Điều 54 Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lấy ý kiến, quy định, một cổ đông là cá nhân không được được sở hữu vượt quá 3% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (hiện là 5%), trong khi tỷ lệ sở hữu đối với cổ đông là tổ chức không quá 10% (quy định hiện tại là 15%). Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. 

Theo Điều 124 của Dự thảo, tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng đối với những tổ chức, cá nhân là thành viên HĐQT (HĐTV), thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, pháp nhân là cổ đông có người đại diện phần vốn góp là thành viên HĐQT, thành viên ban kiểm soát của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần, pháp nhân là thành viên góp vốn, chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn; cha, mẹ, vợ, chồng, con của thành viên HĐQT (HĐTV), thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) và các chức danh tương đương.

Điều 126 của Dự thảo luật quy định về giới hạn cấp tín dụng: Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 10% vốn tự có của ngân hàng; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng.

Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 25% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 50% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Ảnh minh hoạ (Hoàng Hà).

Điều 134 của Dự thảo quy định, công ty con, công ty liên kết của cùng một công ty kiểm soát không được góp vốn, mua cổ phần của nhau. Công ty con, công ty liên kết của một tổ chức tín dụng không được góp vốn, mua cổ phần của chính tổ chức tín dụng đó. Tổ chức tín dụng đang là công ty con, công ty liên kết của công ty kiểm soát không được góp vốn, mua cổ phần của công ty kiểm soát đó.

Những quy định trên của Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cho thấy NHNN muốn quản chặt hơn tình trạng sở hữu chéo và lạm quyền cấp tín dụng cho một nhóm cổ đông tại ngân hàng, đồng thời sẽ siết chặt hơn giới hạn về cho vay và tỷ lệ sở hữu cổ phần của một hoặc một nhóm cổ đông tại ngân hàng.

Những điểm mới đó, nếu được thông qua, sẽ giúp tăng cơ hội sở hữu cổ phần tại ngân hàng của các nhà đầu tư tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, sẽ hạn chế được tình trạng sở hữu chéo, chống thao túng, hạn chế việc chi phối và thâu tóm ngân hàng. Các quy định này cũng sẽ chống lạm quyền cấp tín dụng và gia tăng cơ hội tiếp cận vốn ngân hàng cho người dân.

Trước đó, trong một hội nghị giữa các TCTD và doanh nghiệp BĐS đầu tháng 2/2023, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các TCTD cần tăng cường kiểm tra việc cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp, tập đoàn, dự án sân sau. Lý do, theo Thống đốc, "nếu tín dụng tập trung vào các doanh nghiệp là sân sau với mức độ tập trung lớn sẽ rất rủi ro" và yêu cầu "các ngân hàng cần phải quan tâm lưu ý việc này.”

Giảm dần sở hữu chéo

Thảo luận tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2022, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cần có giải pháp xử lý rốt ráo câu chuyện sở hữu chéo trong ngân hàng, vấn đề bất cập của thị trường trái phiếu để lành mạnh hoá và phát triển tốt hơn.

Báo cáo gửi tới Quốc hội trước đó, NNHH cho biết, bên cạnh việc hoàn thiện cơ sở pháp lý cho các tổ chức tín dụng xử lý sở hữu chéo, sở hữu vượt giới hạn quy định, cơ quan này tiếp tục nhận diện, có giải pháp kiểm soát, quyết liệt xử lý sở hữu chéo, vi phạm sở hữu cổ phần gắn với cơ cấu lại tổ chức tín dụng.

Theo NHNN, các tổ chức tín dụng vừa qua đã đẩy nhanh tiến độ xử lý vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu chéo qua chuyển nhượng, thoái vốn, sáp nhập, hợp nhất, mua lại. Tình trạng cổ đông, nhóm cổ đông lớn thao túng, chi phối ngân hàng đã được hạn chế, từng bước được kiểm soát.

Số cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đã được khắc phục. Sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng, doanh nghiệp giảm, đến nay chỉ còn tại một ngân hàng với một cấp sở hữu cổ phần lẫn nhau.