Từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong nước chịu áp lực từ những biến động khó lường của thị trường tài chính toàn cầu, cộng hưởng với những thách thức, khó khăn trên thị trường trong nước thời gian qua

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, tỷ giá có diễn biến tăng trong thời gian qua, nhưng việc lúc tăng, lúc giảm là điều hết sức bình thường.

Phát biểu giải trình về các giải pháp hạ nhiệt tỷ giá trước các đại biểu Quốc hội trong tuần, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết nhiều đồng tiền trong khu vực mất giá ở mức độ tương đối cao. Đối với Ngân hàng Nhà nước, trong môi trường kinh tế thế giới biến động như hiện nay, tỷ giá có lúc tăng, lúc giảm là điều hết sức bình thường. Chính phủ đã chỉ đạo phải ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối. Ngân hàng Nhà nước cũng theo dõi rất sát...

Với sự phát triển quay trở lại của sản xuất và tăng xuất khẩu trong thời gian tới, theo Thống đốc, điều này sẽ hỗ trợ cho cung-cầu ngoại tệ. Nhiều dự báo cho thấy tỷ giá vào cuối năm nay sẽ được hạ nhiệt và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để các doanh nghiệp yên tâm về sự điều hành của Chính phủ.

"Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để các doanh nghiệp yên tâm vấn đề điều hành của Chính phủ," Thống đốc nhấn mạnh.

W-sanxuat.png
Sản xuất đã quay trở lại và tăng xuất khẩu trong thời gian tới

Ứng phó với áp lực mất giá của đồng nội tệ, ngân hàng trung ương các nước có hai lựa chọn, hoặc bán ngoại tệ can thiệp hoặc tăng lãi suất đồng nội tệ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang sử dụng linh hoạt cả hai công cụ này, trong bối cảnh đồng USD trên thị trường quốc tế có thể còn tiếp tục neo cao khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang trì hoãn việc giảm lãi suất.

Mặc dù, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện hàng loạt các biện pháp như nâng lãi suất OMO (lãi suất linh hoạt) và lãi suất trúng thầu tín phiếu, tuy nhiên áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu dù trong tuần (27-31/5) đã giảm nhẹ.

Trong bối cảnh thách thức, khó khăn nêu trên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều hành linh hoạt, hài hòa, hợp lý, cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá, phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các giải pháp, công cụ chính sách tiền tệ theo sát diễn biến thị trường.

 Đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường, hấp thụ các cú sốc bên ngoài. Để hỗ trợ ổn định thị trường ngoại tệ, làm dịu sức ép lên tỷ giá trong điều kiện thanh khoản VND của các tổ chức tín dụng tương đối dư thừa, thu hẹp mức chênh lệch lãi suất âm trên thị trường liên ngân hàng như đề cập ở trên, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu với kỳ hạn và khối lượng phù hợp nhằm điều tiết lượng tiền VND dư thừa, hạn chế các yếu tố gia tăng áp lực lên tỷ giá.

Tiếp đó, từ ngày 19/4/2024, Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ can thiệp hỗ trợ thanh khoản thị trường để phục vụ các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế đồng thời bình ổn tâm lý thị trường, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Giải pháp điều tiết thanh khoản và bán ngoại tệ can thiệp được Ngân hàng Nhà nước thực hiện nêu trên cũng tương tự các giải pháp được các ngân hàng trung ương trong khu vực triển khai thời gian qua.

Mức giảm giá của VND thời gian qua có thể nhận định là mức trung bình so với các đồng tiền khác trong khu vực và trên thế giới (như đề cập ở trên). Với cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm và biên độ +/-5% hiện nay, tỷ giá thị trường đã có đủ dư địa để diễn biến linh hoạt.