chịu khi ngủ, đôi chân không đủ ấm, không thể duỗi chân…

Tôi không dễ dàng chợp mắt khi “hàng xóm” xung quanh là những ngôi mộ. Ngủ với đèn tắt, xung quanh tối om khá rợn. Khi bật đèn trong khoang xe, hơi nóng tôi thở ra khiến kính cửa sổ và kính chắn gió bị hấp hơi. Điều đó khiến tôi cảm thấy như ai đó đang nhìn tôi từ bên ngoài. Thật khá căng thẳng.

Tôi đành chỉ biết trùm chăn lên đầu và xem tin tức qua điện thoại. Và rồi, tôi ngủ thiếp đi lúc ba giờ rưỡi sáng và thức dậy lúc tám giờ rưỡi sáng.

Những ngày đầu khó khăn

Tôi không thể ở trong xe 24 giờ một ngày. Tôi lái xe đi loanh quanh nhưng các trạm gác được mọc lên khắp nơi.

Tại một trạm kiểm soát, người ta chặn tôi lại hỏi tôi làm gì ở Ôn Châu khi thấy biển số xe. Một vài dân làng đến và mắng tôi, nói rằng tại sao lại mang dịch bệnh đến đây.

Cảnh sát và lãnh đạo thị trấn sau đó cũng đến. Lãnh đạo thị trấn động viên tôi rằng, đừng trách dân làng vì nhận thức của họ chưa cao. Tôi chấp nhận lời xin lỗi.

{keywords}
Không thể lái xe về Ôn Châu, mọi nơi Trần Linh dừng đều bị người dân và cảnh sát tra hỏi khi thấy biển số xe từ vùng dịch Ôn Châu. Ảnh minh họa.

Vào ngày thứ tám.

Cảnh sát yêu cầu tôi phải rời đi và hướng dẫn tôi lối vào cao tốc. Ngay khi cảnh sát rời đi, tôi lái xe trở lại nghĩa trang bởi biết rằng mình chẳng thể đi được xa.

Có một ngôi làng dưới nghĩa trang. Vào ngày thứ mười, bỗng, một người đàn ông nhìn thấy biển số xe Ôn Châu của tôi và và chủ động trò chuyện. Người này nói rằng đã sống 21 năm ở thành phố Nhạc Thanh, Ôn Châu. Vì vậy tôi đã thoải mái kể với anh ấy về tình hình của mình.

Ngày hôm sau, anh ấy đến trò chuyện với tôi một lần nữa, nói rằng dịch bệnh sẽ không tốt hơn trong ngày một ngày hai và khuyên tôi nên mua nồi cơm điện. Tôi không có điện và anh ấy nói sẽ cố gắng giúp tôi mượn điện.

Tối hôm đó tôi đi siêu thị và mua nồi cơm, gạo, đồ ăn nhẹ và nước. Ngay khi tôi trả tiền, cảnh sát xuất hiện bởi có lẽ, ai đó gọi cảnh báo. Cảnh sát lại hỏi tại sao tôi vẫn ở đây, và yêu cầu tôi đi đến trung tâm y tế để kiểm tra.

Tôi đã được đưa đến một trung tâm y tế gần đó, kiểm tra nhiệt độ, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu và các que thử khác. Mọi thứ đều bình thường.

Cảnh sát cho biết, thành phố Thượng Nhiêu sẽ đóng cửa và một lần nữa, yêu cầu tôi phải lái xe đi và họ sẽ hộ tống ra đường cao tốc. Tôi giải thích rằng, tôi cũng đã nghe những nơi khác cũng bị đóng cửa và không thể quay lại Ôn Châu.

Giám đốc bệnh viện tại đây đã cấp giấy xác nhận khám sức khỏe của tôi là bình thường. Ông nói rằng với giấy tờ này, nó sẽ giúp tôi đi đến được nơi khác.

Cuối cùng, xe của bệnh viện đi trước, xe của tôi ở giữa, và phía sau là xe cảnh sát.

Khi đến đường cao tốc, họ dừng lại và nói: “Đây là ngã tư vào cao tốc, hãy lái xe chậm và chúng tôi sẽ đợi ở đây.” Tôi hiểu họ muốn nhấn mạnh rằng, đừng bao giờ quay trở lại.

Nơi ẩn náu

Từ cao tốc, tôi lái xe đến khu vực dịch vụ gần nhất ở Giang Tây. Chỉ có một siêu thị mở cửa. Bây giờ tôi đã có một nồi cơm và gạo. Tôi có thể nấu cháo. Nhưng tôi không có điện.

Tôi gặp một lao công tại đây và đề nghị mượn điện. Tuy nhiên, cô ấy đã từ chối giúp đỡ bởi, cô ấy chỉ là một công nhân thời vụ và không có quyền quyết định được việc này. Nhưng sau đó, người phụ nữ tốt bụng đó đã dẫn tôi đến phòng nghỉ của mình và cho tôi dùng điện, nhưng dặn là phải giữ bí mật.

Tôi bắt đầu nấu cháo. Sau khi chờ đợi hai tiếng, tôi mở nắp, vẫn là gạo và nước. Sau khi nghiên cứu một hồi lâu, tôi thấy rằng hóa ra mình chưa bật nút nấu. Tôi không sợ mọi người cười vì từ nhỏ đến lớn đã bao giờ tôi phải nấu cơm đâu.

Cuối cùng thì cháo cũng nấu xong, nhưng không có thìa để ăn. Tôi đến siêu thị nhưng họ không có thìa để bán riêng. Tôi đành mua 8 hộp cháo ăn liền để có cái thìa nhựa đi kèm trong đó.

{keywords}
Nồi cháo tự nấu và chiếc thìa tận dụng khi mua ở siêu thị

Tôi chỉ lấy hai bộ quần áo khi đi khỏi Ôn Châu và đến giờ nó có mùi rất tệ. May mắn, cô lao công đã cho tôi mượn chỗ giặt nhờ.

Tôi tìm một nơi phơi chờ quần áo khô. Nhưng trời mưa to khiến nó ướt sũng và rơi xuống đất. Sau khi giặt lại một lần nữa, tôi đã cẩn thận mua một chiếc ô với giá 30 Nhân dân tệ để che.  Thế nhưng, vận đen vẫn đeo bám, một cơn gió đã khiến cả chiếc ô và quần áo rơi xuống đất một lần nữa.

Khu vực dịch vụ này chắc chắn là nơi ẩn náu tuyệt vời của tôi. Tuy nhiên, cho đến ngày 8/2/2020, tức ngày mười lăm tháng giêng âm lịch, tôi quyết định ra đi.

Ngày về

Trong suốt những ngày phải sống trên xe, qua 3 tài khoản WeChat có hơn 10.000 bạn bè. Họ đã giúp tôi hỏi về rất nhiều tin tức, bao gồm các chính sách điều trị bệnh dịch ở nhiều nơi.

Sự bùng phát dịch ở Ôn Châu vẫn còn nghiêm trọng. Nhưng tôi đã chán ngấy với việc bị trục xuất, và quá chán những ngày lang thang. Tôi không muốn đi đâu khác, tôi chỉ muốn quay lại Ôn Châu.

Tôi có tình cảm đặc biệt với Ôn Châu. Năm 2000, tôi đến Ôn Châu và làm việc trong một khách sạn suốt 9 năm. Vào năm 2009, tôi đến thành phố Nhạc Thanh. Từ một đầu bếp ký hợp đồng cho 20 khách sạn, tôi tích lũy được một ít tiền.

Năm 2015, tôi đã đầu tư thêm 200.000 Nhân dân tệ vào một khách sạn và bắt đầu con đường kinh doanh. Dịch bệnh lần này và những khoản đầu tư trước đó thất bại khiến việc kinh doanh của tôi sẽ càng khó khăn. Nhưng đó vẫn là nơi tôi muốn về lúc này.

Vào 9 giờ sáng ngày 8/2, trước khi rời đi tôi đến gặp người lao công nói lời tạm biệt, nhưng cô ấy không ở đó.

Trên đường trở về Ôn Châu, tôi đã cố tình bật nghe bài hát "Quê hương" phổ thơ Từ Vị. Cảm giác ở một vùng đất xa lạ, bị người khác tố giác, bị đuổi đi, không phải là một hương vị dễ chịu.

Có một số lối vào Ôn Châu. Hai trạm đầu tiên đã không cho tôi vào và thuyết phục tôi quay xe trở lại. Chập tối cùng ngày, tôi đến trạm thu phí phía đông Ôn Châu và nó không bị đóng cửa.

Sau khi qua trạm thu phí, tôi lái xe đến thành phố Nhạc Thanh. Tôi bị cảnh sát chặn lại ngay khi đang ở trên cầu.

{keywords}
Trần Linh lái xe và có xe cảnh sát dẫn đường

Cảnh sát giao thông ban đầu khăng khăng đòi tôi quay lại. Tôi đã thiếu ăn nhiều ngày, cùng với sự lo lắng, mặt tôi tái nhợt, tim tôi đập nhanh và cơ thể tôi không thể chịu đựng được nữa. Tôi quyết chống lệnh.

Họ gọi điện thoại cho lãnh đạo. Người lãnh đạo tiếp tục khuyên nhủ tôi. Khi họ rời đi, tôi dừng lại bên đường và bắt đầu khóc.

Vào thời điểm này, tôi đã bắt đầu được biết đến trên Internet nhờ một bài viết về hành trình lang thang 14 ngày, chỉ vài giờ sau khi xuất bản đã đạt trên 2 triệu lượt xem. Và một số phương tiện truyền thông ở Chiết Giang đang giúp tôi gọi đến đường dây nóng của thị trưởng. Người lãnh đạo ở đây sau khi nghe chuyện và biết tình trạng thể chất của tôi đang thực sự tồi tệ. Cuối cùng, huyện Vĩnh Gia (Ôn Châu) đã chấp nhận đón tôi.

Cảnh sát giao thông sau đó trở lại mang cho tôi cam và mì ăn liền. Điều đó giúp cho tôi cảm thấy tốt hơn nhiều.

Tôi đã đến huyện Vĩnh Châu sau đó và bắt đầu trải qua chuỗi ngày cách ly trong 14 ngày. Nếu dịch bệnh đã qua, điều tôi muốn làm nhất là mở lại một khách sạn để tiếp tục đam mê kinh doanh.

Đình Quý (theo Sohu)

Lo ngại nhiễm virus corona, dân lái taxi chăm chỉ khử trùng xe mỗi ngày

Lo ngại nhiễm virus corona, dân lái taxi chăm chỉ khử trùng xe mỗi ngày

Lo ngại dịch viêm phổi Vũ Hán, các tài xế taxi Việt giờ đây cũng kín bưng khẩu trang khi lái, lau rửa xe khử trùng hàng ngày. Nhiều tài xế lo méo mặt vì lượng khách đi lại sụt giảm.