Theo tổng hợp báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình thực hiện Nghị quyết 115/2020 của Chính phủ về các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ, một số nhiệm vụ được giao cho các Bộ, ngành tại Nghị quyết này vẫn chưa được triển khai thực hiện.

Sản xuất tại Công ty Cao su 175 (ảnh: Băng Dương)


Bộ Tài chính chưa triển khai nhiệm vụ: xây dựng cơ chế thu kinh phí xử lý sản phẩm thải bỏ đối với các sản phẩm nhập khẩu do các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường chưa có quy định về việc xử lý các sản phẩm thải bỏ của ngành điện tử, ô tô; các nội dung liên quan đến sửa đổi các chính sách về ưu đãi thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô).

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai tuy nhiên các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ không phải là đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi về đất đai, hỗ trợ xử lý các vấn đề về môi trường và hỗ trợ tiếp cận đất đai; danh mục hoạt động bảo vệ môi trường được hỗ trợ, ưu đãi không bao gồm các dự án dệt nhuộm, thuộc da có đầu tư hệ thống xử lý nước thải; sản xuất, tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường được cấp nhãn sinh thái;...

Một số nhiệm vụ khác được giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Nghị quyết số 115/NQ-CP cũng chưa được triển khai.


Mặc dù các Bộ, ngành đã chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao tuy nhiên kết quả và hiệu quả vẫn chưa thực sự rõ rệt. Một số vướng mắc, tồn tại tại các quy định hiện hành vẫn chưa được các Bộ, ngành quan tâm nghiên cứu và tìm biện pháp tháo gỡ, gây ra tình trạng có chính sách những không triển khai trong thực tế hoặc hiệu quả triển khai rất thấp.

Ví dụ, các quy định về thuế vẫn còn nhiều bất cập, chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp; chính sách phát triển CNHT hiện nay còn thiếu các cơ chế đủ hữu hiệu để gắn kết giữa doanh nghiệp cung ứng và doanh nghiệp chế biến, chế tạo; chưa có chính sách tận dụng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp chế xuất (chủ yếu là doanh nghiệp FDI) để nâng cao giá trị gia tăng trong nước của sản phẩm chính và phát triển chuỗi cung ứng tại ngay chính thị trường nội địa; chính sách thu hút đầu tư FDI vào các ngành sản xuất sản phẩm CNHT cũng chưa đủ hấp dẫn để thu hút được những các nhà đầu tư lớn, có vai trò làm động lực lan tỏa cho cả ngành. 


Các địa phương cũng chưa chủ động trong việc nghiên cứu, xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách mới nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng phát triển.

Hiện nay, chỉ có khoảng 16/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã xây dựng và ban hành Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của địa phương như TP. Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Đà Nẵng...Sự phối hợp giữa các cơ quan cấp trung ương và các địa phương trong quá trình triển khai và thực thi các chính sách còn thiếu chặt chẽ, gắn kết làm giảm tính hiệu quả của các cơ chế, chính sách ban hành.

Phương Linh