Hiện, toàn tỉnh có khoảng 670 loài động vật, thực vật biển có giá trị kinh tế cao. Đà Nẵng còn nổi tiếng với hệ thảm cỏ biển, rạn san hô, rong biển. 

Tuy nhiên, hiện nay thực trạng các vùng biển thuộc Đà Nẵng cũng cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Đà Nẵng hiện có gần 1.500 tàu cá khai thác ven bờ với khoảng 5.000 lao động. Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát hiện xử lý nhanh các hoạt động khai thác ảnh hưởng tới nguồn lợi thủy sản, thành phố Đà Nẵng đã thành lập các tổ cộng đồng bảo vệ ven biển, với hơn 105 thành viên. Nếu có các tàu khai thác bất hợp pháp, các thành viên sẽ báo cáo cho cơ quan kiểm ngư, Bộ đội biên phòng xử lý.

Ngoài ra, UBND thành phố đã có nhiều giải pháp chuyển đổi nghề khai thác hải sản không đảm bảo môi trường, mang tính tận diệt sang nghề khai thác hải sản xa bờ, nuôi trồng thủy sản hoặc đổi nghề khác. 

ngu-dan.jpg
Đà Nẵng chuyển nghề cho ngư dân mang lại nhiều hiệu quả. 

Từ chục năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đà Nẵng đã triển khai chương trình hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân tại quận Sơn Trà, Thanh Sơn, thành phố Đà Nẵng. Qua đó, ngư dân đã chuyển đổi sang nghề khai thác xa bờ. Ngư dân khai thác gần bờ chuyển đổi nghề sang nghề lưới rê ba lớp, nghề lờ mực và nghề lồng bẫy ghẹ. Mô hình chuyển đổi nghề cho ngư dân sau đó được nhân rộng trong các quận, huyện khác của thành phố. 

Đến nay, Thành phố Đà Nẵng là một trong các địa phương đi đầu trong đánh bắt xa bờ, xóa sổ tàu đánh bắt gần bờ bằng thuyền thúng. Tàu gỗ cũng được hạn chế lại rất nhiều.  Thành phố mua lại tàu cá với giá 10-30 triệu đồng và hỗ trợ 10 triệu đồng sau khi chuyển nghề. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai đào tạo nghề miễn phí cho ngư dân.

 Với những ngư dân không thể ra khơi bám biển do nhiều tuổi hoặc không đủ khả năng kinh tế, thành phố cũng hỗ trợ chuyển đổi sang các nghề hợp lý cho ngư dân, trong đó có việc đưa họ tham gia các hoạt động du lịch. Một số ngư dân chuyển sang hành nghề chuyên chở du khách lặn ngắm san hô, phục vụ các tour tham quan trên biển, câu mực, câu cá…

Ông Võ Văn Nam, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà cho biết, trước đây ông làm khai thác tàu gỗ gần bờ, chủ yếu đi qua đêm là trở về. Từ năm 2016, gia đình ông chuyển nghề. Thay vì đánh bắt gần bờ, ông Nam chuyển sang làm nghề phục vụ khách du lịch câu mực đêm. Ba năm nay, du lịch bị ảnh hưởng do dịch bệnh ông Nam chuyển sang làm xe ôm công nghệ. Công việc cho thu nhập ổn định và nhàn hơn đi biển. Vợ ông trước đây hỗ trợ chồng trong các chuyển ra khơi hiện bà được hỗ trợ bán hàng tại chợ. 

Từ nay tới năm 2030, thành phố Đà Nẵng đưa ra các giải pháp khai thác đi kèm với thực hiện bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng sinh thái và thâm canh, ứng dụng công nghệ cao phù hợp với quy hoạch thành phố. Chi cục Thủy sản thành phố đã điều chỉnh cơ cấu tàu thuyền theo hướng đẩy mạnh khai thác xa bờ, hạn chế khai thác ven bờ, vùng lộng.

Để ngư dân hiểu và đồng hành cùng với các chính sách chuyển đổi nghề khai thác hải sản cua thành phố, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng đã giao cho Trung tâm khuyến nông ngư lâm thường xuyên tổ chức các khóa học tập, tuyên truyền cho ngư dân những quy định và định mức về các mô hình khuyến ngư, giới thiệu các trang thiết bị hàng hải, thiết bị khai thác và những mô hình khuyến ngư có hiệu quả nhằm nhân rộng các mô hình chuyển đổi nghề. 

UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn. Theo đó, thành phố phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3 - 4%/năm; tổng sản lượng thủy sản toàn thành phố đạt 38.000 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản chiếm 3 - 5%, sản lượng khai thác thủy sản chiếm 95 - 97%; giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 250 triệu USD. 


 
 
 
 
 

Thanh Nga và nhóm PV, BTV