Thực hiện hiệu quả mô hình “Ba yên”

Là huyện biên giới nằm ở phía Tây của tỉnh Nghệ An, cách trung tâm thành phố Vinh gần 250 km, chiều dài đường biên giới hơn 203 km, đồng bào DTTS chiếm tới 94,5% dân số. Những năm qua, huyện Kỳ Sơn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào các DTTS với nhiều cách làm mới, cách làm hay, tạo được hiệu ứng tích cực và có tính lan toả rộng.

Do tập quán sinh hoạt nên đồng bào các DTTS nơi đây sinh sống chủ yếu ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; kinh tế phát triển chậm, trình độ dân trí thấp, nhận thức về pháp luật còn nhiều hạn chế. Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và cho đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện nói riêng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và trọng điểm, có vai trò hết sức quan trọng, nhất là trong việc góp phần thực hiện hiệu quả mô hình “Ba yên” tại huyện Kỳ Sơn (yên dân, yên địa bàn, yên biên giới). 

Để thực hiện hiệu quả mô hình này, thời gian qua, Đảng bộ và chính quyền huyện đã tập trung quán triệt, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn huyện.

Theo đó, nội dung tuyên truyền sẽ được gắn với nhu cầu tìm hiểu của đồng bào các DTTS như: Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống ma túy; Luật Căn cước công dân; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Giao thông đường bộ… các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống…

Trên cơ sở đó, nhiều hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai đa dạng, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Trong đó, ưu tiên việc đến tận thôn, bản, với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để phổ biến cho bà con do địa hình rộng lớn, nhiều nơi chưa có điện lưới quốc gia. Nhờ đó công tác tuyên truyền, phổ biến đã phát huy nhiều hiệu quả. 

Tính riêng trong năm 2022, toàn huyện đã tổ chức được 1.209 cuộc PBGDPL trực tiếp (tuyên truyền miệng) với 143.106 lượt người tham gia; in và cấp phát miễn phí 16.488 tờ gấp bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc (tiếng Mông) với nội dung phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Cùng với các cuộc phổ biến pháp luật trực tiếp, trong năm 2022, các cơ quan thành viên của Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện đã tổ chức 01 phiên tòa giả định với sự tham gia của hơn 1.300 em học sinh khối Trung học phổ thông; 15 phiên tòa xét xử vụ án lưu động về ma túy tại các xã biên giới với 15 vụ án, 18 bị cáo. UBND 21 xã, thị trấn đã tổ chức 91 cuộc truyên truyền lưu động bằng loa kéo đến các khối, bản; treo 95 băng rôn tại trụ sở làm việc và các trục đường giao thông liên xã, liên bản; PBGDPL trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở và khối, bản 420 lượt với tổng thời lượng là 15.610 phút. Ngoài ra, các tổ hòa giải ở cơ sở đã lồng ghép thực hiện PBGDPL cho 550 lượt người dân tại các khối, bản trên địa bàn huyện về các quy định pháp luật liên quan.

Trong năm 2022, UBND huyện Kỳ Sơn đã triển khai thực hiện những cách làm mới, cách làm hay để tuyên truyền PBGDPL phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của địa phương. Qua đó, nhận được sự hưởng ứng tích cực của các Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và bà con Nhân dân trong huyện.

W-nghe-an-1.jpg
Kỳ Sơn chú trọng công tác công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục giúp đồng bào DTTS nâng cao kiến thức pháp luật. 

Xây dựng xã biên giới sạch về ma tuý

Tháng 6/2023 là thời điểm sau hơn 1 năm huyện Kỳ Sơn xây dựng mô hình “Xã biên giới sạch về ma túy”. Đây là một cách làm mới để đẩy lùi nạn ma tuý và tội phạm ma tuý trên địa bàn.

Để mô hình triển khai hiệu quả, huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục phòng, chống và bài trừ ma túy ra khỏi xã hội, qua đó đã tổ chức được hơn 960 buổi, tại 191/191 bản/làng, thu hút hơn 120.000 lượt người tham gia học tập; in ấn, treo 720 băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền; xây dựng 426 hòm thư góp ý, tố giác tội phạm, tiếp nhận thông tin về tội phạm ma túy; tổ chức xét xử lưu động 23 vụ án, với 29 bị can phạm tội ma túy; xây dựng 18/21 mô hình điển hình tiên tiến trong công tác tái hòa nhập cộng đồng. 

Bên cạnh đó, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm liên quan đến ma túy cũng được các lực lượng chức năng tập trung đấu tranh quyết liệt. Thời gian qua, các lực lượng chức năng của huyện đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 66 vụ, 80 đối tượng phạm tội về ma túy, trong đó có 8 chuyên án lớn, thu giữ 18,8 gam heroin, 12.600 viên ma túy tổng hợp,  cùng nhiều loại ma túy và vũ khí, công cụ hỗ trợ khác; tổ chức cho 100% người nghiện trện đại bàn áp dựng kịp thời các biện pháp cai nghiện.

Điều đáng mừng là, hiện tại, trên địa bàn 21 xã thị trấn của huyện Kỳ Sơn không có đối tượng, ổ nhóm, đường dây phạm tội về ma túy, hoặc có liên quan đến hoạt động tội phạm về ma túy. Và mới đây, UBND huyện Kỳ Sơn biểu dương và công nhận 18 xã, thị trấn “Xã sạch về ma túy”.

Với những mô hình hay, cách làm sáng tạo, đa dạng tronng công công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nội dung tuyên truyền sát với thực tế đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiểu biết và nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân đồng bào các DTTS, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Hoài Thanh và nhóm PV, BTV