Lời tòa soạn

Tại Cao Bằng và một số địa phương, có tình trạng triển khai dự án vội vàng, phá bỏ rừng khi chưa đảm bảo các trình tự thủ tục liên quan đến bảo vệ, phát triển rừng. VietNamNet phản ánh thực trạng nhiều diện tích rừng bị "xóa sổ" khi chưa thực hiện các bước chuyển đổi hoặc trồng rừng thay thế. 

Vội vàng 'xóa sổ' gần 30 hecta rừng

Buổi chiều giữa tháng 2/2023, anh Lâm - một người dân bản địa xã Đàm Thủy (Trùng Khánh, Cao Bằng) khoát tay chỉ về cánh rừng bị xẻ toang hoác cho biết, nhiều diện tích rừng đã bị đốn hạ, gỗ chuyển về thị trấn, còn lại con đường rải thảm gồ ghề. 

Đó là con đường tỉnh 206 từ xã Đàm Thủy đi cửa khẩu Lý Vạn (xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang, Cao Bằng) dài 24km, tổng mức đầu tư hơn 382 tỷ đồng. Dự án này do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cao Bằng làm chủ đầu tư; có 3 nhà thầu gồm: Công ty xây dựng công trình 568 (trụ sở Hà Nội), Công ty Anh Long và Công ty HPT đều có trụ sở tại Cao Bằng. 

Hàng chục hecta rừng bị "xóa sổ" khi Cao Bằng làm đường tỉnh 206.

Sau hơn một năm thi công, đến nay con đường cơ bản được thông tuyến, nhưng đồng thời cũng "xóa sổ" 28 hecta rừng tự nhiên (số liệu từ chủ đầu tư dự án - PV). 

Có mặt tại hiện trường thi công đường tỉnh 206, PV VietNamNet ghi lại hình ảnh đoạn đường dài khoảng 7km xé toạc cánh rừng thuộc địa phận xã Đàm Thủy. 

Con đường 206 tại thời điểm tháng 2/2023 đã rải nhựa toàn tuyến. Ông Nguyễn Đức Toàn, Phó Ban Quản lý dự án (Sở KH&ĐT Cao Bằng) xác nhận, dự án nêu trên được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Trung Thảo ký quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích công cộng làm đường giao thông năm 2017. Tổng diện tích chuyển đổi thời điểm đó là hơn 150 hecta rừng phòng hộ. 

Nhiều diện tích rừng bị chôn lấp trong đất, sỏi khi thi công dự án. 

Tuy nhiên, từ thời điểm ban hành quyết định chuyển đổi năm 2017 đến nay, chủ đầu tư dự án chưa thực hiện việc trồng rừng thay thế. Điều này cho thấy, việc tác động đến rừng tự nhiên là vội vàng, chưa tuân thủ các quy định hiện hành. 

Ngày 17/2/2023, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cao Bằng Nguyễn Thái Hà cũng xác nhận, dự án đường 206 đến nay chưa thực hiện trồng rừng thay thế theo quy định. Về nguyên tắc, khi chưa trồng rừng thay thế, đơn vị thi công không được tác động đến diện tích rừng thuộc dự án. Việc áp dụng trồng rừng thay thế được thực hiện theo Thông tư 13 năm 2019 của Bộ NN&PTNT. 

Đơn vị thi công tác động vào rừng khi chưa tuân thủ Thông tư 13 của Bộ NN&PTNT.

Bạt rừng tự nhiên khi chưa xin phép Thủ tướng

Không riêng đường tỉnh 206, dự án Tĩnh Túc - Phan Thanh - Mai Long (huyện Nguyên Bình, Cao Bằng) - Pắc Nặm (Bắc Kạn) thi công năm 2021 mà chưa được Thủ tướng chấp thuận chuyển mục đích sử dụng rừng. Dự án này cũng do Sở KH&ĐT tỉnh Cao Bằng làm chủ đầu tư. 

Dự án trên đã tác động tới hơn 24 hecta rừng, trong đó có hơn 7 hecta rừng tự nhiên. Theo quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017, đối với diện tích rừng tự nhiên, chủ đầu tư muốn thi công thì bắt buộc phải thực hiện thủ tục xin Thủ tướng cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. 

Khi thi công đường Tĩnh Túc - Mai Long, chủ đầu tư đã tác động hơn 7 hecta rừng tự nhiên.

Tuy nhiên, đến nay khi con đường đã thông tuyến, nhiều diện tích rừng bị tác động nhưng thủ tục trình Thủ tướng phê duyệt vẫn chưa được thông qua. 

Ông Đào Nguyên Phong, Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình cho VietNamNet biết, ở phạm vi cấp huyện, đơn vị phối hợp trong việc thực hiện giải phóng mặt bằng triển khai dự án. Trong việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2019, có 7,24 hecta thuộc diện thu hồi để phục vụ dự án. Trong đó, có gần 4 hecta là đất rừng phòng hộ và gần 1 hecta đất rừng đặc dụng. Còn lại là đất trồng lúa và loại đất khác. 

Khảo sát thực tế tại đường Tĩnh Túc - Mai Long cho thấy, dự án này được thực hiện trên nền đường cũ hình thành trước đó nhiều năm. Khi xây mới, đơn vị thi công mở rộng đường và tác động vào hơn 7 hecta rừng phòng hộ. 

Nhiều vị trí tuyến đường đi qua có tình trạng đất, sỏi vùi lấp cây cối. 

Theo báo cáo của UBND tỉnh Cao Bằng, tính đến tháng 4/2022, dự án đã thi công xong phần nền đường, do vậy, diện tích rừng trong khu vực triển khai dự án đã không còn. 

Còn ông Nguyễn Đức Toàn, Phó Ban quản lý dự án Sở KH&ĐT Cao Bằng thông tin, cuối năm 2021, dự án chính thức hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh, thực hiện các bước tiếp theo để chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Tuy nhiên, diện tích rừng đã bị tác động và không còn nên không có căn cứ để thẩm định. 

Theo điều tra của VietNamNet, ngoài hai tuyến đường nêu trên, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng còn xuất hiện nhiều vị trí rừng bị tác động khi chưa được Thủ tướng chấp thuận chuyển đổi. Nghiêm trọng hơn, có hàng nghìn m2 rừng đặc dụng bị "xóa sổ" khi triển khai dự án do các cơ quan thuộc UBND tỉnh làm chủ đầu tư.

Một tấm biển ghi nội dung cấm phá rừng đặc dụng tại đường Tĩnh Túc - Mai Long đi qua.

XEM CLIP:

Bộ NN&PTNT phát cảnh báo

Tháng 10/2022, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh (nay đã nghỉ hưu) ký văn bản gửi UBND tỉnh Cao Bằng yêu cầu kiểm tra, xử lý dự án tác động vào rừng tự nhiên. 

Theo văn bản trên, cuối tháng 9/2022, Chi cục Kiểm lâm vùng 1 phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Cao Bằng xác minh thông tin dự án đường tỉnh 206 và một số dự án khác có dấu hiệu tác động vào rừng tự nhiên. 

Đối với đường tỉnh 206, diện tích rừng bị tác động là 27 hecta rừng tự nhiên (trong đó có 20 hecta thuộc quy hoạch rừng phòng hộ) tại xã Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh) và xã Minh Long (huyện Hạ Lang).

"Kết quả xác minh dự án đã tác động vào rừng tự nhiên và có dấu hiệu vi phạm pháp luật về lâm nghiệp và pháp luật có liên quan", văn bản của Bộ NN&PTNT nêu và yêu cầu UBND tỉnh Cao Bằng kiểm tra hiện trường dự án, xử lý hành vi vi phạm. 

Ngày 17/2, trả lời VietNamNet, lãnh đạo Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT) cho biết, sau 4 tháng yêu cầu tỉnh Cao Bằng vào cuộc, đến nay Cục vẫn chưa nhận được báo cáo phản hồi.

Một lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng ngày 13/2 cho biết: "Đang cho cơ quan chuyên môn rà soát, tổng hợp và hoàn thành báo cáo gửi Bộ NN&PTNT trong thời gian sớm nhất". 

Kỳ 2: Rừng đặc dụng cũng bị xâm hại khi làm đường ở Cao Bằng