Trong những năm qua, TP Hà Tĩnh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số và đô thị thông minh gắn với công tác cải cách hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm hướng tới nền hành chính hiện đại, công khai và minh bạch. 

Theo đó, thành phố đã quan tâm nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin. Chú trọng công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức toàn thành phố, nhất là đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin. 

Triển khai các chương trình, kế hoạch, dự án về ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số: Xây dựng, nâng cấp Cổng thông tin điện tử của thành phố, Cổng tiếp nhận ý kiến phản ánh của nhân dân và 15/15 trang thông tin điện tử phường, xã phục vụ công tác tuyên truyền, minh bạch thông tin của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở. 

Thành phố cũng triển khai ứng dụng đồng bộ và kết nối, liên thông giữa hệ thống quản lý văn bản, chỉ đạo điều hành của thành phố với trục liên thông văn bản của tỉnh. Thực hiện việc gửi nhận văn bản điện tử và chữ ký số để số hóa các dữ liệu tại các phòng, ban, cơ quan, đơn vị, phường, xã. Khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống Một cửa điện tử và Cổng Dịch vụ công trực tuyến gắn với xây dựng Trung tâm Hành chính công thành phố, Bộ phận một cửa điện tử các phường, xã phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. 

Triển khai nhiều giải pháp sáng tạo, đột phá để đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, trong đó việc triển khai các mô hình “Tổ dân phố điện tử”, “Hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến lưu động”, mô hình “Giải quyết các thủ tục hành chính lưu động”, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện việc nhận kết quả tại nhà qua dịch vụ bưu chính công ích...

Trung tâm Hành chính công thành phố tăng cường tuyên truyền dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 gắn với dịch vụ BCCI.

Đặc biệt, tại Nghị quyết số 05/NQ-TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định nhiệm vụ trọng tâm của thành phố là xây dựng đô thị thông minh. Tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, hiện thành phố đã tập trung xây dựng, hoàn thiện Đề cương nhiệm vụ xây dựng Đề án đô thị thông minh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến 2030 trình tỉnh thẩm định, phê duyệt. Sau khi được tỉnh phê duyệt, thành phố sẽ bắt tay vào việc xây dựng Đề án và triển khai đồng bộ các giải pháp đô thị thông minh.    

Bên cạnh đó, TP Hà Tĩnh cũng được xem là đơn vị đi đầu của tỉnh trong việc triển khai xây dựng hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông với công nghệ hiện đại, thông minh để thay thế hệ thống truyền thanh FM. 

Hiện nay, đã triển khai tại 02 đơn vị: xã Thạch Hưng, phường Tân Giang và đang hoàn thiện hồ sơ, chủ trương đầu tư đối với 02 đơn vị: xã Thạch Trung, xã Đồng Môn. Thời gian tới, thành phố sẽ quan tâm, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các phường, xã xây dựng mới hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông.

Đối với việc phát triển hạ tầng viễn thông, thương mại điện tử, TP Hà Tĩnh đã quan tâm, phối hợp với các sở, ngành liên quan để tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, từng bước hình thành, phát triển giao dịch, thương mại điện tử…

Bên cạnh kết quả tích cực đã đạt được, việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh của thành phố còn những hạn chế, khó khăn như: Hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ; tỷ lệ số hóa dữ liệu chưa cao, tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến qua dịch vụ công mức độ 3, 4 thấp; nguồn lực đầu tư cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, công nghệ số còn ít…

Xác định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, đô thị thông minh đối với sự phát triển bền vững của thành phố trong thời gian tới, Hà Tĩnh sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và ưu tiên các nguồn lực để thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp như: xây dựng, ban hành và triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án... về chuyển đổi số, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh gắn với công tác cải cách hành chính.

Ban hành cơ chế khuyến kích các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông. Khuyến khích đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào các lĩnh vực, đặc biệt là các hoạt động giao dịch, thương mại điện tử, từng bước hình thành nền kinh tế số, xã hội số.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách, quy định của Trung ương, tỉnh và thành phố, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết và tính cấp thiết của nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, chuyển đổi số gắn với công tác cải cách hành chính.

Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện và khai thác, sử dụng có hiệu quả, đúng quy định các hệ thống thông tin dùng chung của thành phố đã và đang được triển khai: Hệ thống Hồ sơ công việc, ý kiến chỉ đạo điều hành; gửi nhận văn bản điện tử, chữ ký số; Cổng/Trang thông tin điện tử; Cổng Dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử; các phần mền, cơ sở dữ liệu chuyên ngành..

Triển khai Đề án đô thị thông minh, trước hết là xây dựng, vận hành Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) của thành phố; tích hợp, kết nối cơ sở dữ liệu trên các lĩnh vực vào Trung tâm điều hành của thành phố và triển khai các dịch vụ đô thị thông minh để sớm hình thành hệ sinh thái đô thị thông minh, gắn phát triển các dịch vụ đô thị thông minh với việc phát triển chính quyền số, xã hội số và kinh tế số…

Minh Hải