Bà B.T.T (55 tuổi, trú tại Hà Nội) sau buổi làm cỏ ở vườn xuất hiện điểm ngứa ở mu bàn tay. Ban đầu chỉ là các nốt, ngày hôm sau, hình thành đường ngoằn ngèo trên bàn tay. Bệnh nhân đi khám ở tuyến huyện nhận kết luận do nhiễm ký sinh trùng sau đó đến Bện viện Đặng Văn Ngữ thăm khám. 

“Lúc này tôi hoảng sợ, cảm giác như có con gì đó đang di chuyển dưới da, kèm theo sưng và ngứa rất khó chịu. Sau đó, tôi đến bệnh viện huyện thăm khám, được chẩn đoán nhiễm ký sinh trùng. Các bác sĩ cho thuốc về điều trị tại nhà nhưng tình trạng không thuyên giảm”, bà T. cho hay. 

BS Tạ Huy Hải, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, cho biết, bệnh nhân được làm xét nghiệm, được chẩn đoán là ấu trùng di chuyển dưới da, xét nghiệm dương tính với ấu trùng chó mèo. Phác đồ điều trị cho ấu trùng dưới da là 5-7 ngày.

Hình ảnh bàn tay bà T. bị ấu trùng xâm nhập

Sau 3 ngày nhập viện, tay của bà T. giảm dần triệu chứng ngứa, đường ngoằn ngoèo cũng không còn di chuyển. BS Hải thông tin thêm: “Sự di chuyển của ấu trùng dưới da tùy trường hợp, có trường hợp ngày đi khoảng 1,5- 2,5 cm. Nhiều bệnh nhân chỉ có 1 ấu trùng chạy nhưng có người lại 2, 3 ấu trùng, mỗi con chạy một hướng dưới da”. 

Trường hợp bà T. được xác định là nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo do tiếp xúc với ấu trùng trong quá trình làm nông nghiệp. Với ấu trùng giun đũa chó mèo, dù người bệnh không có vết thương hở ấu trùng vẫn có thể xâm nhập qua kẽ hở của lớp biểu bì trên da. 

Khi xâm nhập qua da, ấu trùng “chạy” dưới da gây viêm da, sưng, nóng và đau. Ấu trùng giun đũa chó mèo không có khả năng sinh sản khi xâm nhập vào da, một số ấu trùng sau một thời gian ngắn có thể thoái triển và chết đi. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp ấu trung phát triển nhanh chóng, lan rộng gây nguy cơ viêm nhiễm, thậm chí có thể gây nhiễm trùng máu.

“Với loại ấu trùng này, hiện nay có thể sử dụng thuốc để điều trị. Sau 3 ngày điều trị, các triệu chứng của bà T. đã giảm, hết sưng, ngứa, ấu trùng không di chuyển nữa”, BS Hải thông tin.

TS.BS Trần Huy Thọ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: VietNamNet

TS.BS Trần Huy Thọ - Phó giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cũng khuyến cáo, ấu trùng giun đũa phát triển mạnh ở khí hậu nóng, ẩm như Việt Nam. Đối với người dân làm nông cần cẩn trọng khi tiếp xúc với nguồn đất có phân chó, mèo. Khi tiếp xúc với đất người dân cần đeo gang tay cao su để giảm tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh. Bên cạnh đó, sau khi làm vườn cần vệ sinh sạch sẽ tay, chân, những vị trí tiếp xúc trực tiếp với nguồn đất. 

Trong trường hợp xuất hiện các nốt ngứa, sưng, tạo thành đường di chuyển dưới da nên đến cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị sớm.